Trải nghiệm du lịch sinh thái nông nghiệp tại Làng mộc Kim Bồng
VHO - Làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là một trong số 12 mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (đợt 1) được Bộ NN&PTNT phê duyệt theo Quyết định số 1386/QĐ-BNN-VPĐP ngày 4.6.2023.
Du khách khám phá nghề đóng tàu thuyền ở làng mộc Kim Bồng
Theo đó, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hoá bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại Làng mộc Kim Bồng giai đoạn 2023-2025. Làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng hiện có gần 1.000 hộ dân, nơi đây vẫn bảo tồn, lưu truyền kỹ thuật và duy trì hoạt động sản xuất, chạm khắc gỗ, đóng đồ gỗ dân dụng, làm nhà. Làng hiện còn khoáng 10 ngôi nhà cổ cùng với các đình, nhà thờ cổ lưu giữ, thể hiện được nét tinh hoa của nghề mộc Kim Bồng và đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia từ năm 2016.
Thế kỷ XVII-XVIII, với sự phồn thịnh của thương cảng Hội An, nghề mộc Kim Bồng phát triển mạnh mẽ. Những công trình cổ ở Hội An phần lớn là do thợ mộc Kim Bồng xây dựng, góp phần tạo ra vẻ đẹp kiến trúc cổ kính của đô thị cổ Hội An.
Thợ mộc làng Kim Bồng còn thiện nghệ trong nghề đóng ghe bầu ở xứ Quảng, nổi danh với hàng thủ công mỹ nghệ, hàng mộc dân dụng cao cấp. Sản phẩm của làng nghề đạt đến trình độ tinh xảo, chạm trổ khá cầu kỳ và tính mỹ thuật cao, tiêu biểu như: các loại tượng tròn, phù điêu, tranh gỗ, hàng lưu niệm, bàn ghế, các loại tủ, giường nằm và các vật dụng sinh hoạt khác được.
Sản phẩm chạm trổ tinh tế của thợ mộc Kim Bồng
Thời gian qua, thành phố Hội An cũng quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng như các tour trải nghiệm làng nghề mộc và các nghề khác như làm chiếu, đan thúng chai, làm lồng đèn, tráng bánh, nấu rượu; thưởng thức ẩm thực đặc trưng; Trải nghiệm cộng đồng khai thác thủy sản trên sông tại thôn Phước Trung; Trải nghiệm loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp…, phục dựng các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, lễ hội, ẩm thực truyền thống, các sản phẩm du lịch sinh thái. Các nghệ nhân đã phát huy được tiềm năng của mình trong phát triển các sản phẩm OCOP, các sản phẩm điêu khắc làm quà tặng lưu niệm du lịch.
Truyền nghề cho thế hệ trẻ của làng mộc
Mới đây, thành phố Hội An cũng đã phê duyệt dự án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại làng mộc Kim Bồng”.
Theo ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại làng mộc Kim Bồng phải dựa trên nền tảng là xây dựng nông thôn mới ở Cẩm Kim. Các nhiệm vụ, giải pháp sẽ được triển khai thực hiện như xác định các điểm có thể đưa vào chương trình tham quan, hình thành các tuyến tham quan tại xã Cẩm Kim; nâng cấp, đầu tư phát triển các điểm du lịch nông thôn gắn với thực hiện các tiêu chí nông thôn mới; phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền;…
Đồng thời, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội tại địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến xây dựng xã Cẩm Kim trở thành “Ngôi làng hạnh phúc”; tạo ra sự đa dạng trong sản phẩm trải nghiệm dành cho du khách khi đến Hội An.
Du khách tham gia Ngày hội truyền thống làng nghề mộc Kim Bồng
Quỹ Môi trường toàn cầu cũng hỗ trợ Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố triển khai dự án “Phát triển các mô hình sinh kế cộng đồng bền vững kết hợp du lịch sinh thái để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An”. Trong đó, mô hình du lịch học tập cộng đồng tại xã Cẩm Kim được xây dựng trên cơ sở dự án, bước đầu đã hình thành chương trình tour với các nhóm ngành nghề như mộc, ngư nghiệp, các nghề truyền thống, nông nghiệp và nhóm ngôi nhà cổ cùng 15 điểm tham quan. Trong các chương trình tham quan, người dân Cẩm Kim sẽ là những người trực tiếp hướng dẫn, tham gia làm du lịch cộng đồng, kể cho du khách câu chuyện về làng nghề, văn hóa của làng quê, thị phạm, giới thiệu các kỹ thuật chạm trỗ, chế tác, điêu khắc của nghệ nhân làng mộc.
Tổ hợp tác du lịch học tập cộng đồng Kim Bồng của xã Cẩm Kim cũng đã được ra mắt với hơn 60 thành viên để kết nối, hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân Cẩm Kim cùng nhau hoạt động, phát triển ngành nghề và cùng nhau phát triển du lịch học tập cộng đồng, tạo sinh kế bền vững.
Nghệ nhân Huỳnh Ri trò chuyện cùng du khách tại làng mộc
Năm 2000, Văn phòng UNESCO châu Á - Thái Bình Dương đã trao tặng giải thưởng “Dự án kiệt xuất về hợp tác bảo tồn khu phố cổ Hội An”, qua đó ghi nhận những thành quả của đội ngũ thợ làng Kim Bồng đã tích cực tham gia vào quá trình trùng tu kiến trúc gỗ. Tháng 10.2021, Văn phòng UNESCO châu Á - Thái Bình Dương đã tiếp tục trao giải thưởng “Thành tựu đặc biệt” cho kết quả bảo tồn làng mộc Kim Bồng.
* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương
THU HOÀI