Tiếp bài “Cần có biện pháp bảo vệ rạn san hô Hòn Sẹo”: Kiểm tra, quan trắc san hô tại Hòn Sẹo

Sau khi Văn Hóa có bài “Cần có biện pháp bảo vệ rạn san hô Hòn Sẹo” (số 3707, đăng ngày 8.4), vừa qua Chi cục Thủy sản Bình Định và Hiệp hội Thủy sản Bình Định phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) tiến hành quan trắc đánh giá rạn san hô tại khu vực này.

Tiếp bài “Cần có biện pháp bảo vệ rạn san hô Hòn Sẹo”: Kiểm tra, quan trắc san hô tại Hòn Sẹo - ảnh 1

Khu vực Hòn Sẹo có rạn san khô rất đẹp và là nơi có sinh cảnh đặc biệt

Bà Nguyễn Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định cho biết, hiện tại khu vực này còn sóng to gió lớn nên việc khảo sát rạn san hô chưa được kỹ. Tuy nhiên, qua kiểm tra một số điểm có thể nhận thấy rằng san hô tại khu vực Hòn Sẹo bị gãy và trôi vào bờ rất nhiều. “Tôi cho rằng thông tin san hô tại Hòn Sẹo bị khai thác trái phép là chưa chính xác. Vì qua kiểm tra thực tế, san hô ở đây có chết nhưng không phải là dấu vết của việc đào, bẻ san hô mà là do tác động của thiên nhiên”, bà Bình nhận định.

Qua xem xét các dấu tích, các chuyên gia cũng dễ dàng nhận thấy rằng san hô tại khu vực này bị chết là do tác động của sóng gió. Đặc biệt, vào cuối năm 2021 có bão lớn nên không chỉ riêng khu vực Hòn Sẹo mà san hô một số khu vực thuộc xã Nhơn Hải và xã Nhơn Châu (TP. Quy Nhơn) cũng bị chết.

Bà Nguyễn Hải Bình cũng đề xuất, đối với khu vực nào chịu ít tác động của thiên nhiên và có thể bảo vệ rạn san hô được thì giao cho tổ cộng động bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương quản lý, bảo vệ; đồng thời tiến hành đặt phao tiêu, đặt biển cảnh báo để người dân không vào khai thác trái phép hoặc hạn chế đi lại khu vực này. Về lâu dài, chính quyền địa phương và ngành chức năng sẽ xây dựng khu bảo tồn loài và sinh cảnh tại khu vực vịnh Quy Nhơn để bảo vệ rạn san hô.

Tiếp bài “Cần có biện pháp bảo vệ rạn san hô Hòn Sẹo”: Kiểm tra, quan trắc san hô tại Hòn Sẹo - ảnh 2

Một số điểm rạn san hô Hòn Sẹo có thể nhận thấy, san hô tại khu vực này do tác động của thiên nhiên bị gãy và trôi vào bờ rất nhiều

Trong khi đó, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đã chỉ đạo ngành chức năng khảo sát, đánh giá, làm rõ nguyên nhân san hô tại khu vực Hòn Sẹo (xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn) chết hàng loạt. “Ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với UBND TP. Quy Nhơn và Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Lý phối hợp khảo sát, đánh giá, làm rõ nguyên nhân”, ông Long chỉ đạo cụ thể.

Theo ông Nguyễn Phi Long, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Định nói chung, TP. Quy Nhơn nói riêng bị hạn chế. Việc tắm biển hay lặn ngắm san hô hầu như không có. Do vậy, chúng ta phải đánh giá lại nguyên nhân san hô chết là do thủy triều, hay biến đổi khí hậu hoặc còn nguyên nhân nào khác.

Được biết, từ năm 2020, UBND TP. Quy Nhơn đã công nhận và giao cho 4 tổ cộng đồng tại các địa phương với 220 thành viên quyền đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên tổng diện tích 46ha mặt nước có rạn san hô. Trong 3 ngày (từ ngày 12 - 14.4), Chi cục Thủy sản Bình Định và Hiệp hội Thủy sản Bình Định phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) cũng tiến hành quan trắc đánh giá rạn san hô tại những khu vực khác được giao cho các tổ chức cộng đồng quản lý như: khu vực biển Hòn Nhàn thuộc phường Ghềnh Ráng và khu vực biển phía Tây Hòn Khô Nhỏ của xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn).

Tiếp bài “Cần có biện pháp bảo vệ rạn san hô Hòn Sẹo”: Kiểm tra, quan trắc san hô tại Hòn Sẹo - ảnh 3

Các chuyên gia, kiểm tra và quan trắc san hô tại các khu vực Hòn Sẹo

Như trước đó Văn Hóa đã phản ánh, thời gian qua, các trang mạng xã hội tràn lan thông tin nhiều diện tích rạn san hô Hòn Sẹo tại xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn (Bình Định) bỗng nhiên bị chết hàng loạt, trong đó có đề cập đến một nhóm người từ địa phương khác đến nơi này lén lút khai thác trộm vào ban đêm, khiến hệ sinh thái biển nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng...

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc