Quảng Ngãi: Tìm cách khai thác “mỏ vàng” phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững
VHO – Chiều 5.3, tại Khu du lịch sinh thái Hi’land Suối Chí (Nghĩa Hành), Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi tổ chức triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch; du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Du khách check in ở cánh đồng thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn
Theo Sở VHTTDL tỉnh, trong những năm vừa qua, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có những thành quả đáng khích lệ, thu hút sự tham gia nhiệt tình của người dân địa phương và hưởng ứng của toàn xã hội.
Đến Quảng Ngãi, ngoài những bãi biển cát trắng trải dài, du khách còn được tận hưởng hương vị trái cây miệt vườn ở Bình Thành, ghé Gò Cỏ nghe một điệu bài chòi, dừng chân ở Sơn Mỹ nghe câu chuyện chiến tranh khói lửa mà thêm trân trọng giá trị của hòa bình, một thoáng Bình Sơn với rừng cóc trắng còn bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái rừng ngập mặn, Lý Sơn nổi tiếng với loại hình du lịch trải nghiệm cuộc sống của cư dân miền biển…
Từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền núi cho đến đảo xa, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn đã vẽ nên một bức tranh du lịch sinh động, đầy màu sắc về các giá trị văn hóa, lối sống, truyền thống làng quê, gắn với hoạt động sản xuất cộng đồng địa phương. Tạo ra nhiều cơ hội việc làm, cải thiện đời sống kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, du lịch Quảng Ngãi vẫn còn hạn chế so với các tỉnh/ thành lân cận, loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, sản phẩm du lịch vẫn mang tính tự phát, vẫn còn tư duy “phát triển nóng” mà chưa chú trọng đến vấn đề bền vững.
Chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp du lịch với người dân địa phương. Công tác quảng bá, xúc tiến còn yếu, chưa đủ sức cạnh tranh với các tỉnh/thành khác.
Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã đóng góp ý kiến, chia sẻ những khó khăn hiện nay về cơ chế, chính sách triển du lịch cộng đồng cần được lồng ghép trong các chính sách khác về phát triển vùng, phát triển cộng đồng, chính sách xây dựng nông thôn mới, các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp và nông thôn...
Nhà nước cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ thích đáng để khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, bao gồm từ đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông đến hỗ trợ về đào tạo, phát triển dịch vụ, khôi phục và phát triển nghề truyền thống, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết cho phát triển du lịch cộng đồng.
Cần có hướng dẫn và có các quy định đối với cộng đồng cư dân trong hoạt động du lịch để bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Việc phát triển du lịch cộng đồng không nên làm ồ ạt theo phong trào mà cần có sự chuẩn bị bài bản, nhất là về công tác tìm hiểu thị trường khách, quảng bá, điều kiện phục vụ khách…
Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi bàn giao 2 mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là một quá trình cần nhiều thời gian để thực hiện, đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần thay đổi nhận thức về làm du lịch.
“Phát triển du lịch là để làm kinh tế và cần thay đổi nhận thức về làm du lịch, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chứ không riêng gì của ngành văn hóa- thể thao, du lịch”, ông Dũng nói.
Dịp này, Sở VHTTDL tỉnh tiến hành bàn giao 2 mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn (An Khê, Sơn Mỹ) và ký kết kế hoạch phối hợp triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch trong năm 2024 giữa Sở VHTTDL và một số địa phương.
NHƯ ĐỒNG