Phân loại rác thải nhựa giá trị thấp tại cộng đồng
VHO- Túi nilon, ống hút, cốc, thìa nhựa dùng một lần, vỏ bánh, kẹo… là những loại rác thải nhựa có giá trị thấp nhưng được thải hằng ngày với số lượng lớn, nhưng lại để chung với các loại rác khác dẫn đến khó xử lý. Trước tình trạng này, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã thí điểm triển khai mô hình “Kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng” tại 6 phường trên địa bàn.
Một hộ dân thu gom túi nilon tách biệt với các loại rác thông thường Ảnh: T.TÂM
Trước đây, bà Nguyễn Kim Thoa (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) mỗi lần đi chợ về, và sau khi chế biến món ăn bà phải vứt vào túi rác hơn 10 chiếc túi nilon đựng các loại rau, củ, quả, cá, thịt, gia vị… Đó là chưa kể các loại hộp nhựa dùng một lần như hộp sữa chua, thìa sữa chua, cốc trà sữa, ống hút, vỏ bánh kẹo mà cháu bà sử dụng hằng ngày.
Tuy nhiên, sau khi tham gia các hoạt động của dự án “Mô hình Kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm” bà đã hiểu được tác hại của việc sử dụng túi nilon đối với môi trường, từ đó bà và gia đình cùng bảo nhau hạn chế thải loại túi nilon, khi loại thì để riêng cho nhân viên môi trường tới thu gom. “Trước đây, nhà tôi thường mua túi nilon về đựng thức ăn, hoặc dùng màng bọc thực phẩm, nhưng giờ đây, nhà tôi không sử dụng màng bọc thực phẩm nữa mà cất vào hộp kín có nắp. Một số loại túi nilon sạch thì cất đi để đựng thức ăn. Những túi nilon hoặc đồ nhựa nào buộc phải vứt đi thì tôi gom vào một chỗ, không để chung với các loại rác khác để nhân viên môi trường thu gom mang đi xử lý”, bà Thoa nói. Bà là một trong hơn 5.000 hộ dân ở quận Hoàn Kiếm được tập huấn, tham gia, truyền thông về giảm thiểu và tái chế chất thải nhựa của Dự án và đang trở thành nhân tố nguồn để tiếp tục lan tỏa tới các hộ dân khác trên toàn quận.
Quận Hoàn Kiếm là quận trung tâm của thành phố Hà Nội có 18 phường và dân số là 155.900 người. Mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn quận khoảng 230 tấn, được Công ty Môi trường đô thị (URENCO) chi nhánh Hoàn Kiếm thu gom, sau đó chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn. Năm 2019, quận Hoàn Kiếm đã phê duyệt kế hoạch chiến lược “Quản lý, phân loại rác thải, ngăn chặn rác thải nhựa và túi nilon trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” với mục tiêu 100% rác thải sinh hoạt được phân loại. Dự án “Mô hình Kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng” do UBND quận Hoàn Kiếm và Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng phối hợp thực hiện sẽ góp phần đạt được mục tiêu này. Dự án tập trung vào chất thải nhựa có giá trị thấp được xây dựng và triển khai đầu tiên tại quận Hoàn Kiếm, là thực hành 3R dựa vào cộng đồng (rác thải nhựa có thể tái chế và rác nhựa giá trị thấp) sẽ được phân loại ở cấp hộ gia đình, được thu gom bởi công nhân của URENCO chi nhánh Hoàn Kiếm, tập kết, thu gom tại cơ sở thu mua phế liệu (depo), sau đó rác được vận chuyển đến công ty tái chế nhựa để sản xuất các sản phẩm tái chế (hạt nhựa, gạch...).
Trong mô hình này, các nhóm phụ nữ và lãnh đạo cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc phân loại rác tại cộng đồng thông qua việc thúc đẩy 3R, giúp tổ chức tập huấn và hướng dẫn tận nơi tại các khu dân cư, giúp theo dõi và ghi chép. Những người thu gom rác phi chính thức (còn gọi là người mua bán đồng nát hoặc ve chai), công nhân URENCO, depo (cơ sở thu mua phế liệu) là những nhân tố chính của hệ thống thu gom, công ty tái chế nhựa sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển và xử lý rác nhựa giá trị thấp.
Qua thời gian ngắn tổ chức thí điểm tại 6 phường Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Trống, Cửa Đông và Phúc Tân, mô hình đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Sau một tháng triển khai đồng bộ trên cả 6 phường đã có 5.400 hộ gia đình được tuyên truyền và hướng dẫn, gần 5.000 hộ được ghi nhận đã tham gia phân loại rác thải tại nguồn. Kết quả, 4.200kg rác thải nhựa giá trị thấp cũng đã được phân loại, riêng tại phường Hàng Đào đã ghi nhận được gần 700kg rác thải nhựa giá trị thấp sau khoảng thời gian 2 tháng triển khai.
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, để có kết quả này, bên cạnh các biện pháp triển khai dự án đang thực hiện, cần phải tổ chức tốt công tác thông tin truyền thông, giáo dục vận động tuyên truyền để thay đổi nhận thức, tạo chuyển biến trong thái độ và hành vi hằng ngày của người dân và các bên liên quan trong toàn bộ dây chuyền quản lý rác thải. Công tác này cần tổ chức trong một thời gian dài, thường xuyên và liên tục ở các địa bàn cho mọi đối tượng, nhằm xây dựng được ý thức và hình thành được thói quen trong mỗi gia đình và ngoài cộng đồng.
Ra mắt mạng lưới “Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa” Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) vừa triển khai dự án và thành lập Mạng lưới “Phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa” với sự tham gia của các phóng viên, nhà báo nữ viết về môi trường hiện đang làm việc tại các cơ quan báo chí tại Hà Nội. Bà Trần Thị Như Trang, Giám đốc VSF cho biết: “Thông qua việc thành lập mạng lưới phóng viên nữ và tổ chức các hoạt động liên quan, Quỹ mong muốn sẽ trở thành cầu nối giữa các phóng viên với các chuyên gia, nhà hoạt động về môi trường, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các nhóm cộng đồng liên quan để cùng “lên tiếng” thay đổi nhận thức và thực hành của xã hội về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa”. |
QUỲNH HOA