Ô nhiễm “tấn công” Di tích quốc gia kênh nhà Lê
VHO - Dòng nước ở kênh Nhà Lê, đoạn qua huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) có màu đen đặc, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân cũng như mỹ quan di tích.
Thời gian qua, người dân xã Nghi Yên (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) sống dọc kênh Nhà Lê phản ánh, nước trong kênh bất ngờ đổi màu đen đặc, hôi thối ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và cảnh quan. Bà Nguyễn Thị Thanh, người dân sống khu vực gần kênh cho biết: "Nhiều năm trước, ngày hè trẻ con vẫn thường xuống kênh tắm. Những năm gần đây thì nước thường xuyên có màu đen, không ai dám tới gần nữa. Mỗi lần nước đổi màu, những hộ dân sống dọc kênh rất khổ vì mùi hôi thối. Tình trạng ô nhiễm đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sức khoẻ của chúng tôi ".
Kênh Nhà Lê đoạn qua huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2016. Đây là một hệ thống giao thông đường thủy quan trọng nối các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong kháng chiến chống Mỹ, con kênh này trở thành tuyến đường vận tải thủy hữu hiệu đưa hàng hóa, vũ khí... qua trọng điểm đánh phá miền Trung, được coi như tuyến “đường mòn Hồ Chí Minh trên sông” về đóng góp quan trọng cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Suốt gần 10 năm hoạt động bám tuyến, bám kênh, với 1.350 cán bộ, công nhân viên, lao động, thanh niên xung phong, dân công... tham gia chiến đấu trên mặt trận rà phá bom mìn, nạo vét tuyến luồng, chống phong tỏa, chỉ tính riêng địa bàn Nghệ An có 130 người đã anh dũng hy sinh.
Một đoạn kênh Nhà Lê cạnh vị trí tượng đài bị ô nhiễm
Tưởng nhớ, tri ân những chiến sĩ ngành đường thủy đã anh dũng hy sinh và một con kênh huyền thoại đã đi vào lịch sử, năm 1996, ngành Giao thông vận tải Nghệ An chọn địa điểm núi Thần Vũ, gần nơi an táng 130 liệt sĩ trên địa bàn xã Nghi Yên làm nơi dựng Đài tưởng niệm kênh Nhà Lê. Dù là đoạn kênh có ý nghĩa lịch sử quan trọng nhất, nhưng những năm gần đây, dòng kênh ở khu vực này gần như đã bị ô nhiễm nặng.
Trao đổi vấn đề này, ông Trần Công Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Yên cho biết: Từ đợt mưa cuối tháng 10 vừa qua, đoạn kênh Nhà Lê chảy qua địa bàn nước đổi màu đen kịt, bốc mùi hôi thối. Dòng kênh này không chỉ có ý nghĩa lịch sử, mà còn là nơi cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho 400 ha đất canh tác trên địa bàn xã, tình trạng ô nhiễm thường xuyên xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Mỗi lần như thế, chúng tôi đều tổ chức kiểm tra, tìm nguyên nhân nhưng đến nay vẫn chưa xác định được chính xác nguồn ô nhiễm”.
Theo chính quyền địa phương, lần ô nhiễm nghiêm trọng và kéo dài nhất xảy ra vào trung tuần tháng 4.2021. Ngay sau khi phát hiện dòng kênh chuyển qua màu đen, bốc mùi hôi thối, chính quyền địa phương xã Nghi Yên và huyện Nghi Lộc đã lập đoàn để điều tra nguyên nhân. Trên đoạn kênh này thời điểm đó có một cửa hàng kinh doanh xăng dầu, có hộ dân chăn nuôi lợn số lượng lớn rồi các cửa hàng ăn uống. Nhưng đi kiểm tra thì không phát hiện hiện tượng xả thải. UBND xã cũng đặt nghi vấn nguồn thải bức tử dòng kênh xuất phát từ Khu xử lý chất thải rắn Nghi Yên cách đó không xa, nhưng thời điểm kiểm tra thì đường ống xả thải của khu này không thực hiện xả thải.
Màu nước đen bốc mùi thối
Về vấn đề này, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên thừa nhận, dòng nước có màu đen xuất phát từ bên trong khu xử lý. Tuy nhiên, nguồn nước đó là từ khu vực lò đốt của Công ty cổ phần Galax (ngành nghề kinh doanh chính là: Xử lý và tiêu huỷ rác thải không độc hại), do những lò đốt rác gây ô nhiễm môi trường nên từ 3 năm trước đã bị UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu dừng hoạt động, nhưng vẫn còn sót lại lượng lớn mùn. Mỗi lần mưa lớn, nước từ khu vực này chảy tràn ra, thông qua một con mương trong khu xử lý chất thải rắn đổ ra kênh Nhà Lê. Ngay sau khi nhận được phản ánh, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên đã cho người đắp đất, ngăn dòng nước thải tràn ra bên ngoài.
Khu xử lý rác thải Nghi Yên đến nay đã vận hành hơn 10 năm, thời gian qua đã có các biện pháp nhằm cải thiện, xử lý ô nhiễm môi trường như phun thuốc khử mùi, diệt côn trùng, tuy nhiên, vấn đề này không thể giải quyết một cách triệt để. Ông Phạm Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An cho biết, khu xử lý rác Nghi Yên chủ yếu bằng chôn lấp, sinh ra nước rỉ, mùi hôi, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trong tổng 8 ô chôn lấp, hiện nay có 5 ô đã đầy. Vì vậy, thời gian tới phải tìm được nhà đầu tư, xử lý khắc phục tình trạng này, không để tình trạng xử lý rác bằng chôn lấp diễn ra lâu dài.
PHẠM NGÂN