Những con đường hoa ven phá Tam Giang
VHO- Những tuyến đường ven phá Tam Giang qua các xã Quảng Công, Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Ngạn của huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) đã được “khoác áo mới” từ những mô hình xanh - sạch - sáng. Những việc làm nhỏ của những phụ nữ nông thôn đã được tích lũy dần, góp phần thay đổi cảnh quan, diện mạo của những miền quê.
Phụ nữ ven phá Tam Giang (thuộc huyện Quảng Điền) chăm sóc, vun trồng những luống hoa dọc những con đường làng
“Khoác áo mới” cho làng quê
Con đường nhỏ chạy dọc làng Tây Hoàng, xã Quảng Thái bây giờ đã được trồng phủ dày đặc những luống hoa. Vào mỗi sáng Chủ nhật, các chị em phụ nữ trong thôn lại tập trung dành thời gian để vun xới, chăm sóc, tỉa lại những bồn hoa để không gian thôn xóm càng xanh mát. Những luống hoa ở gần khu vực sân vận động xã Quảng Thái cũng được chị em “mát tay” chăm bón nên đua nhau khoe sắc.
Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” được các chị em phụ nữ ở xã Quảng Thái triển khai rất bài bản, phù hợp với đặc điểm thực tế địa phương. Hội Phụ nữ xã đã tận dụng lốp xe, chậu nhựa để vun trồng các loại cây cảnh, đặt dọc vỉa hè trên tuyến đường làng dẫn đến Trường Tiểu học xã Quảng Thái, góp phần tạo cảnh quan không gian xung quanh trường học. Nhiều chị em khác thì đảm nhận công việc nhặt rác ở những hố rác tự phát trên các tuyến đường làng, rồi đào hố để trồng hoa, trồng cây xanh.
Khi mới phát động phong trào trồng hoa trên các tuyến đường làng Tây Hoàng, một nhóm chị em phụ nữ đã đến “gõ cửa” từng nhà để vận động. Đến nay, đã có hơn trăm chị em cùng tham gia, với mục đích xây dựng môi trường sống xanh - sạch - sáng trên chính quê hương mình. Không chỉ làng Tây Hoàng, phụ nữ các thôn, làng ở xã Quảng Thái cũng hăng hái tham gia phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” và lan tỏa mô hình “Ngõ xanh” gắn với những tuyến đường hoa, tuyến đường kiểu mẫu do Hội Phụ nữ xã quản lý, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh trong chị em phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung. Để có được những cung đường hoa tuyệt đẹp tỏa ngát hương bên phá Tam Giang như hôm nay, chị em phụ nữ xã Quảng Thái đã lựa chọn những tuyến đường thường xảy ra ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan để trồng thử nghiệm đoạn đường hoa. Từ các mô hình thử nghiệm, đến nay đã có hàng nghìn mét đường hoa thay thế cho rác và cỏ dại.
Bà Hoàng Thị Minh Phương, chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền) thông tin: “Ban đầu người dân muốn tạo cảnh quan cho khuôn viên ngôi nhà của mình nên một số gia đình tiên phong trồng hoa trước ngõ nhà, sau đó phát triển thành những tuyến đường hoa. Đến nay, toàn xã đã có nhiều tuyến đường hoa nông thôn với tổng chiều dài hơn 4 km do phụ nữ quản lý. Từ những mô hình ban đầu của các chi hội phụ nữ trong xã, phong trào trồng hoa ven đường lan tỏa mạnh, được nhiều người dân hưởng ứng”.
Cạnh xã Quảng Thái, chị em phụ nữ ở xã Quảng Lợi cũng chung tay, góp sức xây dựng tuyến đường hoa ở thôn Ngư Mỹ Thạnh ven phá Tam Giang. Không gian đường sá ở Ngư Mỹ Thạnh được chỉnh trang, đã góp phần tạo điểm nhấn thu hút du khách đến check-in, tham quan trải nghiệm các dịch vụ du lịch cộng đồng tại đây.
Và những “Ngôi nhà xanh” ý nghĩa
Không chỉ xây dựng hình ảnh xanh - sạch - sáng từ đường làng, ngõ xóm, mà nhiều chị em phụ nữ ở các xã ven phá Tam Giang còn “góp rác” thành tiền từ mô hình “Ngôi nhà xanh”. Và dành nguồn quỹ đó cho các hoạt động thiện nguyện xã hội, hỗ trợ các học sinh khó khăn trên địa bàn.
Đi dọc những tuyến đường chính ven các xã của huyện Quảng Điền có thể dễ dàng nhận ra những “Ngôi nhà xanh”. Những “Ngôi nhà xanh” là nơi tập kết rác thải tái chế như bìa cacton, vỏ lon bia, giấy vụn, chai nhựa... hạn chế xả rác bừa bãi, ảnh hưởng đến môi trường. Đều đặn mỗi tháng, chị em phụ nữ trong các xã sẽ mở 2 lần để “bán rác lấy tiền”, với khoảng 200.000 - 300.000/nhà/lần bán. Nguồn quỹ này được phụ nữ địa phương giành để giúp trẻ mồ côi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đến trường.
Chị Nguyễn Thị Huệ, ở xã Quảng Công cho biết, định kỳ hằng tuần chị gom phế liệu, rác thải tái chế trong gia đình rồi đến “góp” vào “Ngôi nhà xanh” của Hội Phụ nữ xã. Bản thân chị cũng tích cực tham gia vận động, tuyên truyền để người dân trên địa bàn tích cực tham gia, cùng bảo vệ môi trường và đóng góp cho mô hình ý nghĩa, nhân văn này.
Bà Trần Thị Phương Nhung, chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quảng Điền cho biết, các cấp hội cơ sở đã nhân rộng 89 mô hình rác thải, trong đó có 50 mô hình “Biến rác thành tiền” thu gom hằng tháng, 24 mô hình “Ngôi nhà xanh” và 15 mô hình “đổi rác thải nhựa lấy hàng tiêu dùng” thu hút hơn 80% hội viên phụ nữ tham gia. Số tiền thu được từ các mô hình trên giành để hỗ trợ cho trẻ mô côi có hoàn cảnh khó khăn, trao quà cho hội viên phụ nữ nghèo, hỗ trợ chị em khó khăn mượn vốn để phát triển kinh tế gia đình...
THÙY AN