Nhờ hương ước, “lâm cấm” ở Bình Tân Phú được bảo vệ...

VHO- Trong khi ở nhiều địa phương khác, nhiều diện tích rừng bị tàn phá không thương tiếc thì ở xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), vẫn tồn tại một màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng đã có từ bao đời nay. Trong ký ức của người dân nơi đây, rừng như người mẹ hiền luôn chở che, đùm bọc cho bà con xóm làng.

Nhờ hương ước, “lâm cấm” ở Bình Tân Phú được bảo vệ... - Anh 1

Những cây cổ thụ có tuổi đời lên tới vài trăm năm tuổi ở những lâm cấm xã Bình Tân Phú

Người dân xã Bình Tân Phú gọi những khu rừng bảo tồn của mình là lâm cấm. Những lâm cấm này từ xa xưa đem lại nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt. Trong chiến tranh lâm cấm còn là nơi được chọn đặt làm trụ sở của huyện ủy Đông Sơn. Bây giờ tuy nước Thạch Nham đã về nhưng người dân vẫn bảo tồn lâm cấm và hướng đến kết nối du lịch khám phá vùng rừng.

Báu vật của làng

Tìm đến lâm cấm trong những ngày hè, trải qua đoạn đường đầy khó khăn thì hiện ra trước mắt chúng tôi là cánh rừng với một màu xanh bạt ngàn. Đang loay hoay dừng xe vào rừng để ghi hình, bất chợt chúng tôi nhìn thấy một bác dáng người mảnh khảnh từ trong rừng đi ra. Thấy có người lạ, ông Nguyễn Tấn Minh (67 tuổi) nhanh chân đến hỏi. Một hồi lâu chúng tôi mới thuyết phục được ông, nhờ dẫn đường để vào sâu bên trong khu rừng.

“Rừng, cây cổ thụ, di tích căn cứ huyện Đông Sơn, tất cả đều là niềm tự hào của người làng An Tráng đấy”, ông Minh cười hiền nói. Ông Minh cho biết, đối với người dân thì đây là rừng thiêng nên lập miếu để thờ phụng. Theo lệ, ông Minh thắp nhang khấn, xin phép “thần rừng” và những người “gác miếu”. Xong xuôi, ông vớ lấy cái rựa có cán dài rồi dẫn chúng tôi “mục sở thị” những thân cây to lớn. Lâm cấm An Tráng chẳng khác gì những vạt rừng ở dãy Trường Sơn hùng vĩ. Cây dại, dây leo chằng chịt. Nơi đây có một số hầm ngày trước là nơi trú ẩn của cán bộ cách mạng. Đi chừng nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi đến được nơi cần đến. Ai cũng ngỡ ngàng khi chứng kiến hàng loạt cây cổ thụ có tuổi đời lên tới vài trăm năm tuổi, có cây phải 6 - 7 người ôm mới xuể.

Lâm cấm An Tráng có tới vài chục cây cổ thụ với nhiều loại như mít nài, vĩnh, trâm, quăng, huỷnh, chò, cầy, sến... Cây sống lâu năm nên chúng có hình thù kỳ quái, độc đáo hiếm có. “Nhiều cây gỗ có giá trị kinh tế cao nhưng với người dân, quý hơn cả là khu rừng gắn với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này, là di tích cách mạng. Rừng giữ đất, giữ nước, bảo vệ làng trước phong ba bão táp, nên người dân luôn có ý thức giữ rừng”, ông Minh bộc bạch. Nói rồi, ông Minh chọn một gốc cây to, ngồi nghỉ, hồi tưởng lại câu chuyện quá khứ, kể lại một cách rành mạch để mọi người hiểu hơn về giá trị của rừng An Tráng. Từ tháng 8.1970 đến tháng 4.1975, huyện Đông Sơn được thành lập, bao gồm 5 xã phía Đông Nam của huyện Bình Sơn, 9 xã khu Đông huyện Sơn Tịnh (nay thuộc TP Quảng Ngãi) và một phần xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh). Khu rừng An Tráng được lựa chọn làm căn cứ của các cơ quan Huyện ủy, UBND cách mạng huyện Đông Sơn. Tại căn cứ này, Đảng bộ, quân và nhân dân huyện Đông Sơn đã liên tục tiến công và nổi dậy đập tan các kế hoạch bình định, các cuộc tiến công càn quét của địch...

Nhờ hương ước, “lâm cấm” ở Bình Tân Phú được bảo vệ... - Anh 2

 Người dân xã Bình Tân Phú giữ rừng như báu vật

Xây dựng hương ước giữ rừng

Lâm cấm An Tráng, một trong 8 lâm cấm trên địa bàn xã Bình Tân Phú rộng hơn 3 ha. Những cây mít nài, trâm bầu, mù u, gõ vươn thẳng tắp. Vượt lên trên tất cả là cây cày to bằng ba người ôm. Ông Đoàn Long, người dân xã Bình Tân Phú chia sẻ, ở đây chẳng bao giờ xảy ra tình trạng thiếu nước bởi vì mạch nước ngầm dồi dào, quanh năm mát lạnh, phục vụ tốt cho việc sinh hoạt, sản xuất. Có được điều đó cũng nhờ vào rừng, rừng có xanh thì nguồn mạch mới tốt.

“Nhờ có lâm cấm nên mùa hè các giếng trong làng mới đủ nước, người dân có nước để làm ruộng và mùa Đông còn che chở xóm làng không bị gió bất thổi”, ông Long tự hào nói. Để giữ được những cánh rừng, từ thời xa xưa trong hương ước của những ngôi làng Bình Tân Phú đều quy định khá rõ về xử lý những ai đốn cây, chặt gỗ trong rừng. Theo hương ước, số gỗ, củi khô chỉ được thu hoạch một lần trong năm, thường thì rơi vào ngày 25 tháng Chạp và bắt buộc phải mang ra bán đấu giá. Số tiền thu được từ việc bán củi, gỗ khô được xung quỹ để trích hỗ trợ người dân lúc ốm đau, ngặt nghèo, chi cho hoạt động lệ xóm hằng năm. Việc bảo vệ rừng còn được xem là hình thức thi đua giữa tộc họ, xóm làng. Ông Trương Quang Phú, xã Bình Tân Phú cho biết: “Hồi xưa, làng quy định rõ ai vi phạm việc đốn cây chặt củi trong lâm cấm lần đầu tiên sẽ nhắc nhỡ , lần thứ hai phạt tiền. Còn lần thứ 3 thì làng họp để nêu biện pháp xử lý. Quy định là vậy, nhưng có ai vi phạm đâu. Dù đói rách, ai cũng phải giữ cho lòng mình được thơm tho, tự trọng với rừng xanh”.

Toàn xã Bình Tân Phú hiện có 7 khu rừng tự nhiên với hơn 18 ha, tập trung nhiều ở xã Bình Tân cũ. Rừng tự nhiên chủ yếu ở xóm An Tráng, Phú Vinh, Bình An (thôn Nhơn Hòa 1) và xóm Thuận Yên (thôn Diên Lộc). Trong đó, rừng Phú Vinh có khoảng 7 ha rừng tự nhiên với hệ động, thực vật đa dạng, phong phú. Đây là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, muông thú, đặc biệt là khỉ... Hiện có 4 rừng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chủ rừng đều là cộng đồng dân cư của các xóm Bình An, Phú Vinh, An Tráng và Thuận Yên, còn lại đang làm thủ tục giao đất mà chủ rừng cũng đều là cộng đồng dân cư. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bình Tân Phú cho biết: “Lâm cấm từ lâu là lá phổi xanh, là chiếc áo giáp dày che chở cho làng, là nơi tạo nguồn sinh mạch. Địa phương đã đề xuất với cấp trên kết nối các lâm cấm với những danh lam, thắng cảnh trên địa bàn như núi Thình Thình, mũi Ba Làng An để phát triển du lịch”.

Rời lâm cấm khi mặt trời đã xuống núi, ngắm lại cánh rừng xanh ngút tầm mắt, chúng tôi không khỏi khâm phục tinh thần đoàn kết, đồng lòng bảo vệ rừng của người dân nơi đây. Cùng đó là lòng biết ơn của con cháu đời sau khi thế hệ trước đã để lại nguồn tài nguyên rừng vô giá. 

 NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc