Nhiều thách thức trong việc xử lý tội phạm về động vật hoang dã

VHO- Mới đây, tại Đà Nẵng, Trung tâm giáo dục Thiên nhiên (ENV) tổ chức toạ đàm “Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam - Thành tựu và Thách thức”, trong đó nêu ra nhiều bất cập trong công tác quản lý, xử phạt tội phạm buôn bán động vật hoang dã.

Nhiều thách thức trong việc xử lý tội phạm về động vật hoang dã - Anh 1

Bắt giữ vụ vận chuyển trái phép sừng động vật hoang dã với số lượng lớn

Việt Nam vẫn tiếp tục bị quốc tế đánh giá là quốc gia trung chuyển, thị trường tiêu thụ lớn và thiếu hành động sau các vụ bắt giữ ĐVHD quy mô lớn. TP. Đà Nẵng với những lợi thế về vị trí địa lý và giao thông thương mại cũng đang bị đối tượng buôn lậu gia tăng các hoạt động vận chuyển, quá cảnh các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Bà Bùi Thị Hà -Phó giám đốc ENV cho biết, qua phân tích 111 vụ án hình sự về ĐVHD được ghi nhận trong năm 2020, ENV nhận thấy có nhiều chuyển biển tích cực trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) của các cơ quan chức năng tại Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2020, ENV ghi nhận 105/111 vụ án hình sự liên quan đến ĐVHD có các đối tượng vi phạm bị bắt giữ, chiếm 94,6%. Đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay khi so sánh với giai đoạn năm 2015-2019.  Tính đến tháng 6.2021, có 63/105 vụ án liên quan đến ĐVHD được phát hiện, hiện vẫn còn 42 vụ án được phát hiện trong năm 2020 đang được các cơ quan chức năng xem xét xử lý hình sự. 

Nhiều thách thức trong việc xử lý tội phạm về động vật hoang dã - Anh 2

Một cá thể trút được người dân thả về thiên nhiên

Tại hội nghị, các đại biểu nhận định sở dĩ công tác xử lý tội phạm ĐVHD luôn gặp nhiều thách thức là do các cơ quan chức năng chưa thực sự hành động trong việc tìm kiếm, xử lý tội phạm về ĐVHD. Trong giai đoạn 2014-2020 Đà Nẵng đã phát hiện 29 vụ vận chuyển ngà voi và vảy tê tại các cảng biển, tuy nhiên, chỉ 3 vụ việc có đối tượng bị bắt giữ và truy cứu trách nhiệm đến nơi đến chốn. Theo báo cáo của Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) giai đoạn 2004 – 2019: Việt Nam đã bắt trên 600 vụ liên quan buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật,cụ thể: 105,72 tấn ngà voi (tương đương 15.779 cá thể); 1,69 tấn sừng tê giác (tương đương 610 cá thể); da, xương, sản phầm khác của khoảng 228 cá thể hổ; cơ thể và vảy của khoảng 65.510 cá thể tê tê. Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) dựa trên nguồn dữ liệu do các cơ quan thực thi pháp luật cung cấp đã thống kế giai đoạn 2013 - 2017 có 1.504 vụ vi phạm với 1.461 đối tượng liên quan đến các loại động vật hoang dã; hơn 180 loại động vật hoang dã bị vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắn… bất hợp pháp. 

Từ những rào cản trên, ENV đưa ra khuyến nghị cần nỗ lực hơn nữa để chấm dứt tình trạng tham nhũng trong hoạt động xử lý tội phạm ĐVHD bằng cách tập trung điều tra, xử lý các vụ buôn lậu ĐVHD lớn bị phát hiện tại khu vực cảng biển, cảng hàng không, để từ đó làm rõ mạng lưới tội phạm đứng sau những lô hàng đặc biệt này. Cuộc chiến đẩy lùi tội phạm về ĐVHD chỉ có những thay đổi thực sự khi các mạng lưới tội phạm bị triệt tiêu và những kẻ cầm đầu bị bắt giữ, truy cứu trách nhiệm. 

MINH CHÂU
 

Ý kiến bạn đọc