Người dân Cù Lao Chàm “Nói không với rác thải nhựa dùng 1 lần”

VHO- Ngay trong buổi lễ phát động phong trào “Nói không với rác thải nhựa dùng 1 lần” tại Cù Lao Chàm- Hội An, rất nhiều người dân đã tiến hành thu gom, mang hàng trăm kg rác các loại đến để đổi lấy sản phẩm thay thế.

Người dân Cù Lao Chàm “Nói không với rác thải nhựa dùng 1 lần” - Anh 1

Người dân Cù Lao Chàm mang rác thải đổi quà tặng

Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hội An vừa phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) tổ chức chương trình phát động phong trào “Nói không với rác thải nhựa dùng 1 lần” năm 2022 và chương trình “Đổi rác lấy sản phẩm thay thế - Hành động vì đảo xanh” tại Cù Lao Chàm,  xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam). 
Sự kiện hướng đến mục tiêu nhằm huy động sự tham gia của cán bộ, hội viên phụ nữ vào phong trào bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần trên địa bàn TP. Hội An nói chung và tại xã đảo Tân Hiệp nói riêng. Đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các hộ kinh doanh và người dân trên đảo Cù Lao Chàm về việc thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần,
Đây cũng là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Có mặt tại buổi phát động với túi rác thải nhựa mang theo để đổi lấy sản phẩm thay thế là cà mèn, chai thủy tinh, chị Nguyễn Thị Bé, một tiểu thương ở Cù Lao Chàm chia sẻ: Người dân ở đảo đã quen và thực hiện rất tốt các hoạt động bảo vệ môi trường, khởi nguồn từ phong trào Cù Lao Chàm-Nói không với túi nilon được phát động vào năm 2009, ngay sau khi được Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới . 
Người dân ý thức rõ, đảo xanh thì môi trường sống của ngư dân mới được tốt, du khách mới thích thú đến nhiều, tôm cá hải sản dưới biển, cây lá rau trên rừng mới sinh sôi phát triển, làm kinh tế, làm du lịch mới bền vững. Chính vì thế, rất nhiều phong trào tương tự, như nói không với ống hút nhựa một lần, mang giỏ đi chợ, thu gom rác thải nhựa,…đều được người dân ở đảo hưởng ứng nhiệt tình, hiệu quả. 

Người dân Cù Lao Chàm “Nói không với rác thải nhựa dùng 1 lần” - Anh 2

Ra mắt tổ giám sát cộng đồng tại Cù Lao Chàm

Dịp này, Tổ giám sát cộng đồng Cù Lao Chàm đã chính thức ra mắt; tại sự kiện, đại diện 10 hộ kinh doanh đã ký cam jeets với chính quyền về sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường thay thế đồ nhựa dùng 1 lần, đánh dấu bước tiến quan trọng trên hành trình hướng đến Cù Lao Chàm phát triển bền vững, nói không với rác thải nhựa dùng 1 lần. 
Bà Trần Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hội An chia sẻ : Với sự quyết tâm cao, nối tiếp từng hoạt động cụ thể để hướng tới xây dựng một xã đảo không sử dụng sản phẩm nhựa 1 lần trong cộng đồng dân cư và du khách,  mỗi người phải có trách nhiệm với những việc làm thiết thực trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo ra những chuyển biến mới về nhận thức và hành động cải thiện cảnh quan trên địa bàn xã Tân Hiệp, duy trì và lan toả hình mẫu điển hình của địa phương, không sử dụng sản phẩm nhựa 1 lần, góp phần xây dựng hình ảnh thân thiện, bền vững với môi trường xã đảo xanh. 
Trong đó, Hội viên phụ nữ xã Tân Hiệp đã phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong của phụ nữ trong phong trào chống rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực như đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giảm thải và phân loại rác tại nguồn.

Người dân Cù Lao Chàm “Nói không với rác thải nhựa dùng 1 lần” - Anh 3

Đại diện các doanh nghiệp ký cam kết nói không với rác thải nhựa một lần

Ông Nguyễn Văn Công - Điều phối Dự án LSPP thuộc GreenHub,  chia sẻ về quyết tâm đồng hành cùng Hội An nói chung và xã Tân Hiệp, đảo Cù Lao Chàm nói riêng trên hành trình giảm ô nhiễm rác thải nhựa, nâng cao sức khoẻ cộng đồng. Theo ông Công, vấn nạn môi trường là một trong những đề tài nhức nhối hiện nay của cả thế giới. Chúng tôi kêu gọi sự tham gia của tất cả mọi tầng lớp cùng nhau góp sức mình vào công cuộc bảo vệ môi trường. Hãy hành động từ những việc nhỏ nhất có thể: bớt rác, phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, hướng đến các giải pháp thay thế và chia sẻ lối sống xanh, bền vững. Với sức mạnh của mỗi cá nhân và sự lan toả trong cộng đồng, hy vọng có thể duy trì màu xanh vốn có của Cù Lao Chàm và tạo nên sự tác động tích cực đối với hiện trạng môi trường ngày nay. 

Cách thức tiếp cận dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” tài trợ bởi USAID: Thúc đẩy tính chủ động địa phương, kết nối mạng lưới cho hành động tập thể trong giảm thiểu rác thải nhựa;  Nâng cao năng lực của các tổ chức và cá nhân cấp địa phương;  Đồng xây dựng một nền tảng số công cộng nhằm huy động người dân và doanh nghiệp cùng hành động để giảm ô nhiễm rác thải nhựa

KHÁNH CHI
 

Ý kiến bạn đọc