Xây dựng “Trường học giảm nhựa” tại TP Huế:

Lan tỏa lối sống xanh trong giới trẻ

NGÔ THÙY TRANG

VHO - Gần 2 năm qua, ngành Giáo dục TP Huế đã tích cực triển khai mô hình “Trường học giảm nhựa” tại hơn 50 cơ sở giáo dục với nhiều hoạt động sôi nổi, mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, góp phần giảm rác thải nhựa trong môi trường học đường, đồng thời lan tỏa lối sống xanh đến học sinh nói riêng và giới trẻ nói chung...

 Lan tỏa lối sống xanh trong giới trẻ - ảnh 1
Trường Tiểu học Phú Thượng với hoạt động “Đổi rác lấy quà” nhằm nâng cao ý thức thu gom rác cho học sinh

 Hào hứng với những hoạt động ý nghĩa

Triển khai chương trình giảm rác thải nhựa tại các cơ sở giáo dục, nhiều trường tiểu học và THCS tại TP Huế đã có những hình thức hoạt động đa dạng, bổ ích.

Từ các tiết học Hoạt động trải nghiệm trong chương trình chính khóa hay sinh hoạt dưới cờ được lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường, đến các chương trình ngoại khóa như thi vẽ tranh, rung chuông vàng về chủ đề giảm rác thải nhựa, tổ chức Ngày hội sống xanh, CLB “Em yêu môi trường”...

Tại Trường Tiểu học Thuận Thành, phường Đông Ba, cuộc thi Rung chuông vàng đã thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh với không khí vui tươi và hào hứng. Nhiều em đã nắm rõ kiến thức, kỹ năng trong các hoạt động bảo vệ môi trường và áp dụng cho chính bản thân mình.

Cô Võ Thị Tú Khanh, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động để giáo dục ý thức, hành động bảo vệ môi trường cho học sinh.

Trong các môn học như Giáo dục công dân, Tự nhiên xã hội, giáo viên sẽ lồng ghép những kiến thức về môi trường; đồng thời, tổ chức các cuộc thi, sinh hoạt ngoại khóa, CLB để kết nối, lan tỏa hành động bảo vệ môi trường, giảm thải nhựa, hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn...

Gần 2 năm qua (2022-2024), các chương trình của mô hình “Trường học giảm nhựa” đã được triển khai tại 52 trường học ở TP Huế, thu hút sự tham gia hào hứng của học sinh, cán bộ, giáo viên và cả phụ huynh.

Trường Tiểu học Thuận An 1 đóng tại vùng ven đô thị cũng đã triển khai nhiều hoạt động “nói không” với rác thải nhựa, lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng. Cô giáo Hồ Thị Lan Nhi chia sẻ, từ những hoạt động nhỏ như hướng dẫn các em biết bảo vệ cảnh quan, giữ gìn trường lớp sạch sẽ, trở về nhà các em đã biết áp dụng tại chính gia đình mình.

Đây là sự kết nối và lan tỏa có ý nghĩa lớn, mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt em nào cũng biết cách phân loại rác thải ngay tại nguồn rồi hướng dẫn cho người thân làm theo.

Nhằm nâng cao ý thức của học sinh, nhiều trường học cũng đã tổ chức hoạt động “Đổi rác lấy quà” để các em chủ động thu gom rác. Bìa carton, chai nhựa, lon nhôm... được các em phân loại và đưa đến đổi lấy đồ dùng học tập hoặc đóng góp cho “Ngôi nhà xanh” ở trường để tạo nguồn quỹ hỗ trợ các bạn khó khăn.

 Lan tỏa lối sống xanh trong giới trẻ - ảnh 2
Học sinh Trường Tiểu học Phú Bình làm túi giấy tặng tiểu thương chợ Phú Bình nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông

Lan tỏa môi trường sạch, lối sống xanh

Theo khảo sát của WWF-Việt Nam, tại TP Huế, mỗi ngày có tới hơn 400 tấn rác sinh hoạt thải ra môi trường, trong đó có đến 15,4% là rác thải nhựa (số liệu năm 2021). Các trường học mỗi ngày cũng thải ra tới 7 tấn rác, trong đó gần 7% là rác thải nhựa, chủ yếu là ống hút, hộp xốp đựng thức ăn dùng một lần, đồ uống đóng chai, túi nilon…

Chính vì thế, dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” (do WWF-Na Uy tài trợ thông qua WWF-Việt Nam, kết hợp ngành Giáo dục TP) đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động xây dựng mô hình “Trường học giảm rác thải nhựa” nhằm lan tỏa môi trường sạch, lối sống xanh trong các bạn trẻ.

Mô hình hướng đến 3 mục tiêu chính: Nâng cao nhận thức của học sinh về tác động của rác thải nhựa và truyền thông thay đổi hành vi hướng tới từ chối, tiết giảm, tái sử dụng, tái chế rác thải và sống xanh; Phát triển sự hiểu biết và kỹ năng mềm về hoạt động nhóm, tự học, nghiên cứu sáng tạo, thuyết trình liên quan đến ý thức môi trường cho học sinh; Cải thiện công tác quản lý chất thải rắn trong trường học, gia tăng tỷ lệ tái chế rác thải và giảm thiểu lượng rác chuyển về các bãi chôn lấp.

Năm 2023 vừa qua, các hoạt động thuộc khuôn khổ dự án đã được triển khai tại khối trường học, giúp TP thu gom được khoảng 8,5 tấn phế liệu, trong đó có hơn 1,2 tấn rác thải nhựa được tái chế.

Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Quản lý dự án cho biết: Trong 2 năm 2023 và 2024, chúng tôi đã phối hợp với Phòng GD&ĐT TP Huế triển khai nhiều hoạt động tại hơn 50 trường tiểu học và THCS, thu hút hơn 38.000 học sinh tham gia trực tiếp.

Thông qua các kênh khác nhau, mô hình “Trường học giảm nhựa” đã kết nối, lan tỏa đến nhiều học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường cùng phụ huynh học sinh, với tổng ước tính khoảng 155.000 người tham gia. Ở lứa tuổi ham học hỏi, ưa khám phá, các em vừa tiếp thu được kiến thức, vừa lan tỏa được lối sống xanh hằng ngày, từ đó ảnh hưởng tích cực đến gia đình, bạn bè và cộng đồng... Đó là mong muốn của chúng tôi khi triển khai dự án, những thay đổi lớn bắt nguồn từ những thay đổi nhỏ.

“Các chương trình được tổ chức từ tiết học chính khóa đến chương trình ngoại khóa với sự tham gia của trường học, gia đình và xã hội. Hy vọng các em sẽ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với môi trường, từ đó hình thành nên lối sống xanh, lành mạnh, bền vững, không chỉ cho mình mà còn cho toàn xã hội”, bà Hoàng Ngọc Tường Vân chia sẻ. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc