“Hồi sinh” sen trắng cho cảnh quan Huế
VHO- Sen trắng nổi tiếng của xứ Huế đã được triển khai trồng ở nhiều điểm di tích, góp phần bảo tồn loài sen quý và tạo điểm nhấn cảnh quan môi trường cho không gian di sản Huế.
Người dân check-in hồ Tịnh Tâm trong mùa sen trắng nở
Không dừng lại ở việc trồng sen cổ tạo cảnh quan, một số cá nhân và doanh nghiệp cũng mạnh dạn mở rộng diện tích để tạo ra những sản phẩm chất lượng từ sen trắng…
Ở Việt Nam, sen hồng (hay sen đỏ) được trồng ở nhiều nơi, nhưng sen trắng thì lại tập trung nhiều nhất ở khu vực Thừa Thiên Huế, đặc biệt là ở các ao hồ thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Theo TS Lê Công Sơn, Chánh Văn phòng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm), dưới thời Nguyễn, việc chăm sóc tu bổ hệ thống đê điều, sông ngòi, ao hồ được quan tâm đặc biệt. Triều đình giao cho Bộ công đảm nhận (Doanh Thiện Ty và Nha Hộ Thành) phải thường xuyên chăm lo, theo dõi và tổ chức nạo vét bùn đất, gia cố bờ kè hồ, khơi thông cống rãnh, trồng các loại cây thuỷ sinh dưới nước và các loại cây ven hồ, thả các loại cá cảnh. Tất cả các ao hồ trong các khu vực lăng tẩm, cung điện... đều có trồng sen, súng. Sen thì dù nơi nào cũng trồng sen trắng. Loại sen trắng ở Huế có ba giống khác nhau, gồm: giống sen trắng trẹt dĩa (trẹt dĩa lồi, trẹt dĩa lõm), sen trắng bộp và sen trắng mặt nhăn.
Song, trải qua nhiều tác động khắc nghiệt của thiên tai, ô nhiễm môi trường và nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nên sen trắng xứ Huế bị giảm thiểu lớn về mặt số lượng và chủng loại. Chính TS Lê Công Sơn là người thực hiện đề tài về bảo tồn, lưu giữ giống sen trắng phục vụ tôn tạo cảnh quan ở hồ Thái Dịch (Đại Nội Huế) từ năm 2008. Nhiều năm gần đây, Trung tâm đã tích cực cải tạo hệ thống ao hồ ở khu di sản để mở rộng trồng và bảo tồn giống sen quý, nổi tiếng của Cố đô xưa. Những ngày đầu mùa hè, hình ảnh sen trắng nở hoa thơm ngát ở nhiều điểm di tích, thắng cảnh của Huế đã tạo điểm nhấn thú vị. Hiện nay, tại khu di sản Hoàng cung Huế có nhiều địa điểm đang bảo tồn và trồng sen trắng với tổng diện tích gần 57.000m2, như: hồ Hòa Bình, hồ Ngọc Dịch, hồ Thái Dịch, hồ Minh Giám (vườn Cơ Hạ), cung Trường Sanh, cung Diên Thọ…
Sen trắng xứ Huế phủ trắng hồ Tịnh Tâm
Ông Lê Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh quan - Môi trường (Trung tâm) thông tin, hệ thống ao hồ của khu di sản Huế rất rộng lớn, để trồng được sen trắng đòi hỏi phải cải tạo môi trường, mặt nước ao hồ rất cẩn thận, tỉ mỉ. “Trồng sen trắng là công tác phục hồi hệ sinh thái dưới nước, nhằm mục đích bảo tồn giống sen trắng tại khu di sản Huế, tạo cảnh quan mặt nước, giữ gìn môi trường nước. Đồng thời, góp phần tạo điểm nhấn cảnh quan đẹp để phục vụ cho khách tham quan du lịch, cộng đồng dân cư địa phương mỗi lần đến đây để thưởng ngoạn, ngắm cảnh”, ông Hiếu nói. Tại danh thắng hồ Tịnh Tâm, vốn từng là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường và nguồn nước, nhưng năm nay, sen trắng đã phủ kín hồ. Đó là hình ảnh mà nhiều năm trước, người dân Cố đô Huế đã từng chứng kiến, trải nghiệm. Theo Trung tâm, giống sen trắng được trồng ở danh thắng Tịnh Tâm cũng là giống sen được trồng ở các ao hồ trong khu vực Hoàng cung Huế. Sau nhiều lần cải tạo, chỉnh trang hệ thống mặt nước của hồ, đơn vị đã phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Hữu cơ Huế Việt triển khai sen trắng với diện tích lớn (khoảng 10 ha) tại đây.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hữu cơ Huế Việt chia sẻ rằng, một năm trước, khi đưa ra kế hoạch “hồi sinh” sen trắng ở hồ Tịnh Tâm, bà và các cộng sự đã tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ. Cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm công ty đã bỏ nhiều công sức để cải tạo, xử lý môi trường nước ở hồ. Giống sen trắng có sức sống và khả năng thích nghi, chống chịu với sự thay đổi của điều kiện môi trường kém nên phải chuẩn bị rất chu đáo, tỉ mỉ.
SƠN THÙY