Hồi sinh rừng ngập mặn

VHO- Cánh rừng ngập mặn bàu Cá Cái ở thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đang được hồi sinh, màu xanh đã được phủ rộng. “Bức tường xanh” này không những bảo vệ môi trường mà còn giúp người dân địa phương cải thiện cuộc sống.

Hồi sinh rừng ngập mặn - Anh 1

Rng già to thành bc tranh hu tình

 Sinh kế từ rừng ngập mặn

Chúng tôi tìm đến bàu Cá Cái vào tháng 12 với thời tiết se se lạnh, ngắm những tán lá rừng xanh mướt ngút ngàn cảm nhận bình minh ở đây sao bình yên quá đỗi. Khu rừng được quy hoạch rất bài bản, cây cóc được trồng từng hàng thẳng tắp, ở giữa là những con lạch nhỏ để thuận tiện cho việc đánh bắt thủy sản.

Chở chúng tôi đi tham quan khu rừng ngập mặn bằng xuồng, ông Nguyễn Khương (55 tuổi), người dân thôn Thuận Phước kể, gia đình ông đã gắn bó 30 năm mưu sinh ở rừng ngập mặn. Nhờ con tôm, con cá ở bàu Cá Cái ông Khương nuôi con ăn học trưởng thành. Đối với ông công việc này chỉ cần không ốm đau, hằng ngày đi thả rập cũng đủ trang trải sinh hoạt trong gia đình vài trăm ngàn mỗi ngày.

“Rừng đã che chở nuôi dưỡng người dân ở đây, chính nơi đây cung cấp nguồn tài nguyên cho địa phương như cá đối đến 1kg/ con, cá rất ngon. Hai năm nay tôi có thêm nguồn thu nhập khi chèo xuồng để phục vụ cho du khách tham quan ở rừng ngập mặn này”, ông Khương cười nói.

Nhờ có rừng ngập mặn bàu Cá Cái che chắn nên mỗi mùa mưa bão qua đi là xóm làng vững chãi, yên bình. Rất nhiều hộ dân ở đây, ngoài việc khai thác nguồn lợi thủy sản từ trong bàu, còn nuôi thả cua xanh, nuôi tôm tự nhiên để tăng thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Dung (53 tuổi), thôn Thuận Phước đã gắn bó với sông nước ở bàu Cá Cái hàng chục năm qua chia sẻ, rừng ngập mặn ở đây như lá chắn ngăn bão, không khí trong lành nhất là mùa hè mát rượi... Không những vậy, nó là nguồn lợi vô tận cho cuộc sống dân cư ven biển - nơi trú ngụ, sinh sản của muôn loài thủy hải sản. Nhưng chúng tôi cũng ý thức được rằng khai thác phải đi đôi với bảo tồn thì mới bền vững được, chỉ khai thác những con đã trưởng thành chứ không bắt những con nhỏ, ảnh hưởng đến nguồn lợi.

“Nhà tôi có hồ nuôi cá, tôm ở rừng bàu Cá Cái này, con cá, con tôm nuôi ở đây rất ngon bán được giá cao đem lại kinh tế cho gia đình tôi. Người dân chúng tôi giờ đây luôn ý thức được việc bảo vệ rừng vì đó là bảo vệ làng xóm, bảo vệ nhà cửa của người dân khỏi bị ảnh hưởng bởi gió bão... Không chỉ tham gia trồng rừng mà khai thác thủy sản cũng theo hướng bảo tồn, không khai thác những con có kích cỡ quá nhỏ”, bà Dung bộc bạch.

Hồi sinh rừng ngập mặn - Anh 2

 Ông Nguyn Khương đang đưa khách tham quan bàu Cá Cái

Diện tích ngày càng tăng

Theo các bậc cao niên trong vùng, rừng ngập mặn bàu Cá Cái vốn đã có từ hàng trăm năm qua, gồm đủ các loại cây cối, vây quanh những xóm nhỏ ở thôn Thuận Phước và là “nguồn sống” của người dân nơi đây. Rừng ngập mặn nguyên sinh ở đây có diện tích 10 ha, qua thời gian do biến đổi của khí hậu miền Trung mưa bão hằng năm và tác động của con người cùng với nhiều dự án nhà máy mọc lên nên rừng cũng thưa thớt dần.

Ông Lê Quang Thanh – Trưởng thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận cho biết: “Hơn 100 hộ dân trong thôn được hưởng lợi trực tiếp từ rừng ngập mặn này, người dân từ xưa đến nay đã có hương ước, thỏa thuận giữ rừng. Rừng hồi sinh mở rộng như bây giờ là ý thức của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp. Cùng với đó là sự chung tay bảo vệ, hỗ trợ của một số tổ chức, cá nhân có liên quan trong và ngoài nước”.

Từ năm 2014, Dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư đã trồng hơn 50ha rừng ngập mặn tại bàu Cá Cái. Diện tích đang sinh trưởng phát triển rất tốt. Từ năm 2019 đến nay, dự án GCF – UNDP kết hợp với nguồn của tỉnh tiếp tục đầu tư trồng mới thêm khoảng 22,5 ha (kế hoạch 25 ha) và hỗ trợ hộ dân nhận khoán bảo vệ 50 ha rừng nói trên để cải thiện sinh kế. Ông Nguyễn Đại – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trồng mới rừng ngập mặn những năm gần đây có tín hiệu đáng mừng, thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, các địa phương và hộ dân ven biển. Việc rừng cóc được phục hồi không những giúp người nuôi trồng thủy sản có thu nhập ổn định, người dân có thêm thu nhập từ việc bắt cá, tôm để bán…. Quan trọng hơn, nó còn góp phần bảo vệ, khôi phục lại môi trường sống của các loài thủy sản nơi đây.

“Rừng ngập mặn bàu Cá Cái là loại hình sinh thái rất đặc biệt và quý của tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay, cò và các loại chim di cư về đây rất nhiều, tạo thêm nguồn thu và việc làm cho người dân địa phương từ việc đưa đò chở khách, nuôi tôm, cá và nguồn lợi thủy sản khác. Vài năm trở lại đây, bàu Cá Cái là điểm đến du lịch tham quan của người dân địa phương”, ông Đại chia sẻ.

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi sẽ tính phương án giao khoán hoàn toàn diện tích rừng ngập mặn ở Bàu Cá Cái cho người dân bảo vệ; tạo điều kiện cho người dân ven biển nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái đây là cơ hội nâng cao thu nhập và ý thức về việc giữ rừng của cộng đồng người dân tại địa phương. 

 “Bàu Cá Cái là một khu rừng ngập mặn nằm ở thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Nơi đây cách trung tâm thành phố hơn 30 km về phía Đông Bắc, là một bàu nước mặn có diện tích khoảng 110 ha. Điểm ấn tượng nhất của rừng ngập mặn bàu Cá Cái là khung cảnh xanh ngút ngàn mênh mông. Sắc thái độc đáo này được tạo nên từ hàng ngàn cây cóc phủ đầy diện tích hàng chục ha. Khi mùa Xuân nắng ấm vừa đến, rừng cây cóc trắng bắt đầu đâm chồi, nảy lộc, tạo nên một mảng xanh biếc ngút ngàn, phủ lấy một vùng trời. Khi mùa Hè gõ cửa, gam màu xanh tươi thắm hôm nào dần chuyển sang sắc vàng úa, vô cùng rực rỡ và nổi bật. Bàu Cá Cái thực sự đẹp đến nao lòng vào mùa Thu lá rụng. Lúc này, những cây cóc trắng bước vào mùa rụng lá. Thân cây và cành cây rũ hết lá, lộ ra một màu trắng xám lạ mắt”.

 NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc