Hà Nội: Vẽ tranh, ra mắt sách để truyền thông về bảo vệ loài gấu
VHO- Ngày 31.10, "Sổ tay các công thức thảo dược giúp cải thiện sức khoẻ của phụ nữ xã Phụng Thượng" được cho ra mắt dưới sự chứng kiến của đông đảo người dân. Đây là cuốn sách hướng dẫn sử dụng những cây thuốc nhằm cải thiện sức khỏe cho phụ nữ và gia đình.
"Sổ tay các công thức thảo dược giúp cải thiện sức khoẻ của phụ nữ xã Phụng Thượng" được ra đời dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Động vật châu Á và TS Shannon Randolph, Giám đốc tác động xã hội tại The Hive trực thuộc Trường đại học Claremont, Hoa Kỳ. Cuốn sách nhỏ tập hợp 40 công thức sử dụng những cây thuốc hay dùng dưới dạng trà uống, nước xông, ngâm rượu, giã bóp..., chia làm 9 nhóm chữa bệnh mà các bà, các cô các chị ở xã Phụng Thượng tin dùng nhằm cải thiện sức khoẻ bản thân và gia đình.
Cuốn sách tập hợp 40 công thức, bài thuốc đông y sử dụng cây dược liệu của phụ nữ xã Phụng Thượng
Xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) là địa phương còn nhiều gấu nuôi nhốt nhất trong cả nước, với 122 cá thể trong 18 hộ gia đình/trại tư nhân. Bắt đầu từ năm 2016, Tổ chức Động vật châu Á , chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã hợp tác chặt chẽ trong công tác tuyên truyền bảo vệ gấu cho người dân nơi đây. Trong suốt hơn 6 năm kiên trì vận động, với cách thức tiếp cận văn minh, thân thiện, không chỉ trích, linh hoạt và tích cực, hai đơn vị cùng với chính quyền địa phương, và các trường học trên địa bàn tổ chức hội nghị với các hộ gia đình nuôi động vật hoang dã trên địa bàn, tổ chức 11 chuơng trình tuyên truyền cuộc thi tại trường học về bảo vệ gấu và các giải pháp thay thế mật gấu. Ngoài ra, là hơn 20 chương trình tư vấn sức khoẻ miễn phí cho cộng đồng địa phương do các bác sĩ, thầy thuốc của Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam thực hiện, tư vấn.
Trong đó, tại các chương trình tư vấn sức khoẻ và tuyên truyền bảo vệ gấu đã thực hiện ở Phụng Thượng, Tổ chức Động vật châu Á nhận thấy người dân rất nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm họ có trong việc sử dụng thảo dược để cải thiện sức khoẻ. Đồng thời, nếu có sự tư vấn từ các bác sĩ đông y, người dân sẽ tự tin để dùng đúng các cây thuốc thân thuộc hơn. Cuốn sách được thiết kế dung dị, tươi sáng, dưới mỗi một công thức đều có khuyến nghị của thầy thuốc đông y về liều dùng và những chú ý an toàn.
Sau lễ ra mắt sách diễn ra, các bác sĩ đông y đã hỗ trợ đo huyết áp và tư vấn sức khoẻ cho những người dân tham dự chương trình. Tư vấn sức khoẻ lồng ghép trong các chương trình tuyên truyền phổ biến thảo dược thay thế mật gấu đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của chính quyền địa phương, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và các bác sĩ đông y xây dựng những chương trình tuyên truyền nhẹ nhàng, linh hoạt và được cộng đồng địa phương chào đón, minh chứng là đã có hơn 4000 lượt người dân đến tham dự trong 20 chương trình tư vấn ở khắp các cụm nhà văn hoá.
Các em vẽ tranh tuyên truyền bảo vệ loài gấu
Trước đó, ngày 28.10, Tổ chức Động vật châu Á phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, và Trường tiểu học Đan Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) tổ chức trao giải vẽ tranh theo chủ đề bảo vệ gấu Việt Nam và ca ngợi thầy cô và mái trường. Cuộc thi được phát động từ đầu tháng 10, trong suốt 1 tháng, các em học sinh được tìm hiểu về hai loài gấu gấu chó, gấu ngựa và làm thế nào để bảo vệ loài gấu thông qua các chương trình tìm hiểu được thầy cô và Tổ chức Động vật châu Á đưa về từng lớp học. Cuộc thi đã thu hút được gần 800 bài tham dự với cả hai chủ đề. Ban tổ chức đã trao hơn 200 giải: 16 giải đặc biệt, 31 giải nhất, 62 giải nhì và 150 giải bảo vệ gấu cho các em học sinh của cả 5 khối lớp.
Ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, cuộc thi vẽ tranh được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ gấu là cơ hội để các em học sinh hiểu thêm về cuộc sống của các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trại gấu. Cách đây chưa đầy 10 km, hiện vẫn còn hàng trăm cá thể gấu đang bị phải sống mòn mỏi như vậy. Các em có thể giúp đỡ gấu ngựa bằng cách khuyến khích gia đình, bạn bè và cộng đồng ngừng khai thác gấu và sử dụng mật gấu. Và sau khi được xem tranh của các em, tôi thấy các em đã làm được điều đó. Thông điệp của các em được truyền tải qua các bức vẽ thể hiện mong muốn được nhìn thấy tất cả gấu ngựa, cũng như các loài động vật hoang dã khác, được tự do vui chơi cùng đồng loại trong rừng xanh, và thông điệp này sẽ giúp giải phóng tất cả gấu khỏi các trại gấu.
Vườn cây thảo dược tại Trường Tiểu học Đan Phượng
Trường Tiểu học Đan Phượng là một điểm sáng giáo dục trong huyện Đan Phượng và trong khu vực. Nhà trường cũng phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á xây dựng vườn thảo dược rộng hơn 150m2 sưu tập các cây thảo dược như quế, mần tưới, nghệ, huyết dụ, để các con học sinh tìm hiểu, và trải nghiệm sáng tạo.
XUÂN QUANG