Giữ xanh rừng cảnh quan di sản Mỹ Sơn
VHO - Sau Tết Nguyên đán là bắt đầu vào mùa nắng nóng, BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã tăng cường các biện pháp phòng, chống rừng cháy; thành lập các tổ kiểm tra rừng, hằng ngày tuần tra đến các khu vực; trực báo cháy; xây dựng phương án chữa cháy khi có hỏa hoạn xảy ra... Bên cạnh đó, tăng cường tuần tra kiểm soát, ngăn chặn tình trạng phá rừng và các hành vi săn, bẫy động vật.
Tháo gỡ bẫy thú rừng
Tháo từng bẫy thú rừng
Với hơn 1.160 ha rừng nằm trong Khu bảo vệ cảnh quan di tích Mỹ Sơn, giáp ranh nhiều khu vực dân cư các xã Duy Phú, Duy Hòa, Duy Sơn (huyện Duy Xuyên), xã Sơn Viên, Quế Trung (huyện Nông Sơn), thời gian qua, BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn luôn chú trọng công tác bảo vệ rừng; phòng, chống, chữa cháy rừng; bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm...; xem đây là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, qua đó góp phần bảo vệ, phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn. Cùng với đó là thường xuyên cắt cử lực lượng tuần tra truy quét bảo vệ rừng, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản, nhất là các hành vi săn, bẫy động vật…
Ngày 15.2 (nhằm mùng 6 tháng Giêng), trong quá trình tuần tra truy quét, lực lượng bảo vệ chuyên trách thuộc BQL đã phát hiện, giải cứu kịp thời một cá thể vạc hoa quý hiếm bị mắc bẫy của các đối tượng săn bắt thú tại khu vực thủy điện (thuộc Tiểu khu 414 khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn). Mở rộng kiểm tra xung quanh, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hàng chục chiếc bẫy thú đã được phát hiện, tháo dỡ trong khu vực rừng cảnh quan di tích Mỹ Sơn nhằm đảm bảo an toàn cho các loài thú sinh sống.
Chỉ riêng năm 2023, BQL phối hợp với Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam tổ chức 10 đợt tuần tra theo quy chế phối hợp giữa hai đơn vị; tổ chức 72 đợt tuần tra riêng (2 đợt/tuần). Qua đó đã phát hiện, phá hủy 6 lán trại tại khu vực Hố Khế, Bếp Giẻ và Nà Thắng, tháo gỡ hơn 355 bẫy dây, bẫy kẹp các loại, xử lý ba đối tượng vào rừng săn bắn trái phép…
Bên cạnh bố trí lực lượng tuần tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời các hành vi săn bắt động vật, xâm hại rừng, đơn vị đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, qua đó giúp người dân, du khách hiểu hơn về tầm quan trọng của công tác bảo vệ tài nguyên rừng. Đưa một số người dân địa phương ở các xã giáp ranh khu vực rừng như Duy Phú, Duy Hòa, Duy Thu trước đây thường vào rừng săn bắt, khai thác lâm sản trái phép tham gia vào công tác bảo vệ rừng, vừa giúp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vừa góp phần giảm thiểu khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn.
Trạm quan sát cháy rừng tại khu vực đồi Bánh Mỳ
Phòng chống cháy rừng, thực hiện tốt “4 tại chỗ”
Đã thành thông lệ, bắt đầu vào mùa nắng nóng, lực lượng bảo vệ chuyên trách BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã tổ chức ra quân phát quang các đường băng cản lửa. Năm nay, từ đầu tháng 3, đơn vị huy động phương tiện, lực lượng chuyên trách thường trực 24/24 tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, bố trí cán bộ trực tại các chòi canh lửa, theo dõi nắm bắt tình hình, kịp thời thông tin đến Ban Chỉ huy phòng, chống, chữa cháy rừng, tổ chức lực lượng kiểm tra, xác minh và triển khai các biện pháp chữa cháy kịp thời. Phấn đấu hoàn thành 15 km đường băng và hành lang phòng, chống cháy trên các tuyến tham quan di tích trước ngày 31.3.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, BQL Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử Mỹ Sơn cùng Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam đã phối hợp chặt chẽ thực hiện các nội dung trong Quy chế phối hợp đã được ký kết giữa hai đơn vị. Tuyên truyền lưu động, đóng 100 bảng cấm các hành vi săn bắt động vật, chặt phá, khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng; 30 pano, khẩu hiệu tuyên truyền cửa ngõ ra vào rừng; 2 bảng quy ước bảo vệ rừng. Công tác kiểm tra truy quét bảo vệ rừng được thực hiện định kỳ hằng tháng, phối hợp tổ chức tuần tra chung với đơn vị các xã giáp ranh rừng…
Những kết quả đạt được đã góp phần thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trong lâm phận rừng đặc dụng Mỹ Sơn, thu hút nhiều loại động thực vật đến sinh sống, cùng với sự phát triển ngày một đa dạng của các loài thực vật đặc hữu tại Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn.
Ông Nguyễn Công Khiết, Phó Giám đốc BQL DSVH Mỹ Sơn cho biết, đơn vị luôn chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) và “5 sẵn sàng” (lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy và thông tin) kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả thiệt hại về tài nguyên rừng.
Với phương châm “phòng là chính”, “phòng cho mình”, đơn vị đã xây dựng, triển khai phương án chủ động phòng, chống, chữa cháy rừng, cố gắng để trong bất cứ tình huống, thời điểm nào cũng có thể nhanh chóng huy động được lực lượng ứng cứu. Khi xây dựng phương án chữa cháy chú trọng phương án về đêm với lực lượng nòng cốt là nhân viên Phòng an ninh bảo vệ của BQL, kết hợp với lực lượng phòng, chống cháy rừng xã Duy Phú, Hạt kiểm lâm Trung Quảng Nam.
Bên cạnh đầu tư mua sắm đầy đủ trang thiết bị phòng, chống, chữa cháy rừng, BQL cũng chủ động dự phòng nguồn nước tại các hồ nước khu vực giữa tháp G và nhóm tháp E, F; bố trí lực lượng sửa chữa đường băng khu vực giáp ranh xã Duy Phú, Duy Hòa; đầu tư 2km đường lâm sinh phục vụ công tác tuần tra bảo vệ rừng… Tận dụng công nghệ thông tin như lập nhóm chữa cháy rừng, nhóm hậu cần bằng hệ thống Zalo, Messenger, kết nối thông tin dự báo cháy rừng đến các đơn vị liên quan.
Đơn vị đang nghiên cứu tiến hành lắp đặt hệ thống giám sát cảnh báo sớm cháy rừng bằng công nghệ Camera AI 360 độ. Cạnh đó, cũng sẽ tổ chức khảo sát, lắp đặt camera bẫy ảnh để phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng và nghiên cứu đa dạng sinh học.
KHÁNH CHI