Du lịch sinh thái gắn kết bảo vệ môi trường ở Cẩm Thanh

VHO- Các tuyến du lịch sinh thái được thiết kế trên nền tảng những giá trị sinh thái, văn hóa, lịch sử của địa phương, đưa khách đến tham quan và tham gia những mô hình bảo tồn tài nguyên sinh thái do chính cộng đồng nơi đây thực hiện đã góp phần bảo tồn, sử dụng bền vững Rừng dừa nước xã Cẩm Thanh, TP Hội An (Quảng Nam).

Du lịch sinh thái gắn kết bảo vệ môi trường ở Cẩm Thanh - Anh 1

Du khách cùng người dân tham gia tour du lịch sinh thái tại Cẩm Thanh

 Phát triển du lịch sinh thái theo hướng xanh

Xã Cẩm Thanh có nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái phong phú, đặc biệt là Khu di tích lịch sử văn hóa Rừng dừa Bảy Mẫu đang thu hút ngày càng đông khách du lịch trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, hầu hết các tour du lịch thời gian qua đều tự phát, do doanh nghiệp xây dựng, chủ yếu đưa khách đi tham quan Rừng dừa Bảy Mẫu, lắc thúng chai, thưởng thức ẩm thực... Cộng đồng ở đây ít được hưởng lợi từ các sản phẩm trên, tính kết nối còn rời rạc. Địa phương đã nhiều lần vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng kinh doanh du lịch bát nháo, gây “ô nhiễm” tiếng ồn tại nơi đây. Chưa kể, du khách quá tải cũng gây áp lực đến tính bền vững và bảo tồn của vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Tour du lịch sinh thái lấy cộng đồng làm chủ thể tại Rừng dừa Bảy Mẫu do Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với chính quyền xã Cẩm Thanh triển khai thử nghiệm thời gian qua đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ du khách và chính người dân bản địa. Chương trình được thiết kế trên nền tảng điểm nhấn là ba giá trị sinh thái sẵn có của làng quê này, gồm: Vườn rau hữu cơ Thanh Đông - Làng lúa - Rừng dừa nước; từ đó gắn kết, mở rộng tham quan đến các di tích của Khu di tích lịch sử văn hóa Rừng dừa Bảy Mẫu, trải nghiệm cuộc sống thường nhật của bà con nơi đây.

Một điểm đặc biệt ở tour du lịch này chính là việc những người dân, cộng đồng bản địa sẽ đóng vai trò chính, là chủ thể để kể cho du khách nghe câu chuyện về các giá trị sinh thái - văn hóa của làng quê. Trong một tour thử nghiệm với nội dung được thiết kế là du lịch kết hợp học tập làm nông nghiệp sạch, du khách theo người dân đạp xe vào làng để tham quan, nghe kể chuyện lịch sử gắn với các di tích. Tiếp đó là hành trình qua sông trên những chiếc thúng chai để khám phá Rừng dừa nước Bảy Mẫu và Vườn rau hữu cơ Thanh Đông. Tại đây, du khách sẽ được chính những chủ nhân vườn rau hướng dẫn cách canh tác gắn kết sinh thái, thưởng thức ẩm thực được chế biến từ rau sạch... Sau đó, lại cùng cộng đồng tìm hiểu, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như trồng dừa nước, nói không với đồ dùng bằng nhựa sử dụng một lần...

Chị Nguyễn Thị Sương, một nông dân ở Cẩm Thanh cho biết: “Không chỉ đem lại thu nhập cho địa phương mà khi tham gia chương trình này, bản thân mỗi người dân cũng có thu nhập tăng thêm nhờ làm dịch vụ, sản xuất nông nghiệp cũng có lợi nhuận cao hơn. Nhờ đó, họ thêm gắn bó với đồng ruộng và có ý thức chung tay giữ gìn môi trường để làm mô hình nông nghiệp sạch”.

Du lịch sinh thái gắn kết bảo vệ môi trường ở Cẩm Thanh - Anh 2

Cộng đồng cùng bảo vệ rừng dừa nước, làm du lịch xanh

Với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, thời gian qua, TP Hội An đã nỗ lực bảo tồn, phát triển bền vững Rừng dừa nước Cẩm Thanh. Nhiều dự án được triển khai tại rừng dừa thời gian qua đã phát huy được hiệu quả, hướng tới mục tiêu lâu dài là bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, cộng đồng… Có thể kể đến dự án Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái Rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng tại xã Cẩm Thanh do Chương trình tài trợ dự án nhỏ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/ SGP) hỗ trợ, được khởi động từ năm 2018; Dự án Trồng và phục hồi rừng dừa nước ven biển Cẩm Thanh nhằm tái tạo, phục hồi, phát triển rừng dừa kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng do Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đầu tư triển khai giai đoạn 2015-2017…

Nhiều chương trình du lịch sinh thái trên nguyên tắc phát triển du lịch thân thiện với môi trường, cộng đồng cùng hưởng lợi cũng được triển khai tại Cẩm Thanh, như: Tour du lịch khám phá Rừng dừa nước Bảy Mẫu kết hợp nhặt rác, bảo vệ môi trường; Tour du lịch cưỡi trâu, trồng lúa, làm ruộng, vãi chài; Tour du lịch làm nông dân khám phá làng nghề; Tour du lịch tham quan rừng dừa kết hợp trồng dừa nước…

Chính quyền địa phương đã ban hành quy ước “Bảo vệ Rừng dừa nước xã Cẩm Thanh” nhằm tác động và điều chỉnh ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ tài nguyên rừng dừa ngập mặn nói riêng. Nhưng hiệu quả lớn hơn chính là việc bảo tồn, phục hồi rừng dừa nước giúp môi trường sinh trưởng của các loài thủy hải sản vùng cửa sông ven biển bảo đảm; nguyên liệu đầu vào của làng nghề truyền thống tre, dừa nước, tranh ổn định; thu nhập từ các sản phẩm du lịch khác góp phần cải thiện sinh kế của người dân… 

Xây dựng xã nông thôn mới thông minh trong du lịch

Ông Trần Chiến, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, đến nay UBND xã Cẩm Thanh đã hoàn thiện việc đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin cho thôn Thanh Tam xây dựng thí điểm thôn Nông thôn mới thông minh và tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền cho tổ công nghệ cộng đồng để hoàn thiện mô hình này. Theo kế hoạch, năm 2024, xã Cẩm Thanh đăng ký thực hiện mô hình xã Nông thôn mới kiểu mẫu trên lĩnh vực du lịch.

Tháng 8.2023, Liên hiệp các Hội UNESCO và Hội đồng thương mại Ấn Độ đã vinh danh Khu di tích lịch sử văn hóa Rừng dừa Bảy Mẫu là Điểm du lịch tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương. Có thể nói, đây là nỗ lực rất lớn của một điểm đến du lịch do địa phương là cấp xã trực tiếp quản lý.

 

KHÁNH CHI

 

Ý kiến bạn đọc