Đồng hành giảm thiểu rác thải nhựa

VHO-Giảm thải nhựa trong hoạt động du lịch đang được các tổ chức, doanh nghiệp và cơ sở dịch vụ tại Thừa Thiên Huế đẩy mạnh. Không chỉ dừng lại ở hoạt động kinh doanh, các đơn vị cũng có nhiều chương trình tuyên truyền nhằm lan tỏa đến mọi du khách về việc giảm thải nhựa để bảo vệ môi trường.

Đồng hành giảm thiểu rác thải nhựa - Anh 1

 Nhiều năm qua, các điểm bán hàng lưu niệm ở khu di sản Huế sử dụng túi giấy thay cho túi ni lông

“Di sản Huế - Nói không với túi ni lông”

Theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch, sự tăng trưởng lượng khách du lịch và xu hướng du lịch nhiều hơn trong giai đoạn vừa qua đã xả lượng lớn chất thải ra môi trường, trong đó có rác thải nhựa. Ước tính, trong du lịch, trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 - 10 túi ni lông/ngày; 2 - 4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày. Đó là chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng một lần khác.

TP Huế đang triển khai dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” với sự hỗ trợ của WWF Việt Nam, với mục tiêu đến năm 2024 sẽ giảm 30% lượng thất thoát rác thải nhựa và có 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đẩy mạnh thu hồi rác tái chế từ bãi chôn lấp. Đến năm 2030, hệ thống các dòng sông và hệ sinh thái khu vực đất ngập nước trên địa bàn TP Huế sẽ được bảo vệ khỏi ô nhiễm rác thải nhựa. Nếu làm được điều này, không chỉ làm cho bộ mặt đô thị thay đổi mà sẽ góp phần giúp du lịch phát triển bền vững. Chính vì thế sự tham gia tích cực của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, điểm du lịch, khu di tích cũng như sự chung tay của cộng đồng và du khách sẽ góp phần thúc đẩy giảm thải nhựa trong lĩnh vực du lịch.

Từ năm 2019, các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán hàng lưu niệm tại khu di sản Huế đã không còn sử dụng túi ni lông và vật liệu nhựa sử dụng một lần. Các cơ sở này đã sử dụng túi giấy và ghi rõ nội dung “Di sản Huế- Nói không với túi ni lông”. Nhiều điểm di tích khác cũng có hoạt động tương tự. Đã có hơn 80 cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã cùng ký cam kết về việc giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế tối đa các sản phẩm từ nhựa. Tại các hội nghị, hội thảo của đơn vị, không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần, có thể tích 330 - 500ml và sử dụng chai thủy tinh; các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch thu gom, phân loại, xử lý chất thải theo đúng quy định; định kỳ chủ nhật hằng tuần tổ chức vệ sinh môi trường, cảnh quan tại nơi ở, nơi làm việc…

Đưa vào bài giảng

Ngoài ra, một số cơ sở đã chủ động áp dụng các vật dụng thân thiện môi trường vừa có thể hạn chế rác thải nhựa vừa tiết kiệm chi phí cho chính doanh nghiệp. Điển hình như tại Trường Cao đẳng Du lịch Huế (Bộ VHTTDL), đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường nhận thức và giáo dục cũng như công tác vận hành gắn với việc giảm thiểu rác thải nhựa. Nội dung của chủ đề này được xây dựng ngay trong chính các bài giảng kiến thức, bài rèn luyện và lồng ghép khi tổ chức hướng dẫn và rèn luyện kỹ năng cho học sinh sinh viên...

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Cao đẳng Du lịch Huế, Giám đốc Trung tâm Đào tạo thực hành nghề du lịch - Khách sạn Villa Huế cho biết, Hướng đến việc giảm thải nhựa trong hoạt động du lịch, thời gian qua ngoài việc sử dụng chai thủy tinh, vật liệu inox, khách sạn cũng ưu tiên sử dụng sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên từ vật liệu sinh học như tre, giấy, mía, dừa... Đồng thời, cung cấp bình nước lớn để khách sử dụng thay vì các chai nhựa dung tích nhỏ hay chai đựng dầu gội, sữa tắm sử dụng một lần cũng được thay thế bằng các chai dung tích lớn để sử dụng lâu dài... Qua đó, không chỉ giảm thải nhựa ra môi trường mà còn tiết kiệm được kinh phí cho khách sạn. Cụ thể mỗi năm đã giảm hơn 44.600 chai nhựa nước uống, chai nhựa đựng dầu gội và sữa tắm cá nhân cùng khoảng 21.000 ống hút nhựa, tiết kiệm được khoảng 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất về ô nhiễm rác thải nhựa là ở các nhà hàng, quán ăn và hiện một số khách vẫn còn sử dụng chai nhựa khi tổ chức các sự kiện, hội nghị. Theo các doanh nghiệp du lịch tại Huế, các cơ quan chức năng liên quan cần có một nghiên cứu cụ thể hơn về tổng lượng rác tại mỗi khách sạn, điểm đến. Từ đó mới đưa ra mục tiêu cần giảm cụ thể của chất thải nhựa.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm mà tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung triển khai trong các lĩnh vực, trong đó có du lịch. “Mới đây, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh đã phối hợp với dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” tiếp tục triển khai chương trình giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch tại TP Huế trong thời gian tới. Để chương trình thực sự hiệu quả và bền vững, chúng tôi cần sự chung tay hành động của các đơn vị, doanh nghiệp du lich dịch vụ, điểm đến du lịch... cũng như của cộng đồng và du khách. Đó cũng là những hành động thiết thực để góp phần giữ gìn môi trường, xây dựng môi trường du lịch Huế ngày càng văn minh, thân thiện, tích cực”, ông Nguyễn Văn Phúc nói.

Theo bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cùng cam kết đào tạo nhân viên về phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa. Xây dựng nội quy về tiết kiệm tài nguyên điện, nước; áp dụng nguyên tắc 6T gồm: Từ chối, tiết giảm, tái sử dụng, thay thế, tái chế, thu gom. Đồng thời, kêu gọi sự tham gia, thuyết phục khách hàng giảm sử dụng vật liệu nhựa một lần... để cùng bảo vệ môi trường và xây dựng Huế thành Đô thị giảm nhựa. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc