Điểm nhấn và hướng phát triển chủ đạo của xứ Quảng

VHO- Trong định hướng phát triển du lịch của Quảng Nam, du lịch xanh được xác định là một trong số những dòng sản phẩm đặc sắc, song hành các loại hình du lịch truyền thống khác để tạo điểm nhấn độc đáo cho du lịch Quảng Nam.

Điểm nhấn và hướng phát triển chủ đạo của xứ Quảng - Anh 1

Làng cổ Lộc Yên đang xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng hướng đến du lịch xanh, bền vững

 Hướng đi bền vững

Thời gian qua, chính quyền, Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam cũng đã có sự kết nối, cùng đồng hành hỗ trợ nhau trong phục hồi, phát triển du lịch theo tiêu chí du lịch xanh. Trong đó coi trọng việc phát huy những yếu tố sáng tạo trong việc nương tựa giá trị bản địa cho hoạt động du lịch ở Quảng Nam trên nền tảng du lịch xanh - phát triển bền vững.

Nhiều doanh nghiệp đã chọn du lịch xanh làm phương thức kinh doanh chủ đạo trong hoạt động của mình. Nhiều mô hình du lịch xanh đã tạo được thương hiệu, thu hút du khách, đặc biệt là thị trường khách châu Âu, Đông Bắc Á, du khách là những người trẻ ưa thích khám phá, trải nghiệm.

Ông Võ Phùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam chia sẻ: Du lịch bền vững, du lịch xanh là mục tiêu đồng thời là giải pháp căn cơ đối với du lịch Quảng Nam trong tương lai, đảm bảo khả năng cạnh tranh của điểm đến du lịch Quảng Nam và phù hợp với xu hướng phát triển của du lịch thế giới. Khủng hoảng Covid-19 đã đánh thức vấn đề sử dụng tài nguyên bền vững, giảm áp lực đến di sản nên cần thích ứng và sáng tạo, chú trọng phương thức tiếp cận du lịch mang lại giá trị cao.

Do đó, cần kiên định mục tiêu du lịch bền vững và thực hành tiêu chí du lịch xanh, nương tựa vào tự nhiên và giá trị văn hóa trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Nam.

Năm 2021, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch về phát triển du lịch xanh đến năm 2025 cùng Bộ Tiêu chí du lịch xanh để chính quyền, doanh nghiệp ngành Du lịch, cộng đồng cùng nhìn lại, định hướng, tìm ra những hướng đi thích hợp. Trước đó, Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, xác định phát triển du lịch cộng đồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy vai trò và tạo cơ hội cho cộng đồng dân cư làm du lịch. Trong đó, hướng đến khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch cộng đồng sẵn có của các địa phương, đặc biệt là những nơi có tiềm năng về du lịch nông nghiệp, nông thôn, miền núi, làng quê, làng nghề theo hướng du lịch xanh, bền vững... Khai thác du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thiên nhiên, làng quê, làng nghề của cộng đồng địa phương. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành hỗ trợ đầu tư và đưa vào khai thác các điểm du lịch cộng đồng đảm bảo theo hướng du lịch xanh.

Khai thác giá trị khác biệt để tạo sản phẩm nổi bật

Nói đến Quảng Nam, có thể nhắc đến những làng nghề truyền thống vẫn còn duy trì sản xuất, kết hợp làm du lịch như làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rừng dừa Bảy Mẫu - Cẩm Thanh (Hội An), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước),… Những làng du lịch cộng đồng ở các huyện miền núi như Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My,…

Trong thời gian gần đây, các mô hình nói trên ngày càng định hình, phát triển theo xu hướng du lịch xanh đang được nhiều du khách ưa thích lựa chọn. Xanh từ mô hình đến những hành động lan tỏa để bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên của vùng quê từ đồng bằng, miền núi, làng chài,… Chẳng hạn như công viên đất nung ở làng gốm Thanh Hà, không gian nghệ thuật Củi Lũ tái sinh phế liệu, kết hợp với điêu khắc mộc Kim Bồng, tour “Một ngày làm nông dân” ở làng rau Trà Quế, tour trải nghiệm cưỡi trâu, trồng lúa nước, học làm ngư dân khám phá nghệ thuật hò bả trạo, hò khoan trên sông nước ở Cẩm Thanh, trải nghiệm văn hóa của đồng bào Cơ Tu, Ca Dong ở miền núi Quảng Nam,…

Những mô hình du lịch nông thôn đã định hình được thương hiệu ở Quảng Nam đều hình thành và phát triển dựa vào khai thác giá trị tài nguyên của thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa riêng biệt của từng địa phương, do chính cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức và hưởng lợi. Những cách làm này là nhân tố quan trọng trong sự hồi sinh và duy trì văn hóa truyền thống nông thôn. Một khi đời sống ổn định, người dân địa phương sẽ trân quý, nỗ lực bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, nghề truyền thống, văn hóa dân gian của địa phương mình, hướng tới mục tiêu môi trường.

Điểm thu hút của các sản phẩm du lịch nói trên chính là sự tham gia trực tiếp của bà con nông dân, cộng đồng vào trong các hoạt động du lịch, hình thành một hệ thống sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo của các vùng miền. Cũng nhờ đó mà nông dân có thêm nguồn thu nhập bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy. Tại một số cộng đồng khó khăn, mô hình này được xem là một trong những phương thức xóa đói giảm nghèo đặc biệt, tạo thêm nguồn sinh kế, việc làm, góp phần cải thiện đời sống của nông dân,…

Trong hai năm gần đây, Quảng Nam đang tập trung phát triển, tạo ra nhiều dòng sản phẩm du lịch xanh, dựa vào nền tảng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng, tạo cơ hội bảo tồn tài nguyên và phát triển du lịch bền vững.

Quảng Nam là tỉnh tiên phong đi đầu về phát triển du lịch xanh, cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Chương trình Phát triển Du lịch bền vững Thụy Sỹ (SSTP) và cũng là địa phương đầu tiên ban hành Bộ Tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam. Năm 2022, đã có 11 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cấp nhận du lịch xanh theo bộ tiêu chí này.

Tại hội thảo Tăng cường hỗ trợ nhằm phát triển du lịch xanh ở Quảng Nam do Sở VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phối hợp với SSTP tổ chức vào tháng 2 vừa qua, các đại biểu, chuyên gia tham dự cũng đã đưa ra những đánh giá rằng du lịch cộng đồng, doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan, khu nghỉ dưỡng, khách sạn và homestay đang góp phần xanh hóa ngành du lịch của Quảng Nam thông qua những sản phẩm, tour du lịch xanh tuần hoàn và tái chế… Đồng thời cũng đề cập thẳng thắn những vướng mắc trong phát triển du lịch xanh hiện tại ở Quảng Nam, đưa ra nhiều giải pháp phát triển trong thời gian tới. 

KHÁNH CHI 

Ý kiến bạn đọc