Đà Nẵng: Huyện Hòa Vang hướng đến xây dựng đô thị sinh thái giàu bản sắc văn hóa
VHO - Tại Tọa đàm về bản sắc văn hóa huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng), các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng với nhiều ưu thế về nghề và lễ hội văn hóa truyền thống, huyện Hòa Vang cần hình thành một đô thị sinh thái dựa trên bản sắc đặc trưng vốn có.
Hòa Vang là vùng nông thôn duy nhất của thành phố Đà Nẵng, cùng với các giá trị văn hóa vật thể như hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, đình làng có niên đại sớm nhất ở Đà Nẵng, Hòa Vang còn có những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như Bài chòi, văn hóa cộng đồng Cơ Tu với nhiều lễ hội phong phú: Lễ ăn thề - kết nghĩa, lễ mừng lúa mới, lễ hội đình làng Túy Loan, lễ hội đình làng Bồ Bản, lễ hội tắt bếp Trà Kiểm. Các nghề truyền thống gồm nghề làm bánh tráng Túy Loan - Hòa Phong, làm bánh khô mè Hòa Châu, nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật trình diễn cồng chiêng và múa Tung tung - Dza dzá…
Cộng đồng người dân huyện Hòa Vang vẫn còn giữ được nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng nhìn nhận: Hoà Vang vẫn có và từng có các di sản văn hoá phi vật thể gắn với các địa phương ven biển như lễ hội cầu ngư, như hát bả trạo, tập tục - tín ngưỡng thờ Cá Ông, cùng với người Cơ Tu ở Quảng Nam, cộng đồng người Cơ Tu ở huyện Hòa Vang cũng được xem là đồng sở hữu một số di sản Cơ Tu cấp quốc gia trên lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian như Múa Tung tung - Dza dzá và Nói lý, Hát lý, và một số di sản Cơ Tu cấp quốc gia trên lĩnh vực nghề thủ công truyền thống.
Phát triển huyện Hòa Vang theo hướng đô thị sinh thái có bản sắc riêng là một trong những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 7.7.2021 về xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Ban Thường Vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành dành riêng cho huyện Hòa Vang. Mục tiêu là hình thành một đô thị phục vụ tốt nhất cho người dân, lấy con người làm trung tâm, nỗ lực giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hòa Vang, ông Nguyễn Thúc Dũng cho biết, trên địa bàn huyện hiện nay, nhiều giá trị văn hóa mới được hình thành góp phần nâng cao ý thức người dân, tạo nếp sống văn minh. Tiêu biểu như các phong trào bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp, thực hiện nếp sống mới trong việc ma chay, cưới hỏi. Tuy nhiên huyện Hòa Vang đang trong quá trình đô thị hóa mạnh với hơn 200 dự án đang được triển khai thực hiện, đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết kịp thời như giải tỏa, tái định cư, giải quyết việc làm. Sự thay đổi nếp sống, nếp sinh hoạt của người dân đã tác động không nhỏ đến xây dựng, phát triển văn hóa huyện Hòa Vang.
Xây dựng đô thị phải song song với bảo tồn giá trị truyền thống
Từ thực tế này, chia sẻ tại Tọa đàm, TS. Trung Thị Thu Thủy cho rằng trên cơ sở của Nghị quyết số 07-NQ/TU, Hòa Vang có thể tận dụng hướng mở này để tạo lối đi riêng cho mình để vừa có không gian sống trên cơ sở giữ nguyên mô hình làng truyền thống nhưng vẫn kiến tạo yếu tố hiện đại nâng cao chất lượng sống đô thị.
“Hòa Vang nếu vươn mình hiện đại sẽ đánh đổi “làng quê yên bình” của mình để lấy một “đô thị không bản sắc”, khi đó liệu có còn nét nào riêng, ấn tượng cho địa phương. Hòa Vang có thể tận dụng hướng mở này để tạo lối đi riêng cho mình, vừa có không gian sống trên cơ sở giữ nguyên mô hình làng truyền thống nhưng vẫn kiến tạo yếu tố hiện đại nâng cao chất lượng sống đô thị”, TS. Trung Thị Thu Thủy đề cập.
Trong hành trình đưa Hòa Vang trở thành đô thị sinh thái giàu bản sắc, huyện Hòa Vang đã ban hành Nghị quyết về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trưng cầu ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu để tìm giải pháp tôn tạo làng cổ Phong Nam, xã Hòa Châu, thí điểm xây dựng thôn Phong Nam, xã Hòa Châu trở thành làng kiểu mẫu có bản sắc riêng, thành lập Hội đồng xét chọn ý tưởng kiến trúc phương án công trình Trung tâm văn hóa du lịch cộng đồng Cơ tu tại thôn Tà Lang - Giàn Bí, xã Hòa Bắc.
NGỌC HÀ