Chỉnh trang danh thắng đồi Vọng Cảnh phục vụ cộng đồng và du khách
VHO- Đồi Vọng Cảnh (phường Thủy Biều, TP Huế) là danh thắng nổi tiếng từ triều Nguyễn. Nằm ở khúc cong quyến rũ của sông Hương, đây là điểm ngắm cảnh, check-in được nhiều người dân và du khách yêu thích. Thời gian qua, chính quyền địa phương đang tích cực đẩy mạnh công tác chỉnh trang, làm cho Vọng Cảnh ngày càng tươi mát như một “viên ngọc xanh” giữa lòng Cố đô.
Từ đồi Vọng Cảnh nhìn về hạ nguồn sông Hương
Đồi Vọng Cảnh nằm ở cuối đường Huyền Trân Công Chúa, với khung cảnh thơ mộng giáp sông Hương, cùng hệ thống cây xanh dày đặc và gần với nhiều di tích nổi tiếng như: Lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, chùa Từ Hiếu, Nhà máy nước Vạn Niên, điện Hòn Chén… nên nơi đây từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài “để mặc tự nhiên”, cảnh quan đồi Vọng Cảnh bị ô nhiễm và trở nên nhếch nhác, không đáp ứng được nhu cầu dã ngoại, ngắm cảnh, vui chơi của cộng đồng. Từ năm 2021, UBND TP Huế đã triển khai dự án chỉnh trang danh thắng đồi Vọng Cảnh và được Trung tâm Công viên Cây xanh Huế bắt tay thực hiện nhanh chóng. Dự án có kinh phí hơn 12 tỉ đồng, gồm các hạng mục: Lát đá tự nhiên các tuyến đường đi dạo; bố trí thêm ghế đá để du khách dừng chân nghỉ ngơi; chỉnh trang các tháp canh (chòi canh); trồng thêm thông và các loại cây cảnh dọc trục đường chính kết nối đến vườn hoa - điểm nhấn của đồi Vọng Cảnh; bố trí thêm các loại thùng rác phù hợp với cảnh quan chung…
Theo ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên Cây xanh Huế, hiện nay công việc chỉnh trang đồi Vọng Cảnh đã đạt hơn 80%, dự kiến chưa đầy 2 tháng nữa, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác, góp phần phát huy giá trị cảnh quan của danh thắng này. “Về cơ bản, việc chỉnh trang được thực hiện trên cơ sở tôn trọng giá trị tự nhiên vốn có của đồi Vọng Cảnh. Chủ yếu là tập trung cải tạo, lát đá để kết nối cảnh đẹp giữa đường dạo bộ và phía bờ sông, chỉnh trang các chòi canh ngắm cảnh, không chỉ phục vụ nhu cầu của du khách mà còn giúp lực lượng chức năng quan sát, bảo vệ rừng”, ông Chinh thông tin.
Ghi nhận của phóng viên tại đồi Vọng Cảnh vào sáng ngày 1.3, các công nhân đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện công trình. Khu vực vườn hoa trung tâm đã đạt khoảng 90% khối lượng công việc. Nơi đây sẽ được trồng các loại hoa, cây cảnh phù hợp với vùng gò đồi như hoa sim, hoa mua… Tuyến đường chính dẫn đến vườn hoa cũng đã được lát đá phẳng lì, kết hợp với những hàng thông xanh vươn lên thẳng tắp và những cây leo cổ thụ tạo nên không gian đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Con đường chính lên vườn hoa đồi Vọng Cảnh
Đặc biệt, du khách không thể bỏ qua các điểm ngắm cảnh thú vị từ phía đồi Vọng Cảnh nhìn về dòng Hương giang thơ mộng. Cuối năm 2020, khi bộ phim Mắt biếc công chiếu, nhiều bạn trẻ đã háo hức tìm đến khung cảnh lãng mạn từng xuất hiện trong phim. Nhất là sau khi tuyến đường tản bộ ven sông Hương được chỉnh trang sạch đẹp, người dân đã đổ về để trải nghiệm, check-in, ngắm cảnh rất đông...
Theo UBND TP Huế, các tuyến đường được lát đá quanh đồi Vọng Cảnh chỉ phục vụ nhu cầu đi bộ, dạo chơi chứ không tổ chức giao thông xe máy, ô tô. Sau khi hoàn thành dự án, Trung tâm Công viên Cây xanh Huế cũng sẽ cắt cử lực lượng luân phiên trực để kiểm tra và nhắc nhở, tuyên truyền đến người dân, du khách về việc đảm bảo vệ sinh môi trường cho không gian nơi đây. Trong giai đoạn 2, dự án sẽ tiếp tục xây dựng nhà vệ sinh công cộng, chỉnh trang, xây dựng bến thuyền kết nối đường đi bộ trên đồi Vọng Cảnh xuống sông Hương để đón khách bằng đường thủy.
Đồi Vọng Cảnh vừa là “lá phổi xanh” vừa là danh thắng nổi tiếng của xứ Huế. Đứng từ đây có thể ngắm nhìn toàn cảnh vùng đất Cố đô với thảm thực vật xanh ngắt và vẻ đẹp yên bình của các làng cổ ven sông Hương; đặc biệt, sẽ nhìn thấy được di tích các Lăng vua Nguyễn. Hơn 15 năm trước, đã có nhà đầu tư đặt vấn đề với tỉnh Thừa Thiên Huế về việc xây dựng một khu nghỉ dưỡng hạng sang ở đồi Vọng Cảnh; nhưng trước phản ứng gay gắt từ dư luận, dự án đã không được triển khai và giữ được danh thắng bậc nhất này phục vụ lợi ích chung của cộng đồng.
SƠN THÙY