Cảnh báo ô nhiễm rác thải nhựa ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

VHO- Đầm phá Tam Giang- Cầu Hai là hệ đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, có giá trị cao về môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Tuy nhiên, rất nhiều dòng sông tự nhiên và nhân tạo đổ về đầm phá đã khiến cho môi trường ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là vấn nạn thất thoát rác thải nhựa.

Cảnh báo ô nhiễm rác thải nhựa ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai - Anh 1

 Dọc phá Tam Giang, đoạn qua phường Thuận An, TP Huế có nhiều khu vực “ngập” rác thải

Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích hơn 210 km2, trải dài hơn 68 km qua nhiều địa phương ven biển của TP Huế và huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Những năm trở lại đây, tình trạng rác thải đổ về đầm phá và vùng cửa biển luôn là vấn đề nhức nhối. Trung bình mỗi ngày khu vực này đã phải “hứng” khoảng gần 395.000 túi ni-lông, hơn 112.800 chai nhựa, trong đó tỷ lệ tái sử dụng khá thấp nên nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa là hiện hữu.

Ông Nguyễn Quang Tám, một người dân sinh sống ở khu vực ven biển và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đoạn qua phường Thuận An, TP Huế cho biết, cứ sau mỗi trận lũ, rác thải ở khu vực trung tâm của TP Huế lại ùn ứ chảy về đầm phá, gây ô nhiễm môi trường nước và ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản. Đã nhiều lần người dân chủ động trục vớt rác thải nổi trên mặt nước, nhưng không thể vớt được lượng lớn rác thải lơ lửng phía dưới nước. Cửa biển Thuận An và khu vực đầm phá Tam Giang qua đoạn này chính là nơi “tích tụ” lượng lớn rác thải từ phía sông Hương đổ về. Đặc biệt, tại đây còn có Cảng cá Thừa Thiên Huế, chợ Thuận An ven đầm phá nên mỗi ngày có rất nhiều rác thải đổ trực tiếp ra hệ đầm phá gây ô nhiễm. Ông Trần Quang Nhất, Giám đốc Cảng cá Thừa Thiên Huế cho biết, dù đơn vị đã hợp đồng với một công ty tiến hành vệ sinh và thu gom rác thải ở khu vực cảng nhưng vẫn không xuể. Cứ mỗi lần thủy triều lên, rác thải lại bị đẩy tấp vào bờ ven cầu cảng.

Tại khu vực đầm Chuồn (thuộc hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai), xã Phú An, huyện Phú Vang, vấn nạn rác thải cũng nhức nhối không kém. Ngoài “chịu trận” rác ở các nơi khác theo nguồn nước đổ về thì ở đây cũng có một lượng rác thải ra môi trường từ các nhà hàng nổi, nhà hàng ven đầm Chuồn. UBND xã Phú An đã nhiều lần huy động đoàn viên thanh viên và người dân tập trung vệ sinh, xử lý rác thải tấp vào bờ ven phá nhưng không thể xử lý triệt để. Ông Nguyễn Trung, Giám đốc Công ty TNHH Hằng Trung, cho biết trung bình mỗi tháng có khoảng 2.000 tấn rác thải sinh hoạt do công ty thu gom ở địa bàn 20 phường, xã, thị trấn ven phá Tam Giang (đoạn qua địa bàn TP Huế và huyện Phú Vang). Trong đó có 60% là rác hữu cơ, 20% rác thải nhựa. Khu vực ven đầm phá qua chợ Thuận An và đập Hòa Duân (nối giữa phường Thuận An và xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) là điểm “tập kết” rất nhiều rác thải, chủ yếu là rác trôi theo dòng sông Hương đẩy về và một phần do người dân trực tiếp xả xuống.

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao Công nghệ môi trường miền Trung thuộc Trường Đại học Khoa học Huế (CRET.HUE) đã có cuộc khảo sát, nghiên cứu tình hình thất thoát rác thải nhựa từ TP Huế và tác động đến môi trường đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Theo đó, kết quả cho thấy rác thải nhựa phát sinh từ các hoạt động như sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, và hai nguồn đóng góp nhiều nhất vào dòng phát sinh rác thải nhựa khu vực nghiên cứu là hộ gia đình (chiếm 70,4%) và chợ (chiếm 16,9%). Khối lượng nhựa thất thoát ra môi trường tại khu vực đầm phá Tam Giang- Cầu Hai là 479 tấn/năm, chiếm 12% tổng lượng nhựa phát sinh. Đồng thời, nghiên cứu này cũng cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát rác thải nhựa ra môi trường tại khu vực đầm phá là do tỷ lệ thu gom ở một số địa phương chưa cao; nhiều khu vực không có hệ thống thoát nước mưa nên thất thoát trực tiếp ra môi trường. Tiếp đó, với tác động của dòng chảy tràn, nước mưa sẽ đưa rác thải nhựa “xâm nhập” trực tiếp vào hệ thống thủy vực.

Cuối năm 2021, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) hỗ trợ và phối hợp với UBND TP Huế đã khởi động dự án “Huế- Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”. Dự án nhằm mục tiêu hỗ trợ TP Huế bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua một loạt các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan. Trong đó phấn đấu đến năm 2024, Huế trở thành đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi. Kỳ vọng đến năm 2030, sẽ đưa Huế trở thành một điểm đến không rác nhựa. 

THÙY AN

Ý kiến bạn đọc