Cả một đời giữ rừng phòng hộ ven biển Kiên Giang
VHO- Chín mươi tuổi, hơn 40 năm gắn bó với rừng phòng hộ ven biển An Minh (Kiên Giang), đối với cụ Trần Văn Sáu có thể nói, mỗi tấc đất, tấc rừng, mỗi cây đước nơi đây dường như là hơi thở, là máu thịt mà cụ đã dành cả đời mình chắt chiu, gầy dựng.
Cụ Trần Văn Sáu nói về ý nghĩa khu rừng đước
Chính vì thế, trong những năm gần đây, chứng kiến sự xâm thực của biển đang mỗi ngày “nuốt” đi bờ bãi, có lẽ hơn ai hết, cụ Sáu vô cùng xót xa…
Trồng rừng khi tóc còn xanh…
Đường đến nhà cụ Sáu trước đây không khó đi là mấy, từ trung tâm huyện An Minh, có thể đi đường bộ bằng xe máy là tới. Thế nhưng vài năm gần đây, một đoạn bờ kè dài đã bị biển “nuốt chửng”, các dòng chảy từ những cơn triều cường cũng như sự xâm thực của biển đã khiến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Để đến được nhà cụ, chúng tôi phải đi vòng qua đoạn đường khác, rồi tìm đò máy chạy thêm vài km đường sông nữa mới tới nơi… Vừa gặp chúng tôi, cụ Sáu hào hứng bắt chuyện và say sưa kể về quãng thời gian cụ gắn bó với khu rừng phòng hộ được Nhà nước giao quản lý từ mấy mươi năm qua cho đến ngày nay. Với chất giọng hào sảng đậm chất Nam Bộ, dù đã ở cái tuổi “đại thọ”, nhưng cụ vẫn minh mẫn và nhanh nhẹn như người độ tuổi trung niên: “Tôi sinh ra tại đây, từ lúc chiến tranh cho tới ngày giải phóng cùng với người dân bám trụ giữ đất. Được Nhà nước tin tưởng, giao giữ rừng và chỉ huy việc trồng cây gây rừng phòng hộ khu vực ven biển An Minh này cho đến bây giờ”.
Được biết, khu vực cụ Sáu được giao giữ rừng, trồng cây là từ vàm Kim Quy, thuộc ấp Kim Quy B, xã Vân Khánh dài tới kênh Mương Đào, cũng thuộc huyện An Minh. “Lúc đó tôi nhận trái đước từ Nhà nước giao, mua từ miệt Cà Mau về, rồi phân phát lại cho bà con trồng, diện tích trồng đước thời điểm cao nhất lên tới 40 công (khoảng 40 km2, PV)”, cụ Sáu cho hay.
Nói tới đây, giọng cụ trầm ngâm: “Mới vài năm gần đây thôi, tình trạng sạt, lở do biển xâm thực trên địa bàn tỉnh có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực huyện An Minh này. Ở xã Vân Khánh còn nhẹ, chứ khu vực kế bên, thuộc xã Vân Khánh Tây chạy dài giáp tới tỉnh Cà Mau đã bị mất cả đê quốc phòng”. Theo cụ Sáu, do ảnh hưởng trực tiếp từ thủy triều, các dòng chảy từ các cửa sông trong mùa mưa lũ và tác động do biến đổi khí hậu, trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, đặc biệt là gần 5 năm qua, các bãi bồi ven biển không ổn định và thay đổi theo từng năm.
Nếu như trước đây, từ tháng 3 đến tháng 6, 7 âm lịch, các bãi bồi bị lở thì những tháng sau sẽ bồi đắp trở lại, có khi còn bồi dư ra phần đã bị lở trước đó, nhưng hơn 2 năm qua, đất tự nhiên sạt, lở nhanh mà không bồi được đoạn nào, cả khoảng đất 7 km mới vài năm đã mất đi phân nửa…
Nhìn ngôi nhà khá kiên cố, rộng rãi của cụ Sáu, chúng tôi bày tỏ niềm vui khi thấy trên mảnh đất miệt thứ xa xôi này, nhờ những bàn tay cần cù lao động, cụ Sáu đã có được cơ ngơi khá vững chãi… Dường như hiểu ý, cụ nói nhờ trời thương và chính sách của Nhà nước, mỗi người dân ở đây đều cần cù lao động, nên có được cái ăn, cái mặc, có nơi ở, đời sống khá tiện nghi, tuy nhiên mới đây thôi, vùng này bị thiên tai liên tục, triều cường dâng, đê bị vỡ, nhiều ngôi nhà bị sập, ngôi nhà cụ may là đã nâng nền lên rất cao, vậy mà cũng bị ngập, rồi hoa màu xung quanh và đồ đạc cũng hư hỏng hết…
Đây là một trong những khu vực sạt lở nghiêm trọng của tỉnh Kiên Giang thuộc địa bàn xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh
Tập trung trồng rừng tuyến phòng hộ ven biển
Trở lại câu chuyện trồng cây bảo vệ rừng phòng hộ, anh Trần Văn Hẹn (sinh năm 1984), là con trai út trong số 12 người con của cụ Sáu, cho hay: “Từ lúc khu vực này chớm sạt lở, chúng tôi đã báo cáo với lâm trường, các anh đã nhiều lần xuống coi và thẩm định xong, nghe nói tỉnh đã có có chủ trương làm bờ kè phòng hộ kiên cố, hy vọng làm càng sớm càng tốt, nếu không thì chẳng mấy chốc đất liền thành biển trôi đi hết…”. Được biết, từ ngày tuổi cao sức yếu, việc trông côi rừng phòng hộ được cụ Sáu giao lại cho anh Hẹn. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, cùng cha trồng từng trái đước, chăm từ tất đất rừng, nên đối với anh Hẹn, tình cảm anh dành cho mảnh đất rừng này cũng sâu nặng không khác gì cha mình. Hiện anh Hẹn là tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ rừng của Rừng phòng hộ ven biển An Minh. Chỉ tay về khu rừng đước do anh và cha mình trồng, anh Hẹn cho hay, lứa cây đước này đã ngoài 30 năm tuổi, có độ rễ bám dày, đủ khả năng phòng hộ khu vực ven biển này, nhưng giờ đây thiên nhiên quá khắc nghiệt, cũng chưa biết những thân đước này có bảo vệ được hay không…
Theo ông Nguyễn Thanh Điền, Phó phòng NN&PTNT huyện An Minh, tính tới ngày 21.12.2020, huyện An Minh có 26 đoạn bị sạt lở với chiều dài gần 2,4 km. Vào hôm 18.2 vừa qua, đoàn công tác của UBND tỉnh Kiên Giang đã xuống khảo sát tình hình sạt lở đê biển này và đưa ra phương án: Gia cố thân đê và khởi động dự án làm đê chắn sóng. Phó Giám đốc Ban Quản lý Rừng tỉnh Kiên Giang Trần Phi Hải cho biết, tình hình sạt lở trên địa bàn hai huyện An Biên - An Minh đến thời điểm này rất nghiêm trọng, đã bị mất đê quốc phòng, thuộc địa bàn xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh; ngoài ra còn có khu vực Rạch Cốc, thuộc xã Tây Yên, huyện An Biên cũng bị nặng. “Hiện tỉnh đang thực hiện 2 giải pháp để khắc phục tình hình sạt lở này. Giải pháp thứ nhất là làm bờ kè bằng bê tông kiên cố. Tỉnh đang có một dự án của Ngân hàng Thế giới, dự kiến sẽ làm một kè bê tông từ Tiểu Dừa lên tới Mương Đào, dài khoảng 10 km, thuộc huyện An Minh, dự án đang trong giai đoạn thẩm định để triển khai. Khu vực Rạch Cốc thì đang làm bờ kè cứng bê tông dài được hơn 3 km. Ngoài ra, đối với Xẻo Nhào, thuộc xã Tân Thạnh, huyện An Minh, Sở NN&PTNT cùng với chủ đầu tư đang tiến hành thi công làm bờ kè cứng dài khoảng 4-5 km.
Giải pháp thứ 2 mang tính căn cơ lâu dài hơn, là thực hiện dự án trồng rừng trên tuyến phòng hộ ven biển tại những nơi có nguy cơ sạt lở, trong đó bao gồm tiểu dự án khôi phục phát triển rừng và tiểu dự án gây bồi - tạo bãi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển, hiện đang triển khai trên địa bàn huyện An Biên và An Minh”, ông Hải cho hay.
THÙY TRANG