Bảo tồn làng nghề truyền thống, phát triển bền vững du lịch xanh

VHO - Bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề truyền thống, gắn với phát triển bền vững chính là gìn giữ không gian sống, phát huy hoạt động sản xuất của những nghề thủ công, để những nghệ nhân sống được với nghề truyền thống. Đó cũng chính là nguồn tài nguyên văn hóa để thành phố Hội An sáng tạo, phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, thuận theo và nương tựa vào tự nhiên để bền vững dài lâu.

Bảo tồn làng nghề truyền thống, phát triển bền vững du lịch xanh - Anh 1

Du khách trải nghiệm làm nông dân ở Hội An 

Hiện nay, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã có 4 làng nghề và 1 phố nghề đèn lồng, trong đó,  các nghề gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, trồng rau Trà Quế và  khai thác yến Thanh Châu đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.  
Các làng nghề truyền thống ở Hội An được xem là nguồn tài nguyên văn hóa, là nguồn nguyên liệu cho những sáng tạo tiếp theo hiện nay, là minh chứng cho thấy tác động của du lịch trong việc nuôi dưỡng, kích thích quá trình sáng tạo. 
Các sản phẩm du lịch làng nghề như: Một ngày làng nông dân làng rau Trà Quế, Du lịch sinh thái Cẩm Thanh, Đêm phố cổ,… là những sản phẩm du lịch theo tiêu chí xanh, bền vững của Hội An. Điểm đặc biệt là những sản phẩm này được sáng tạo, phát triển từ những “vật liệu truyền thống” ở chính không gian của làng nghề như cảnh quan, kiến trúc truyền thống, các giá trị văn hóa phi vật thể lễ giỗ Tổ nghề, lễ hội, các hoạt động văn hóa, diễn xướng, trò chơi dân gian, ẩm thực đặc sắc của làng nghề. Cùng với đó là sự sáng tạo, bền bỉ gắn bó với làng nghề, trao truyền giữ lửa các hoạt động sản xuất thủ công mỹ nghệ của những nghệ nhân, người dân làng nghề,….Tất cả những điều ấy đã giúp các sản phẩm du lịch gắn với làng nghề, làng quê sinh thái, nương tựa và thuận theo tự nhiên để phát triển theo hướng du lịch xanh, bền vững, góp phần thúc đẩy du lịch Hội An phát triển. 
Không chỉ vậy, làng nghề truyền thống cùng với các hoạt động sản xuất thủ công mỹ nghệ đã đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển nông thôn mới, giải quyết việc làm và phát triển du lịch ở Hội An. 

Bảo tồn làng nghề truyền thống, phát triển bền vững du lịch xanh - Anh 2

Khai mộc đầu năm tại giỗ Tổ nghề mộc làng Kim Bồng 

Sự “giàu có” những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của vùng đất Hội An nói riêng, xứ Quảng nói chung có sự đóng góp rất lớn của các làng nghề truyền thống ở Hội An, nơi đã tạo dựng, lưu giữ được những giá trị văn hóa làng nghề đặc sắc; bao gồm cả tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, phong tục tập quán, lễ hội, văn học dân gian, các giá trị thẩm mỹ,… 
Các lễ hội cúng Tổ nghề ở các làng nghề truyền thống luôn được chính quyền cùng cư dân Hội An giữ gìn, tổ chức theo truyền thống từ xưa nay. Không chỉ để tri ân công đức tiền nhân, mà qua đó kêu gọi cộng đồng cùng chung tay góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, truyền nghề và phát triển làng nghề. Góp phần quảng bá bản sắc văn hóa, thương hiệu của các làng nghề đến với người dân và du khách trong và ngoài nước.
Có thể nhắc đến các lễ hội thu hút đông đảo người dân, du khách cùng đến tham dự như:  Lễ giỗ Tổ nghề mộc làng Kim Bồng; Lễ hội Cầu Bông làng rau Trà Quế; Lễ giỗ Tổ nghề gốm làng Thanh Hà; Lễ giỗ Tổ nghề yến tại Cù Lao Chàm,…

Bảo tồn làng nghề truyền thống, phát triển bền vững du lịch xanh - Anh 3

Du khách cùng người dân xem nghệ nhân trình diễn nghề tại lễ hội làng nghề 

Theo Sở VHTTDL Quảng Nam, phát triển du lịch làng nghề góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững vì nó không chỉ giúp mở rộng thị trường, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống mà quan trọng hơn nó còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề. 
Mô hình làng nghề gắn với du lịch là một hướng đi mới đang từng bước phát huy hiệu quả. Tận dụng ưu thế của một di sản thế giới, thành phố Hội An đã tiếp tục duy trì và phát huy mô hình tour du lịch “một ngày làm cư dân phố cổ” đưa du khách tham quan các làng nghề truyền thống như mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, gốm Thanh Hà,… Việc thực hiện dự án khôi phục và phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch là cơ sở giúp nghề mộc, gốm thu hút các cơ sở đầu tư sản xuất - kinh doanh các sản phẩm điêu khắc, chạm trổ, hàng lưu niệm…, đào tạo được một đội ngũ thợ trẻ làm việc tại chỗ. Bên cạnh đó, các dịch vụ khác như ăn uống, kinh doanh hàng lưu niệm đã được chú trọng đầu tư và khai thác có hiệu quả, tạo nguồn thu cho làng nghề và vực dậy làng nghề. Bảo tồn và phát triển bền vững các làng nghề truyền thống ở Hội An là vấn đề lớn có sự tác động tương hỗ giữa các di sản văn hóa, cảnh quan môi trường, năng lực quản lý của chính quyền và người dân tại các làng nghề.
Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hóa, các làng nghề truyền thống cùng với hoạt động sản xuất thủ công mỹ nghệ Hội An cũng đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, tồn tại như: Thiếu hụt nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất - kinh doanh tại làng nghề. Thiếu người trẻ kế nghiệp; công tác đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn; chưa có chế độ đãi ngộ, phụ cấp lương cho các nghệ nhân và thợ giỏi tại làng nghề,…

Bảo tồn làng nghề truyền thống, phát triển bền vững du lịch xanh - Anh 4

Nghệ nhân ở các làng nghề trình diễn tại sự kiện “Nét hoa nghề” Hội An 

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, Hội An vừa chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian. 
Các thế hệ cộng đồng Hội An đã sáng tạo, bồi đắp, truyền lưu những giá trị di sản vô cùng độc đáo và đa dạng. Hạt nhân của các giá trị đặc trưng này chính là văn hóa và con người, tinh thần cố kết cộng đồng ở làng cũng như ở phố, vai trò và trách nhiệm chủ thể của người dân trong các hoạt động văn hóa, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trong đó, văn hóa làng nghề, nghề thủ công truyền thống vang tiếng khắp nơi, cùng với kho tàng văn nghệ dân gian muôn hình muôn vẻ là những thành tố quan trọng tạo thành và truyền tiếp dòng chảy văn hóa Hội An. 
Bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề, hoạt động sản xuất sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Khi các làng nghề tham gia du lịch cộng đồng, các giá trị văn hóa đặc trưng đã được xây dựng và lưu giữ hàng bao thế hệ ở làng nghề sẽ có cơ hội tiếp nối trong cuộc sống hiện đại và được quảng bá, giới thiệu tới bạn bè quốc tế.

THU HOÀI 
 

Ý kiến bạn đọc