Bảo tồn cua đá, sản vật nơi xứ đảo

VHO - Mô hình cộng đồng cùng quản lý, khai thác, bảo tồn cua đá đang được triển khai tại Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An (Quảng Nam) là minh chứng sinh động về hiệu quả phương thức “quản lý tài nguyên, phát triển du lịch bền vững dựa vào người dân địa phương”.

Bảo tồn cua đá, sản vật nơi xứ đảo - Anh 1

 Giới thiệu với du khách về đặc sản cua đá Cù Lao Chàm

 Cua đá Cù Lao Chàm là đặc sản có giá trị cao, hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước. Với đặc tính sống trong các hang hốc đá, vào mùa sinh sản di chuyển xuống biển gần các mép đá đẻ trứng để duy trì nòi giống, nên cua đá khỏe mạnh, có tốc độ di chuyển nhanh hơn so với các loài sinh vật biển và thịt rất săn chắc.

Rừng ở đảo Cù Lao Chàm có đến 200 loài cây dược liệu quý hiếm, thức ăn của cua đá chủ yếu là các loại lá rừng này nên thịt cua có hương vị khác lạ, thơm ngon hơn so với các vùng khác.

Từ năm 2009, UBND TP Hội An đã ban hành chỉ thị về việc tạm dừng khai thác, vận chuyển, buôn bán cua đá Cù Lao Chàm, nhằm phục hồi và bảo tồn loài sinh vật biển này. Theo đó, từ ngày 1.8 đến 28.2 hằng năm là mùa sinh sản nên cua đá được quản lý và bảo vệ, cấm không được đánh bắt. Tuy nhiên, vì có giá thành cao và nhu cầu sử dụng của du khách ngày càng tăng, nên vẫn còn tồn tại hiện tượng người dân tự phát săn cua đá, dẫn đến nguy cơ mất cân bằng sinh thái, cạn kiệt sản vật, nhất là trong mùa du lịch từ tháng 3 đến tháng 9 hằng năm, nguy cơ tuyệt chủng loài cua đá đã thấy rõ trước mắt.

Với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu, từ năm 2010-2012, TP Hội An đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng bảo vệ và khai thác hợp lý cua đá Cù Lao Chàm”. Mô hình được đánh giá là một trong những điển hình về phát triển du lịch bền vững dựa vào người dân địa phương, xây dựng được khung quản lý, cộng đồng bảo vệ, khai thác hợp lý, kiểm soát cua đá theo quy trình và tiêu chí cụ thể. Hiện có nhiều đoàn khách du lịch và các địa phương khác đến tham quan, tìm hiểu, học tập mô hình, cách thức bảo vệ bền vững cua đá ở Cù Lao Chàm.

Một hợp tác xã với hơn 40 thành viên là những người làm nghề săn bắt cua đá, khai thác các sản vật như lá rừng, rau, rong biển trên đảo được thành lập, nhằm khai thác, bảo tồn các sản vật địa phương một cách hợp lý, bền vững. Qua đó hỗ trợ phát triển thành thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý, giúp cải thiện thu nhập cho người dân địa phương. Xa hơn nữa, hướng đến xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch đặc trưng, chất lượng cao, góp phần phát triển du lịch xanh, thúc đẩy hoạt động bảo tồn, bảo vệ môi trường biển ở Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Theo kế hoạch, hằng năm hợp tác xã sẽ chỉ cho khai thác tối đa 500 kg cua đá, cam kết ổn định giá cả, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm.

Bảo tồn cua đá, sản vật nơi xứ đảo - Anh 2

 Cua đúng kích cỡ mới được đánh bắt, tiêu thụ

Để hạn chế việc khai thác tự phát dẫn đến nguy cơ mất cân bằng sinh thái, cạn kiệt sản vật, địa phương cũng thực hiện gắn nhãn hiệu, quy định khai thác cua không mang trứng, theo mùa vụ, cua bán ra thị trường phải đúng kích cỡ (kích thước chiều ngang mai cua phải trên 7cm), có tem nhãn mới được tiêu thụ. Những người không phải là thành viên thì không được phép khai thác cua đá. Cua không đủ kích thước theo quy định, chưa được dán tem phải thả về biển. Nhờ đó đã góp phần bảo tồn được khoảng 75% số lượng cua đá trong tự nhiên.

Bên cạnh việc thành lập Tổ cộng đồng bảo vệ và khai thác bền vững cua đá, địa phương cũng nghiên cứu xây dựng thương hiệu sản phẩm cua đá thành biểu tượng và đại diện cho sản phẩm hàng hóa, sản phẩm du lịch bền vững chất lượng cao của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Du khách đến với Cù Lao Chàm khi thưởng thức cua đá sẽ còn được khám phá, tìm hiểu câu chuyện nhân văn, ý nghĩa của việc bảo vệ cua đá dựa vào cộng đồng; được nghe chính những hướng dẫn viên địa phương giới thiệu về đặc thù sinh sống của loài cua, những quy định được thực hiện khi khai thác, tiêu thụ… Kết hợp tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân và du khách trong việc bảo vệ cua đá và các sản phẩm khác trên đảo.

Ông Phạm Công, một thành viên trong Hợp tác xã cho biết, vào thời điểm trước năm 2012, giá cua đá vào khoảng 400 nghìn đồng/kg. Nhờ cách quảng bá, xây dựng câu chuyện, thương hiệu về bảo tồn cua đá mà giá trị của sản vật này lên cao, hiện có giá giao động trên dưới 1 triệu đồng/kg.

Theo BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, một trong những điểm then chốt để vận hành hiệu quả mô hình cộng đồng quản lý chính là việc nâng cao vai trò, gắn trách nhiệm của người dân vào nguồn tài nguyên tại địa phương. Qua đó phát huy sức mạnh của cộng đồng trong quá trình quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển, hướng đến sự phát triển bền vững. Không chỉ riêng mô hình bảo tồn cua đá, thời gian qua, bà con xã đảo cũng đã hỗ trợ Khu bảo tồn biển xây dựng các vườn ươm, phục hồi hơn 6.000 tập đoàn san hô cứng, góp phần bảo vệ được rạn san hô, nguồn lợi thủy sản. BQL Khu bảo tồn biển cũng đang có kế hoạch, dự án hỗ trợ công nghệ, bàn giao mặt nước để cộng đồng tổ chức trồng san hô, tạo sinh cảnh, phát triển dịch vụ lặn biển. 

 KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc