An sinh từ hoạt động phân loại rác tại khu dân cư
VHO- Không chỉ góp phần giảm áp lực xử lý chất thải rắn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, việc chung tay phân loại rác tại nguồn đã tạo ra nhiều việc làm ý nghĩa, đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội.
Người dân phân loại rác tạo nguồn hỗ trợ học sinh nghèo
Gần 1 năm nay, cứ mỗi trưa thứ 3 hằng tuần, Hội Phụ nữ phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng lại nấu được khoảng 80 -100 suất cơm 0 đồng để giúp đỡ, san sẻ cho các hoàn cảnh khó khăn. Đáng chú ý, việc tạo những bữa cơm 0 đồng được thực hiện từ nguồn quỹ phân loại rác thải tại nguồn. Để có nguồn kinh phí duy trì hoạt động bữa cơm 0 đồng, chi hội phụ nữ các tổ dân phố đã cùng nhau nhặt rác, tổ chức phân loại rác tại nguồn, sau đó tập trung đem bán gây quỹ. Nhìn có vẻ ít ỏi nhưng số tiền bán được từ lượng rác sau khi phân loại lên đến hàng triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ phường Hòa An, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng chia sẻ, cứ vào cuối tuần, chị em lại đến từng hộ gia đình lấy rác đã phân loại, nhiều khi chưa kịp đến các gia đình đã gọi điện thoại. Không một ai từ chối việc thiện nguyện ý nghĩa này. “Mỗi suất cơm 0 đồng nếu tính thành tiền thì chỉ 15.000 - 20.000 đồng thôi, nhưng đối với những người có hoàn cảnh khó khăn cũng là tiết kiệm được một phần chi phí. Mỗi người khi phân loại rác đã không chỉ chung tay với xã hội giảm ô nhiễm môi trường mà còn đang tạo ra những giá trị mới, lan tỏa những điều tốt đẹp cho cộng đồng nên chúng tôi rất vui”, chị Hoa cho hay.
Sáng Chủ nhật hằng tuần, đại diện chi bộ, mặt trận, hội, đoàn thể khu dân cư Thuận An 5, phường Xuân Hà, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng lại đẩy xe thu gom rác tái chế dọc các tuyến đường, kiệt, hẻm thu gom các loại giấy, vỏ lon, chai nhựa... từ các hộ gia đình. Số rác này được đưa về tiếp tục phân loại để bán cho các đơn vị phế liệu. Toàn bộ số tiền bán phế liệu được công khai và đưa vào quỹ của khu dân cư nhằm phục vụ các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo.
Để duy trì, phát triển hoạt động này, những người đứng đầu Chi bộ của khu dân cư đã tập hợp, gắn kết, vận động người dân cùng tham gia, quyết tâm xây dựng khu dân cư văn minh. Ông Đặng Văn Thi, Bí thư Chi bộ khu dân cư Thuận An 5 chia sẻ: Tới nay toàn bộ 109 hộ trong khu dân cư đều thực hiện phân loại rác hiệu quả. Để có những tín hiệu tích cực và ý thức phân loại rác tại nguồn tốt như hiện nay là cả quá trình kiên trì vận động, thuyết phục. “Thông qua các cuộc sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố và các tổ chức đoàn thể, thông qua phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền, đặc biệt chúng tôi phân công trực tiếp nhiệm vụ cho 9 thành viên của “Tổ tuyên truyền dự án Đại dương không nhựa” phụ trách và đi tới gõ cửa từng hộ dân để vận động mọi người chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng thành công mô hình “Khu dân cư thân thiện môi trường” từ năm 2019 tới nay”, ông Thi cho hay.
Từ việc phân rác thành hai loại cũng như thực hiện các giải pháp giảm thiểu tái chế, tái sử dụng đã có rất nhiều mô hình hay, ý nghĩa bắt đầu ra đời trên địa bàn như “đổi rác lấy quà”, “hội chợ đổi đồ cũ”, mô hình điểm tập trung rác thải tái chế, mô hình thu gom rác bán để gây quỹ của các chị em phụ nữ đã hỗ trợ các em học sinh nghèo hiếu học, phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn, những bữa cơm 0 đồng tạo ra giá trị tốt đẹp cho xã hội, trao những món quà đến những nơi cần.
Cách tiếp cận từ Nguồn tới Biển đối với ô nhiễm nhựa tại Hội An Tại TP Hội An (Quảng Nam) vừa diễn ra hội nghị tham vấn “Trách nhiệm của các bên liên quan đối với ô nhiễm nhựa ở Hội An: Phân tích theo cách tiếp cận từ Nguồn tới Biển”. Chương trình do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng UBND TP Hội An, Viện nước Quốc tế Stockholm (SIWI) tổ chức, qua đó áp dụng cách tiếp cận từ Nguồn tới Biển (S2S) nhằm xác định các ưu tiên trong quản lý rác thải nhựa tại Hội An Nội dung họp tham vấn tập trung vào 3 mục đích chính: Xây dựng hiểu biết chung về hiện trạng rác thải nhựa tại Hội An và các bước cần thiết để giảm rò rỉ nhựa ra môi trường; Xác định vai trò và trách nhiệm cụ thể của từng bên liên quan trong các hoạt động hợp tác để đạt được tầm nhìn chung; Thảo luận về các hoạt động ưu tiên và theo dõi tiến trình. Tại buổi tham vấn, các chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá Hội An là địa phương thực hiện rất tốt trong việc thực thi phân loại rác từng loại. Tuy nhiên áp lực phát triển du lịch cũng là những thách thức phức tạp về rác thải nhựa. Là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước, với gần 100.000 dân, số lượng du khách đã tăng theo cấp số nhân (năm 1991 đạt 3.400 lượt khách du lịch, năm 2018 tăng lên gần 5 triệu lượt khách). Việc tăng trưởng nhanh chóng này cũng khiến các dịch vụ như thu gom rác thải rắn chịu áp lực ngày càng lớn. Tuy địa phương nỗ lực rất nhiều trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, thực hiện phân loại chất thải rắn tại đầu nguồn nhưng lượng nhựa sử dụng một lần vẫn được sử dụng rộng rãi. THU HOÀI |
MINH CHÂU