Yên Bái: Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch

VHO - UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh Yên Bái gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030"

Nghệ thuật khèn Mông tỉnh Yên Bái được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Tuấn Anh

Theo Đề án, trong giai đoạn 2022 – 2030, tỉnh Yên Bái tiếp tục xếp hạng 62 di tích cấp tỉnh gắn với nhu cầu của các địa phương về bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. Tu bổ, tôn tạo 168 di tích các cấp, là các di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt, di tích cấp tỉnh đã xuống cấp cần được ưu tiên tu bổ. Xây dựng hồ sơ và tiến hành bảo tồn 124 di sản văn hóa phi vật thể đối với các di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện, được thực hành thường xuyên trong cộng đồng, được cộng đồng bảo vệ gắn với nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh.

Trong đó lập hồ sơ đề nghị đưa 18 di sản văn hóa phi vật thể vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng 106 chuyên đề bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh. Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ tổ chức bảo tồn và phát huy 22 di sản văn hóa phi vật thể đã và dự kiến đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đẩy mạnh hoạt động kết nối di sản văn hóa vật thể với hoạt động quảng bá phục vụ phát triển du lịch. Chú trọng phát triển các điểm du lịch gắn với các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt như Di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải, di tích lịch sử và danh thắng quốc gia Hồ Thác Bà, di tích đền Đông Cuông, di tích lịch sử Khu mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930, Di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ…

Nghiên cứu phát triển các di sản văn hóa phi vật thể thành các sản phẩm phục vụ nhu cầu trải nghiệm, tham quan và mua sắm của du khách; xây dựng các tour, tuyến du lịch kết hợp các điểm đến có di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, thúc đẩy phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn, xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa, lễ hội, lối sống địa phương, thưởng thức ẩm thực, sản vật vùng miền…hướng tới xây dựng Yên Bái trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu Tây Bắc, tạo nên hình ảnh, điểm đến đặc thù “Yên Bái – Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”, với thương hiệu là điểm đến “An toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng”.

Trong năm 2024, tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa.

Quảng bá, giới thiệu giá trị của di sản văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua tổ chức trình diễn các trích đoạn lễ hội, dân ca, dân vũ, dân nhạc phục vụ hoạt động du lịch; lồng ghép việc tổ chức tuyên truyền giá trị của di sản văn hóa vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, các lễ hội truyền thống của các dân tộc trong năm.

Phát triển các di sản văn hóa vật thể thành các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu trải nghiệm, tham quan và mua sắm của du khách; xây dựng các tour, tuyến du lịch, kết hợp các điểm đến có di sản văn hóa của tỉnh. Xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng kết hợp tham quan di tích lịch sử - văn hóa, bảo tàng, công trình văn hóa, tiếp tục xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với các di sản văn hóa. Tổ chức hoạt động bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Phát triển các loại hình di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc trở thành sản phẩm du lịch như du lịch làng nghề, du lịch lễ hội...

Chú trọng ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường quản lý nhà nước và phối hợp trong quản lý; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về di sản văn hóa cho các cán bộ, nhân viên phòng văn hóa thông tin cấp huyện; công chức văn hóa xã, ban quản lý di sản các cấp, đặc biệt là ở cơ sở.

QUỲNH VY

Ý kiến bạn đọc