Xây dựng Đường sách TP.HCM thành điểm hẹn văn hóa - du lịch: Mỗi cá nhân là một đại sứ văn hóa
VHO - Đó là tiếng nói của nhiều lãnh đạo NXB, đơn vị phát hành và giới làm sách đã bày tỏ tại buổi họp Tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động Đường Sách TP.HCM năm 2023, do Sở TT&TT TP.HCM phối hợp Hội Xuất bản Việt Nam, Công ty Đường Sách tổ chức vào hôm qua 23.1.
Tại đây, các vị đại biểu đã đóng góp những ý kiến tâm huyết nhằm phát triển Đường Sách trong thời gian tới.
Giới trẻ tham quan và mua sách tại Đường Sách TP.HCM
Cơ hội để khai thác tối đa tiềm năng phát triển
Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2023, ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Đường Sách TP.HCM cho biết, tổng doanh thu năm qua của các đơn vị tại Đường Sách đạt trên 59 tỉ đồng; số bản sách bán ra đạt gần 760 ngàn cuốn, tăng 15% so với năm 2022. “Doanh thu sách thiếu nhi giảm 20% so với năm 2022, tuy nhiên số bản sách bán ra lại tăng hơn 15.000 cuốn. Năm 2023 là năm hoạt động sôi nổi của các hội sách, từ quy mô cấp TP đến các hội sách mini của các đơn vị diễn ra tại Đường Sách, nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi liên tục thông qua các hội sách, do vậy bạn đọc nhí mua được nhiều sách hơn với giá ưu đãi cao hơn”, ông Lê Hoàng phân tích.
Giám đốc Đường Sách cũng cho hay, lượng khách đến với Đường Sách ước tính tăng 10% so với năm 2022. Tuy nhiên, tại đây chưa có nhiều hoạt động, sự kiện thu hút bạn đọc, du khách vào buổi tối. Bên cạnh đó, cũng chưa có nhiều sản phẩm và loại hình hoạt động phục vụ khách quốc tế. Sách văn hóa, lịch sử, văn học Việt Nam hay các sản phẩm phục vụ du lịch như bản đồ, cẩm nang du lịch ngoại văn/song ngữ, sản phẩm lưu niệm chưa thật sự đặc sắc… Chưa có nhiều sân chơi văn hóa nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm phục vụ đối tượng này.
Giám đốc NXB Trẻ Phan Thị Thu Hà thừa nhận, Đường Sách đã đạt được những kết quả nổi bật trong thời gian qua, nhất là trong năm 2023. “Nhưng trên thực tế, các đơn vị hoạt động tại Đường Sách chưa có sự gắn kết, vẫn còn làm việc độc lập. Chính vì thế mà có hiện tượng là chính sách bán hàng chưa đồng bộ, mức chiết khấu có nơi thấp nơi cao…”, bà Hà cho biết, đồng thời góp ý Đường Sách phải đảm bảo và xây dựng được quan niệm cho bạn đọc là “tất cả sách được bày bán, triển lãm tại đây đều là sách thật”.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, Đường Sách được công nhận là “1 trong 100 điều thú vị của TP.HCM” chính là lợi thế lớn, là cơ hội để khai thác tối đa tiềm năng phát triển, đưa Đường Sách thành một điểm hẹn văn hóa - du lịch của TP và khu vực.
Đường Sách là điểm đến yêu thích của nhiều du khách khi đặt chân đến TP.HCM
Cần tô đậm thêm nét văn hóa của Đường Sách
TS Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Giám đốc NXB Chính trị quốc gia Sự thật (Chi nhánh tại TP.HCM) chia sẻ: “Là đơn vị tham gia hoạt động tại Đường Sách mới nhất (10.2022), NXB nhận thấy bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tăng doanh thu, thì NXB đã quảng bá được thương hiệu, cải thiện hình ảnh trong mắt người đọc. Đơn vị chúng tôi giờ đây đã gần gũi hơn với độc giả chứ không còn là hình ảnh có phần khô cứng, lý thuyết như mọi người thường nghĩ trước đây, đó là nhờ sự góp mặt tại Đường Sách thời gian qua”.
Bà Quỳnh Nga cũng cho rằng, nếu đã xác định Đường Sách là điểm đến văn hóa, thì nên tô đậm thêm nét văn hóa tại nơi đây. Vẫn với cốt lõi là sách, nhưng cần giới thiệu thêm những nét đặc sắc, riêng có của TP.HCM nói chung và Đường Sách nói riêng. Song song đó, mỗi người bán sách, làm việc tại Đường Sách cũng phải là một đại sứ văn hóa, không chỉ giới thiệu sách mà còn giới thiệu được về đặc điểm văn hóa của TP cũng như những địa điểm văn hóa - du lịch khác cho du khách…
Ông Trần Đình Ba, Phó Giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM cũng đồng tình quan điểm này và khẳng định mong muốn Đường Sách không đơn thuần là nơi bán sách, giới thiệu sách mà còn cần xây dựng thành điểm đến văn hóa - du lịch, là nơi lan tỏa văn hóa đọc, kết nối và lan tỏa tình yêu sách trong giới trẻ.
Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng khẳng định, sau 8 năm hoạt động, Đường Sách không chỉ là điểm sáng của ngành Xuất bản, mà còn là điểm sáng của ngành Văn hóa, ngành Du lịch và kể cả trong hoạt động giáo dục của TP. Sở rất đồng tình khi Đường Sách không chỉ đóng góp những giá trị mang tính hữu hình, mà đóng góp giá trị vô hình rất lớn, trở thành mô hình tiêu biểu không chỉ của TP và lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước. “Mong muốn của các anh chị NXB xây dựng Đường Sách thành điểm đến văn hóa và mỗi cá nhân ở Đường Sách là một đại sứ văn hóa là rất hay và rất thuận lợi, tôi đồng tình”, ông Thắng nói.
Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM ghi nhận, Đường Sách đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kinh doanh hiệu quả và đóng góp tích cực cho hoạt động văn hóa đọc cho TP. Năm 2024, TP.HCM xác định chủ trương tiếp tục đầu tư cho phát triển xuất bản và văn hóa đọc, trong đó Đường Sách Nguyễn Văn Bình và Đường Sách TP Thủ Đức sẽ là một trong những trọng tâm hỗ trợ và đầu tư của TP. Về phía Sở TT&TT, năm 2024 sẽ đồng hành cùng Đường Sách nghiên cứu tổ chức chuỗi các hoạt động vào buổi tối, tạo điểm nhấn và khơi dậy các hoạt động tại đây, để Đường Sách xứng tầm với sự quan tâm của người dân và du khách, xứng tầm với bộ mặt, hình ảnh gắn liền với TP.HCM. Một trong những phần việc trước mắt mà Sở phối hợp cùng các đơn vị thực hiện là tập huấn để từng người tại Đường Sách là một đại sứ văn hóa; đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại; xây dựng các sản phẩm văn hóa - du lịch…
THÙY TRANG