Vui hội Nàng Hai

VHO - Cứ hai năm một lần vào dịp đầu năm chẵn, người dân trên địa bàn xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) nói riêng và du khách cả nước nói chung lại nô nức đổ về bản Nưa Khau dự lễ hội Nàng Hai (Nàng Trăng). Đây là lễ hội đặc biệt, thể hiện tín ngưỡng nguyên thủy của người Tày.

Vui hội Nàng Hai - Anh 1

Nàng Cường (áo đỏ) và nàng Sở (áo vàng) tay cầm quạt, cùng dân làng đồng thanh hát

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có nhiều địa phương tổ chức lễ hội Nàng Hai với các nghi lễ và thời gian khác nhau, tuy nhiên xã Tiên Thành được coi là nơi gốc khởi sinh của lễ hội này. Trước đây trên địa bàn xã, lễ hội được tổ chức tại các bản Nưa Khau, Ngườm Cuông, Bản Chập, Bản Giuồng nhưng hiện nay chỉ còn bản Nưa Khau duy trì. Lễ hội Nàng Hai nơi đây là một lễ hội mang tính nguyên hợp cao, là một hình thức lễ hội đặc biệt, vừa có lễ, vừa có hội kết hợp với diễn xướng, múa hát tập thể. Chính vì lẽ đó lễ hội đã tích hợp được nhiều giá trị văn hóa.

Người Tày quan niệm trên cung trăng có Mẹ Trăng và mười hai nàng tiên chăm nom, bảo vệ mùa màng cho dân chúng. Lễ hội Nàng Hai là nghi thức thể hiện hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống thăm thú ruộng đồng, nhà cửa, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và giúp trần gian trong công việc làm ăn sinh sống, phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sinh sôi nảy nở.

Lễ hội Nàng Hai được tổ chức với ba nghi lễ chính, đó là: Lễ đón Hai, lễ cầu Hai và lễ đưa Hai. Trước ngày lễ diễn ra, người dân sẽ chuẩn bị đầy đủ các lễ vật, bày trí không gian thờ trong nhà sàn, miếu thổ công và lán Hai. Theo quy định, chỉ có những thiếu nữ chưa chồng mới được tham gia thực hiện nghi lễ.

Lễ đón Hai được thầy cúng thực hiện trong nhà, khác với các lễ thông thường chỉ cần một người ngồi nhập hóa thân, lễ hội bản Nưa Khau cần tới hai cô gái trong vai nàng Cường (áo đỏ) và nàng Sở (áo vàng) tay cầm quạt, cùng dân làng đồng thanh hát. Khúc hát được sử dụng gọi là Lượn Hai (hát cho trăng), kể chuyện đi lên trời gặp Mẹ Trăng để xin giống, xin phúc lộc, cầu duyên... Với người Tày, may mắn, phúc lộc không thể đến đơn giản, người dân phải chăm chỉ, cố gắng mới nhận được sự phù hộ của thần linh. Bởi vậy, hành trình mời Mẹ Trăng xuống trần gian là một hành trình gian nan, phải hát mời đến lần thứ ba thì Mẹ mới nhận lời.

Vui hội Nàng Hai - Anh 2

 Điệu múa trong lễ đưa Hai

Khi đã xuống trần gian, Nàng Hai và 12 người con của Mẹ Trăng (12 thiếu nữ mặc áo chàm đen) sẽ được dẫn ra lán Hai để làm lễ cúng cầu Hai. Bà dẫn là một phụ nữ cao niên, hát giỏi, thông thạo phong tục, có gia đình hạnh phúc. Thầy cúng hát trước, bà dẫn hát sau rồi 12 người con Mẹ Trăng đồng thanh hát theo. Xuyên suốt toàn bộ quá trình làm lễ đều là những điệu diễn xướng dân gian tập thể. Lễ cầu mùa kết thúc bằng những lời hát chia tay quyến luyến đưa tiễn các nàng về trời, hẹn năm sau lại xuống trần gian. Lễ chia tay diễn ra tại lều Trăng, 12 người con gái của Mẹ Trăng cùng dỡ lều, chất của cải lên thuyền, khiêng 2 sào hoa và thuyền gỗ thả xuống sông để dâng lên Mẹ. Hai loại hoa chính được sử dụng là Bjoóc Rồm (hoa thiên điểu) và Bjoóc Mạ (hoa vàng anh), bởi người Tày cho rằng đó là những loài hoa không bị ong bướm, sâu bọ bám đậu, tượng trưng cho sự trong trắng, tinh khôi của Nàng Hai. Cùng với đoàn hành lễ, đông đảo bà con các dân tộc trong xã, du khách gần xa cũng đi theo đoàn lễ để tiễn các nàng Trăng về trời, tạo thành một lễ rước đông vui.

Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành đã được Bộ VHTTDL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2017. Việc tiếp tục bảo tồn lễ hội Nàng Hai không chỉ đơn thuần là duy trì một nghi lễ cầu mùa thông thường, mà còn nhằm “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

Có thể nói, đến với Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành, ngoài nhu cầu tâm linh du khách còn có nhu cầu thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật. Lễ hội Nàng Hai thực sự là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc của người Tày nói chung và của cộng đồng người Tày ở xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa nói riêng, nó chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và được cộng đồng gìn giữ qua nhiều thế kỷ, không bị biến mất trong đời sống hiện đại. Đây là một lễ hội có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc trên địa bàn, có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài. 

HOÀNG LINH; ảnh: HOÀI NAM

Ý kiến bạn đọc