Về cuộc thi cầu vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành, Kinh thành Huế: Có phải là giải pháp duy nhất?
VHO- Trao đổi với Văn Hóa về những nội dung liên quan đến cuộc thi ý tưởng thiết kế cầu vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành (Kinh thành Huế), Nhà sử học Dương Trung Quốc lưu ý, yếu tố quan trọng hàng đầu phải cân nhắc là ý tưởng đưa ra có vi phạm pháp luật về bảo vệ di sản hay không, bởi Kinh thành Huế là di tích quốc gia đặc biệt, là di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO vinh danh.
“Tôi cũng có một câu hỏi đặt ra là, xây cầu vượt liệu có phải là con đường duy nhất, là giải pháp duy nhất không? Ở đây phải xác định rằng, mục đích quan trọng nhất là bảo vệ di sản chứ không phải là giải tỏa “điểm nghẽn” giao thông”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
P.V: Cuộc thi về ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà chuyên môn và dư luận. Ông có bình luận như thế nào về vấn đề này?
- Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi chưa tiếp cận cụ thể với những ý tưởng tham gia cuộc thi, đặc biệt là ý tưởng được trao giải Nhất. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý rằng, Kinh thành Huế là di tích quốc gia đặc biệt, là di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO vinh danh, vì vậy, nguyên tắc quan trọng đầu tiên là phải tuân thủ những quy định pháp luật về bảo vệ di sản. Thứ hai, về tư duy giải tỏa, giảm ùn tắc giao thông bằng việc xây cầu vượt qua di sản, tại sao không đưa một đề bài nhằm giải tỏa “điểm nghẽn” giao thông với phương án khác có thể hạn chế tối đa khả năng tác động, ảnh hưởng đến di sản?
Vì vậy, Huế nhất thiết phải xin ý kiến của UNESCO và các cơ quan quản lý Nhà nước, hội chuyên ngành về di sản, xây dựng, quy hoạch kiến trúc cũng như không thể bỏ qua việc tham khảo ý kiến, đóng góp trí tuệ của người dân để thực hiện mục đích chung. Kinh thành Huế là tài sản đặc biệt, vì vậy, cần đặc biệt thận trọng trong cách đặt vấn đề, cách ứng xử đối với di sản.
Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất xây cầu vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành nhằm mục tiêu bảo tồn thích ứng? Ông có đồng tình?
- Tôi vẫn quay trở lại vấn đề rằng liệu xây cầu vượt có phải là giải pháp duy nhất không và ngay cả khi đó là giải pháp duy nhất thì vẫn phải tôn trọng nguyên tắc duy nhất, hàng đầu là bảo tồn thích ứng trên cơ sở tuân thủ luật pháp về bảo vệ di sản. Chưa kể, nhìn nhận ở góc độ cảnh quan cũng cần phải ghi nhận những ý kiến, khảo sát xem người dân cảm thấy như thế nào. Vì đây là nội dung quan trọng, có tác động đến đời sống văn hóa, xã hội của Huế nên những người làm văn hóa của chính vùng đất Cố đô phải lên tiếng để cùng đưa ra những giải pháp hài hòa, đúng luật.
Văn Hóa cũng đã trở lại câu chuyện nhiều năm trước, khi xảy ra tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng ở khu vực cầu Vĩnh Lợi và cầu Kho. Thừa Thiên Huế khi đó đã nghiên cứu mở rộng cầu bằng một con đường giống với kiểu dáng kiến trúc như vốn có của công trình. Tuy nhiên, khi đưa ra phương án thì bị Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam bác bỏ, bởi những cầu cổ đó được xem là nghệ thuật kiến trúc đỉnh cao thời Nguyễn. Ông có suy nghĩ gì?
- Điều quan tâm lớn nhất ở đây là ý tưởng đưa ra khi đi vào thực tế có vi phạm không gian luật pháp không cho phép hay không? Ngay cả việc cho xe cộ tiếp cận gần với di tích cũng cần đặt ra câu hỏi: Vì sao không có những tính toán phù hơp hơn? Vì sao không yêu cầu xe cộ dừng ở khu vực ngoài, xa di tích và sử dụng xe trung chuyển? Rất nhiều di tích đã sử dụng giải pháp này để bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường. Việc cho phương tiện giao thông tiếp cận gần di tích sẽ dẫn tới việc các xe thể khối lớn đi vào trong nội đô, ảnh hưởng đến cả cộng đồng cư dân trong đó.
Nhiều người quan tâm tìm hiểu các phương án dự thi ý tưởng thiết kế cầu vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành Ảnh: SƠN THÙY
Tại cuộc trao giải, TS Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, rút kinh nghiệm từ các vụ việc ở di tích quốc gia đã bị dư luận phản ứng, địa phương cần thận trọng khi tính đến phương án xây dựng cầu vượt đi bộ. TS Phan Tiến Dũng cũng đề xuất cần thành lập một Hội đồng chuyên môn của Trung ương để tham mưu và tư vấn trong vấn đề này? Ông có đồng tình với ý kiến này?
- Tôi cho rằng đó là ý kiến đúng đắn, nhưng phải đưa ra trước thì đúng hơn. Mặt khác, cơ quan chức năng của Huế khi đưa đề bài lẽ ra phải có những tính toán chuẩn xác từ trước, tham khảo các ý kiến cơ quan quản lý và các Hội chuyên ngành để không xảy ra việc đã rồi, dẫn đến sự lãng phí khi tổ chức cuộc thi. Còn đương nhiên, khi BTC ra đề như thế thì các tác giả sẽ tìm lời giải theo đó mà thôi.
Nhưng BTC lại cho rằng đây là cuộc thi chỉ dừng ở ý tưởng, việc tổ chức thực hiện còn rất dài?
- Trong tất cả các cuộc thi, mọi ý tưởng đưa ra đều cần được đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng, một trong những yếu tố phải tính đến là tính hiện thực, ý tưởng đó có tính khả thi hay không. Không thể đưa ra những ý tưởng viển vông được. Cách đặt vấn đề sai sẽ dẫn đến hệ lụy là sự tốn kém, đồng thời gây xáo động trong nhận thức xã hội.
Với tư cách Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, ông có khuyến cáo gì?
- Tôi nhấn mạnh một lần nữa vấn đề tuân thủ đúng luật. Để giải quyết điểm nghẽn giao thông, chúng ta có thể tính đến nhiều giải pháp khác, có thể làm đường ngầm hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật như thang nâng… Ngoài ra, để thấu đáo thì tỉnh cũng cần tổ chức hội thảo xin ý kiến rộng rãi của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, những tiếng nói có trách nhiệm và cả người dân về tác động của các phương án như thế nào, trong đó cố gắng đi tìm lời giải để tháo gỡ điểm nghẽn giao thông ở khu vực cầu Cửa Ngăn, đảm bảo an toàn cho du khách hơn là cứ phải làm cầu vượt. Ý tưởng được trao giải phải mang tính hiện thực, nếu chỉ là ý tưởng mà không khả thi thì chỉ là vẽ tranh trừu tượng chứ đừng nói là giải pháp.
Xin cảm ơn ông!
Để giải quyết điểm nghẽn giao thông, chúng ta có thể tính đến nhiều giải pháp khác, có thể làm đường ngầm hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật như thang nâng… Ngoài ra, để thấu đáo thì tỉnh cũng cần tổ chức hội thảo xin ý kiến rộng rãi của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, những tiếng nói có trách nhiệm và cả người dân về tác động của các phương án như thế nào, trong đó cố gắng đi tìm lời giải để tháo gỡ điểm nghẽn giao thông ở khu vực cầu Cửa Ngăn, đảm bảo an toàn cho du khách hơn là cứ phải làm cầu vượt. (Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC) |
THANH MỘC (thực hiện)