Văn hóa sống chung với Covid

VHO- Covid-19 là đại dịch chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại và đang làm thay đổi toàn bộ thế giới. Trong bối cảnh các chủng virus liên tục biến đổi và việc loại trừ chúng hoàn toàn là bất khả thi thì phương án sống chung với Covid đang dần được các quốc gia chấp nhận. Từ quan điểm "Zero Covid”, cố gắng “dập dịch”, "xóa sổ virus", các Chính phủ bắt đầu coi nó như một hiện tượng tất yếu của thế giới hiện đại. Khái niệm “đại dịch” dần được chuyển thành một loại “bệnh đặc hữu” mà chúng ta phải thích nghi và chung sống lâu dài.

Văn hóa sống chung với Covid - Anh 1

Bước sang năm thứ 3 của đại dịch, đến nay có thể nói Việt Nam đã có những bước tiến ngoạn mục để thực hiện chiến lược sống chung này. Từ một quốc gia tiếp cận vaccine khá muộn, Việt Nam đã vươn lên là một trong 6 nước có tỷ lệ bao  phủ vaccine cao nhất thế giới. Với những kết quả khả quan như vậy, chúng ta đang nỗ lực từng bước mở cửa trở lại các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội và khôi phục cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, đây là một cuộc chiến cam go và chắc chắn còn kéo dài. Sau khi đẩy lùi thành công làn sóng dịch thứ tư, những ngày gần đây, chủng Omicron lại bùng phát mạnh mẽ, có diễn biến phức tạp, lây lan rất nhanh ở các tỉnh và thành phố lớn, nhất là thủ đô Hà Nội. Các bệnh viện và trung tâm y tế bắt đầu quá tải, xuất hiện tình trạng khan hiếm một số loại thuốc men, dụng cụ y tế. Tâm trạng lo lắng, hoang mang, chán nản có phần lan rộng. Các bệnh về mắt, xương khớp, trầm cảm, rối loạn tâm lý gia tăng ở học sinh tiểu học và trung học sau một thời gian dài phải học trực tuyến…. Tất cả những điều đó đòi hỏi chúng ta phải có một cách tiếp cận mới để tiếp tục chung sống lâu dài với Covid.

Nhìn trên phương diện tích cực, đại dịch này cũng là một cú hích quan trọng bắt buộc nhân loại phải thay đổi. Sự phát triển của khoa học - công nghệ, các thành tựu của y học trở thành cứu cánh giúp loài người vượt qua đại dịch, quay trở về trạng thái bình thường mới.

Trên phương diện kinh tế, Covid-19 giúp làm thay đổi toàn bộ cách thức giao dịch, làm việc trong mọi lĩnh vực tài chính, ngân hàng, sản xuất, kinh doanh, thương mại điện tử, các ngành kinh tế số... Phương thức điều hành, quản lý, quản trị của các tổ chức, doanh nghiệp cũng phải có những thay đổi căn bản. Chuyển đổi số trở thành lợi thế cạnh tranh. Một xu hướng mới đặt ra -"cá nhanh nuốt cá chậm” - ai chuyển đổi số nhanh, người đó thắng. Đổi mới hay là phá sản buộc các chủ thể kinh tế phải năng động, sáng tạo hơn mới có thể trụ vững và tiếp tục phát triển.

Trên phương diện văn hóa, xã hội, Covid-19 dẫn đến những thay đổi lớn lao trong phương thức học tập, làm việc, sinh hoạt, vui chơi, giải trí. Mọi người dần thích ứng với các hình thức làm việc từ xa, điều hành, hội thảo, hội nghị trực tuyến. Học sinh, sinh viên quen dần với học online, e-learning. Các bà nội trợ bắt đầu biết mua hàng trực tuyến, đi chợ online, thanh toán các khoản tiền điện, nước, phí dịch vụ qua e-banking. Cả xã hội dần chuyển thói quen dùng tiền mặt sang quẹt thẻ, dùng mã QR. Người dân từng bước chuyển sang sử dụng các dịch vụ công trên mạng Internet. Chính phủ chuyển sang quản lý công dân qua các phần mềm công nghệ, mà điển hình là việc cài đặt các ứng dụng PC-COVID, bảo hiểm y tế, theo dõi tiêm chủng, khai báo tình trạng sức khỏe... Điều đó thúc đẩy sự phát triển của một chính phủ số, xã hội số, giúp Việt Nam hòa nhập nhanh hơn vào cuộc sống số đáp ứng các yêu cầu phát triển của thời đại số.

Đại dịch Covid-19 cũng làm thay đổi căn bản cách thức sáng tạo, quảng bá, tiêu dùng và hưởng thụ văn hóa. Mọi người quen dần với việc xem phim, nghe nhạc, đọc sách, xem các chương trình nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật trên mạng cũng như công bố, lưu hành, phổ biến các sáng tạo văn hóa nghệ thuật trên môi trường mạng.

Văn hóa giao tiếp giữa người với người cũng thay đổi. Mọi người tăng cường thăm hỏi, giao lưu, chia sẻ qua webcam, FaceTime, Messenger, Zalo, Viber…

Trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng, mô hình bác sĩ gia đình ngày càng tỏ ra tiện ích. Đồng thời trên mạng xuất hiện rất nhiều hội, nhóm bác sĩ, tình nguyện viên hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Hiện nay, khi các bệnh viện và trung tâm y tế dự phòng đã quá tải và người dân đã tiêm đủ liều vắc xin, đa phần các ca bệnh nhẹ  thường tự tìm hiểu và điều trị tại nhà.

Để có được một sức đề kháng dẻo dai, mọi người tìm cách nâng cao thể lực bằng tập thiền, yoga, tập gym, học nhảy tại gia. Về mặt nào đó, bối cảnh “không bình thường” lại giúp các thành viên trong gia đình có điều kiện ở bên nhau nhiều hơn, lắng nghe, quan tâm đến nhau, cùng chia sẻ việc nhà, dạy dỗ con cái và có được sự cân bằng tâm lý trong mùa dịch.

Để “trường kỳ kháng chiến” với Covid, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức và có các hành động ứng phó phù hợp. Trước hết, cần trang bị những kiến thức đúng đắn và khoa học về virus, cơ chế lây nhiễm, cách thức xử lý và điều trị. Không nên quá hoang mang, lo lắng, nhưng đồng thời cũng không được chủ quan, thiếu hiểu biết. Hiện nay, thông tin về các loại thuốc, cách thức chữa trị đang rất nhiễu loạn trên thị trường và môi trường mạng. Do vậy, cần bình tĩnh, sáng suốt tuân thủ hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, không rơi vào mê cung của các quảng cáo, tư vấn thiếu kiểm chứng, không có căn cứ khoa học. Không nên tích trữ quá nhiều các loại thuốc đặc trị, kit xét nghiệm, máy đo SpO2 và các dụng cụ y tế khác gây tình trạng khan hiếm giả tạo và tạo điều kiện cho những phần tử đầu cơ “thổi giá” trục lợi. Cần hướng dẫn, trang bị cho trẻ em, người già những kỹ năng thiết yếu để chung sống lâu dài với dịch. Phối hợp, tạo điều kiện, hỗ trợ các cơ quan y tế, tổ Covid cộng đồng trong việc phòng, chống dịch. Chia sẻ những bài học hay, kinh nghiệm quý, lan tỏa năng lượng tích cực trên các kênh truyền thông, mạng xã hội. Không có thái độ kỳ thị, phân biệt trong lời nói và hành động đối với người nhiễm bệnh. Xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà theo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh y tế và bảo vệ môi trường. Tuân thủ nghiêm túc những hướng dẫn của các cơ quan hữu quan.

Nhìn chung, chúng ta phải tổ chức lại công việc, thói quen, hành vi, “reset” lại cuộc sống để bình tĩnh, tự tin sống chung với đại dịch. Đừng để “em Côvy” làm tổn hại đến sức khỏe, tâm lý, công việc và thu nhập của mình và quan trọng nhất là không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của thế hệ mai sau. Văn hóa sống chung với Covid chính là sự chủ động thay đổi tư duy, nhận thức và hành động nhằm làm chủ được tình thế và ứng phó hiệu quả với đại dịch.

GS.TS. TỪ THỊ LOAN

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Ý kiến bạn đọc