Từ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc: Minh chứng sinh động cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa

VHO - Hội thảo khoa học “Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc - Lý luận và thực tiễn” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức vừa diễn ra vào cuối tuần qua tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng…

Từ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc: Minh chứng sinh động cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa - Anh 1

  Chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng với chính quyền địa phương thảo luận tại Hội thảo 

 Dự hội thảo có lãnh đạo nhiều Ủy ban của Quốc hội, đại diện Bộ VHTTDL, các Ban, Bộ, ngành Trung ương cùng các chuyên gia, nhà khoa học. 
Để mỗi “ngôi làng” là một nơi đáng sống! 

Khai mạc Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, thời gian qua, thực hiện quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng về văn hóa, đặc biệt là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Vĩnh Phúc luôn đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng, phát triển văn hóa, con người, tạo thuận lợi để người dân có cơ hội được hưởng thụ thành quả từ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 16.3.2023 được Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là một điểm nhấn quan trọng. “Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ kiến tạo nền tảng xã hội vững chắc để đưa Vĩnh Phúc trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc…”, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khẳng định. Đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của người dân, chỉ sau một thời gian ngắn, chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân. Người dân đã chung tay đóng góp hơn 35 tỉ đồng, hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và đường giao thông, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng hạ tầng, vệ sinh môi trường... Hầu hết các thôn, làng đã đạt hơn 50% tiêu chí xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Đến nay, tất cả các Làng văn hóa kiểu mẫu đã cơ bản đầu tư xong thiết chế văn hóa, thể thao cộng đồng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, khuyến học - khuyến tài diễn ra sôi nổi, thường xuyên... 
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, Hội thảo “Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc - Lý luận và thực tiễn” là hoạt động thiết thực, có nhiều ý nghĩa đối với việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt nhằm cụ thể hóa, thực tiễn hóa và hiện thực hóa quan điểm của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. “Các kết quả bước đầu trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy tiềm năng để nhân rộng một sáng kiến độc đáo, có thể là những gợi ý quan trọng cho những địa phương, tỉnh thành khác đã và đang triển khai xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu; là minh chứng sinh động về sự cần thiết và sớm xây dựng, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và làm tiền đề để tới đây thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa đã được đề xuất trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, để văn hóa thật sự xứng tầm với vị thế, vai trò ngày càng to lớn trong tiến trình phát triển của các địa phương và cả nước”. 
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đặc biệt đánh giá cao cách làm đổi mới, sáng tạo trên các phương diện cơ bản, rất quan trọng, đó là: Xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích của người dân lên trên hết và trước hết; Táo bạo đổi mới tư duy, chủ động sáng tạo trong triển khai thực hiện nghị quyết; Cách làm đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới, với quyết tâm rất cao. “Phải chăng ba vấn đề nói trên là bài bài học kinh nghiệm hết sức quý báu trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng…”, ông Nguyễn Xuân Thắng phát biểu, đồng thời cũng lưu ý, xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc là việc làm chưa có tiền lệ, là sự sáng tạo, mạnh dạn đổi mới của Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, việc xây dựng, triển khai thực hiện mô hình làng văn hóa kiểu mẫu cũng đứng trước những khó khăn, thách thức. 
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng cũng đã gợi mở thêm một số vấn đề để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu thời gian tới, trong đó đáng chú ý: Cần khai thông, huy động, đa dạng và bảo đảm nguồn lực cho việc triển khai xây dựng các làng văn hóa. “Phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, trong một thời gian dài, nhiều nơi, nhất là trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa chưa được đặt đúng vị trí, và theo đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn rất khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm. Thậm chí, còn có tư duy lệch lạc cho rằng: Phát triển văn hóa cần nguồn lực đầu tư lớn, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế rất ít, mà chưa thấy rõ đây là đầu tư cho phát triển dài hạn và tạo ra sức sống mới cho phát triển kinh tế - xã hội”, ông Nguyễn Xuân Thắng chỉ rõ. 

Từ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc: Minh chứng sinh động cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa - Anh 2

 Các kết quả bước đầu trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy tiềm năng để nhân rộng một sáng kiến độc đáo, có thể là những gợi ý quan trọng cho những địa phương, tỉnh thành khác đã và đang triển khai xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu; là minh chứng sinh động về sự cần thiết và sớm xây dựng, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và làm tiền đề để tới đây thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa đã được đề xuất trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, để văn hóa thật sự xứng tầm với vị thế, vai trò ngày càng to lớn trong tiến trình phát triển của các địa phương và cả nước. 

(Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương NGUYỄN XUÂN THẮNG) 

Phát huy bản sắc văn hóa trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu 

Từ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc: Minh chứng sinh động cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa - Anh 3

 Làng Văn hóa kiểu mẫu tổ dân phố Trong Ngoài, thị trấn Hương Canh Ảnh: TR.HUẤN 

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã trao đổi, thảo luận để “hiến kế”, tư vấn những vấn đề lý luận và thực tiễn trong triển khai thực hiện việc xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu. Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, Vĩnh Phúc có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của làng văn hóa kiểu mẫu, nhiều chủ trương, quyết sách đã được xây dựng, triển khai, ban hành. Là địa phương đầu tiên triển khai xây dựng mô hình này, việc vừa triển khai thực hiện, vừa nghiên cứu, tổng kết, đúc rút bài học kinh nghiệm để nhân rộng mô hình là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách đặt ra. 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Xuân Thắng cũng nhìn nhận, xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu đã khó, nhưng để duy trì làng văn hóa kiểu mẫu có thể còn khó hơn. Vì thế tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng nề nếp, lối sống, những nét đẹp trong sinh hoạt của các cộng đồng dân cư… “Đã là xây dựng làng văn hóa, cần hết sức chú ý đến các tiêu chí có tính chất văn hóa: Kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại; giữa bảo tồn và phát huy, phát triển; giữa yếu tố đại chúng, phổ thông với yếu tố tinh hoa, chọn lọc…”, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị. 
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy bản sắc, giá trị văn hóa trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, những chủ nhân của làng văn hóa kiểu mẫu không chỉ cần nhanh nhạy với cơ chế thị trường, làm chủ công nghệ sản xuất mà vẫn rất cần những con người nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý. Hệ giá trị văn hóa truyền thống góp phần hình thành nhân cách, khơi dậy những khát vọng vươn lên, khát vọng làm giàu chính đáng. Đồng thời, cũng chính hệ giá trị văn hóa truyền thống là màng lọc để điều chỉnh hành vi ứng xử của mỗi người trước tác động của cơ chế thị trường và những biến đổi xã hội. Hội thảo đã diễn ra hai phiên thảo luận với nhiều nội dung quan trọng. Từ nhiều góc nhìn, các ý kiến đã góp phần làm rõ hơn nội hàm về làng văn hóa kiểu mẫu, sự khác biệt giữa xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu với nông thôn mới nâng cao; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển mô hình tổ chức và hoạt động của các làng kiểu mới trên thế giới; vấn đề quản lý quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan làng văn hóa kiểu mẫu; phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia xây dựng những ngôi làng nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính mình. 
Đáng chú ý là các nội dung thảo luận về bố trí, phân bổ nguồn lực của Vĩnh Phúc để xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu; vai trò của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu; phát huy nguồn lực di sản văn hóa, con người… Tại hai phiên thảo luận, đại diện các cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL cùng các đại biểu đã cùng thảo luận, “hiến kế” cho những chặng đường tiếp theo của Vĩnh Phúc trong xây dựng những ngôi làng kiểu mẫu. 
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho rằng, việc xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu cần phải xử lý hài hòa mối quan hệ giữa truyền thống với hiện đại; giữa tăng tưởng kinh tế với phát triển văn hóa. Hội thảo cũng đã thảo luận, gợi mở và đề xuất những giải pháp về cơ chế, chính sách trong việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung bộ tiêu chí trong xây dựng mô hình Làng Văn hóa kiểu mẫu; về khả năng nhân rộng, triển khai mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh cũng như ứng dụng, triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước.

Các địa phương có thể tham khảo mô hình làng văn hóa kiểu mẫu 

Trong tham luận gửi đến Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Vi Thanh Hoài nhấn mạnh, chủ trương xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc là một điểm sáng trong cả nước. Với mô hình làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc, các địa phương có thể tham khảo và triển khai, trong đó chú trọng khâu quy hoạch, nguồn lực, không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao đáp ứng đủ quy định và có thêm những không gian mở như: khu vườn dạo, vườn hoa, cây xanh kết hợp linh hoạt, hợp lý các khu trưng bày, quảng bá, tập kết, mua sắm sản phẩm địa phương tiêu biểu. 
Cách làm này của Vĩnh Phúc thuận theo xu hướng nhằm chuyển hóa các nguồn tài nguyên thành giá trị. Việc các địa phương quan tâm hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu quảng bá sản phẩm, gắn với quảng bá du lịch, trồng cây xanh giữ cân bằng sinh thái… sẽ góp phần phát huy hiệu quả của những không gian văn hóa hiện có. “Các địa phương cũng không nên “đồng phục” các mô hình, cần có tính đặc thù, sự khác biệt, những không gian phù hợp tùy theo điều kiện, đặc điểm văn hóa cộng đồng dân cư ở đó, ví dụ: Đồng Tháp với mô hình Hội quán, Hà Tĩnh mô hình Ngôi nhà trí tuệ…”, bà Hoài lưu ý 

BẢO PHƯƠNG; ảnh: PHAN MY  

Ý kiến bạn đọc