Trung tâm giới thiệu sản phẩm đúc đồng truyền thống (Huế): Đầu tư tiền tỉ rồi bỏ hoang
VHO- Dù được đầu tư kinh phí hàng tỉ đồng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đúc đồng truyền thống nổi tiếng của Huế, nhưng hiện nay cơ sở vật chất đang bỏ hoang, gây lãng phí.
Trung tâm giới thiệu sản phẩm đúc đồng truyền thống Huế bỏ hoang, gây lãng phí
Từ năm 2005, UBND TP Huế đã đầu tư kinh phí hơn 4,5 tỉ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật làng nghề đúc đồng truyền thống giai đoạn 1, trong đó có Trung tâm giới thiệu sản phẩm nghề đúc đồng. Trung tâm được xây dựng trên diện tích rộng 4.300m2, nằm ở mặt tiền đường Bùi Thị Xuân, là nơi trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nghề đúc đồng truyền thống xứ Huế. Sau khi hoàn thành xây dựng, UBND TP Huế giao cho UBND phường Phường Đúc quản lý, và đã có 7 hộ thuê đăng ký kinh doanh sản phẩm đúc đồng tại đây.
Tuy nhiên, thời gian qua khu nhà giới thiệu sản phẩm đúc đồng truyền thống cửa đóng im lìm, xung quanh cỏ mọc um tùm, nhếch nhác. Các hộ dân từng thuê mặt bằng ở đây đã chuyển đi hết, dọc dãy nhà các hộ dân để lại tờ áp phích thông báo địa điểm mới. Việc bỏ hoang này do UBND TP Huế thu hồi tài sản nhà đất, các hộ dân phải trả mặt bằng và chuyển cơ sở trưng bày về các địa điểm đúc đồng hoặc tìm thuê mặt bằng khác. Theo ông Trương Đình Hạnh, Phó chủ tịch UBND TP Huế, đầu năm 2022, địa phương đã có quyết định thu hồi điều chỉnh tài sản khu nhà đất Trung tâm giới thiệu sản phẩm nghề đúc đồng từ UBND phường Phường Đúc và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế quản lý, sử dụng. Sau nhiều năm hình thành và hoạt động, phần lớn chỉ có khách nội địa đến Trung tâm này để mua sắm các sản phẩm đồ đồng thờ cúng như lư đèn, chuông mỏ… Khách vào tham quan hầu như không có, ngoại trừ một số ít sinh viên đến tham quan nghiên cứu.
Hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết trình UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét phê duyệt. Sau khi đề án được phê duyệt sẽ đưa ra đấu thầu, đấu giá công khai theo quy định để kêu gọi xã hội hóa đầu tư.
Làng nghề đúc đồng phường Phường Đúc có nguồn gốc từ tổ chức của những thợ thuyền cùng nghề đúc thời chúa Nguyễn vào đầu thế kỷ 17. Theo gia phả của dòng họ Nguyễn - Kinh Nhơn, thủy tổ của nghề này là cụ Nguyễn Văn Lương, quê làng Đồng Xá, Siêu Loại (Bắc Ninh ngày nay), khi xây dựng Huế thành kinh đô, các chúa Nguyễn đã trưng tập thợ khéo cả nước về đây làm những công trình, vật dụng phục vụ nhu cầu của cung đình. Làng đúc đồng ở Huế xưa kia là làng Dương Xuân, hầu hết dân làng làm nghề đúc đồng nên từ lâu quen gọi là Phường Đúc. Những người thợ đúc đồng ở Phường Đúc ngày xưa đã tạo ra rất nhiều sản phẩm độc đáo, trở thành những kiệt tác di sản trong kho tàng văn hóa vật thể của xứ Huế. Trong đó phải kể đến là các bảo vật quốc gia, gồm: Vạc đồng ở Đại nội được đúc từ thế kỷ 17 thời chúa Nguyễn; bảo vật quốc gia Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ đúc năm 1710, bảo vật quốc gia Cửu Đỉnh tại Thế Miếu - Đại nội được đúc từ năm 1835-1837, Cửu Vị Thần Công đặt trước Ngọ Môn được đúc từ năm 1803-1804, hay di sản quý chuông chùa Diệu Đế đúc năm 1846 và rất nhiều các vật dụng thờ cúng bằng đồng từ “trong cung ra ngoài nội” ở Huế. Các chùa ở Huế cũng có rất nhiều tượng phật bằng đồng được các nghệ nhân ở Phường Đúc tạo tác với niên đại thuộc đầu thế kỷ XX…
Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, với những biến cố của kinh thành Huế và thăng trầm của lịch sử, những người thợ đúc đồng truyền thống ở Huế vẫn giữ lửa nghề cho đến ngày nay. Theo UBND TP Huế, hiện làng nghề đúc đồng ở phường Phường Đúc còn 29 hộ, doanh nghiệp và hợp tác xã sản xuất.
THÙY AN