Tổ chức trang trọng, hiệu quả Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV
VHO- Chiều 16.9 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban Tổ chức (BTC) Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022 đã có buổi làm việc nhằm thảo luận, góp ý, thống nhất nhiều nội dung liên quan đến kế hoạch tổ chức Ngày hội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng BCĐ Ngày hội Trịnh Thị Thuỷ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng BTC Hồ Đại Dũng Ngày hội đồng chủ trì buổi làm việc.
Tại cuộc họp, đại diện một số Bộ, ngành Trung ương; Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ BVHTTDL; các tỉnh tham gia Ngày hội… đã đóng góp ý kiến cho công tác tổ chức chương trình nghệ thuật, chương trình khai mạc, bế mạc cũng như các hoạt động trong quá trình diễn ra Ngày hội. Những ý kiến đóng góp cho hoạt động nhằm giúp Ngày hội tổ chức thành công cũng như lan tỏa những nét nổi bật về văn hóa, ẩm thực, kiến trúc, trang phục, sinh hoạt... của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để tổ chức Ngày hội thành công
Thông tin về Ngày hội, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ VHTTDL) cho biết Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022 có sự tham gia của 7 tỉnh gồm Phú Thọ, Hoà Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Sơn La. Ngày hội sẽ diễn ra từ ngày 2 – 4.11 tại thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ). Lễ khai mạc diễn ra vào 20h ngày 2.11 với thời lượng 120 phút tại Quảng trường Hùng Vương. Họp báo sẽ diễn ra trước Lễ khai mạc Ngày hội từ 10 – 15 ngày.
Sự kiện nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Bắc trong trong nền văn hoá thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đồng thời, khơi dậy khát vọng, niềm tin, tự tôn dân tộc của đồng bào các DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội. Ngày còn hội là dịp để giới thiệu, quảng bá tới bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển VHTTDL và văn hóa truyền thống các dân tộc vùng Tây Bắc trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển; góp phần giữ gìn, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề ra. Qua đó, tuyên truyền, quảng bá với các doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của các tỉnh Tây Bắc, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch; tạo động lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh quá trình xây dựng các khu du lịch trọng điểm của các tỉnh Tây Bắc.
Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Hải Nhung thông tin về Ngày hội
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, ở lần tổ chức này, Ngày hội sẽ lấy chủ đề Sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc. Ngày hội sẽ diễn ra với nhiều nội dung hấp dẫn như trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống của địa phương; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Tây Bắc; triển lãm Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc; thi đấu các môn thể thao dân tộc như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, tu lu, việt dã; tổ chức trưng bày, triển lãm Ảnh đẹp du lịch Tây Bắc năm 2022…
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thuỷ phát biểu ý kiến
Trình bày báo cáo công tác chuẩn bị, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thuỷ cho biết, tỉnh Phú Thọ hiện đang tập trung mọi nguồn lực để có sự chuẩn bị tốt nhất cho Ngày hội. UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã có buổi làm việc để thống nhất dự thảo kế hoạch đăng cai Ngày hội. Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang liên tục phối hợp với các địa phương tham gia để thảo luận phương án tổ chức Ngày hội sao cho phù hợp nhất. Trong thời gian tới, Phú Thọ sẽ tiếp tục ban hành quy chế hoạt động và tiếp tục họp bàn, thống nhất, thành lập BTC ngay tại địa phương. Công tác tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh trước, trong và sau sự kiện. Ông Nguyễn Đắc Thuỷ cũng đề xuất các địa phương cần chuẩn bị các tiết mục văn nghệ đặc sắc nhân dịp Lễ khai mạc cũng như suốt quá trình diễn ra Ngày hội để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hoá, nghệ thuật của người dân.
Các đại biểu nghiên cứu, cho ý kiến về hoạt động của Ngày hội
"Bật mí" về kịch bản Lễ khai mạc, nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ buổi Lễ sẽ lấy chủ đề Cầu vồng trên đất tổ. Chương trình sẽ gồm 3 phần. Phần 1 biểu diễn hát, múa hùng tráng Đất Tổ tôi về. Phần 2 là nghi thức khai mạc, trao lưu niệm của BTC. Phần 3 hứa hẹn sẽ đem lại nhiều cảm xúc cho người xem khi chứa đựng nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hoá. Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng cho biết thêm, kịch bản chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc đã được nghiên cứu kỹ. Các tiết mục sẽ lột tả những nét đẹp văn hoá đặc sắc nhất của các dân tộc vùng Tây Bắc, mang màu sắc rực rỡ.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng BCĐ Ngày hội Trịnh Thị Thuỷ yêu cầu Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022 phải diễn ra tiết kiệm, trang trọng và hiệu quả. Quy mô gắn với các sự kiện chính trị, văn hoá của đất nước, khu vực và địa phương; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác phát triển chính sách, văn hoá, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Ngoài ra, quá trình thực hiện cần đảm bảo tính thống nhất, khoa học, linh hoạt trong công tác chỉ đạo giữa Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Phú Thọ và các tỉnh tham gia Ngày hội. Các hoạt động tổ chức phải được nghiên cứu kỹ, đảm bảo tính đổi mới, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm; tạo không khí vui tươi, phấn khởi, có sự kết nối nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ và các tỉnh tham gia Ngày hội. Để đáp ứng các yêu cầu đặt ra, tỉnh Phú Thọ cùng các tỉnh tham gia Ngày hội cần thường xuyên phối hợp, rà soát các đầu việc phải thực hiện.
Toàn cảnh buổi làm việc
Liên quan đến công tác chuẩn bị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh: “Các chuơng trình thuộc Ngày hội phải được chuẩn bị chu đáo, luyện tập kỹ. Nội dung tiêu biểu, phù hợp và có tính nghệ thuật cao; đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân. Cùng với đó, các hoạt động phải mang tính cộng đồng, đề cao vai trò chủ thể văn hoá, phát huy giá trị văn hoá truyền thống gắn với yếu tố tiến bộ của thời đại”.
Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nêu rõ đơn vị tổ chức cùng các bên liên quan không được phép lơ là, chủ quan. Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phải được thực hiện nghiêm với phương châm thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả. Mục tiêu đặt lên hàng đầu là đảm bảo an toàn sức khoẻ cho đại biểu, người dân khi đến tham dự Ngày hội.
ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN