Tổ chức thực hiện liên thông thư viện: Vẫn đang mạnh ai nấy... chạy

VHO- Chuyển đổi số trong hoạt động thư viện là hướng đi tất yếu nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện, hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Nhờ chuyển đổi số, một lượng lớn cơ sở dữ liệu đã được các thư viện hình thành.

Tổ chức thực hiện liên thông thư viện: Vẫn đang mạnh ai nấy... chạy - Anh 1

 Chuyển đổi số, liên thông thư viện là xu thế tất yếu Ảnh: TVQĐ

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sau khi xây dựng được cơ sở dữ liệu, các thư viện không thực hiện liên thông khiến nguồn tài nguyên này không phát huy được hết tính hiệu quả. Độc giả cũng vì thế không được hưởng hết những tiện ích mà chuyển đổi số thư viện mang lại.

Quá chậm, mang tính tự phát

Liên thông thư viện được hiểu là hoạt động liên kết, hợp tác giữa các thư viện nhằm sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thông tin, sản phẩm, dịch vụ... Trong đó, các thư viện sẽ tổ chức chia sẻ, sử dụng chung nguồn thông tin; liên kết tổ chức dịch vụ thư viện phục vụ độc giả. Theo đại diện Thư viện quốc gia Việt Nam, trong chuyển đổi số, phần lớn các thư viện cả nước hiện nay đã tạo lập, phát triển được cơ sở dữ liệu thư mục. Tuy nhiên, việc chia sẻ dạng tài nguyên thông tin này còn rất hạn chế do nhiều nguyên nhân. Hiện chỉ có khối thư viện đại học đã có sự chia sẻ cho các thư viện khác trong cùng hệ thống, lĩnh vực; thực hiện khai thác chung thông qua các thư viện đầu mối hoặc liên thông giữa các bên.

Dù tạo lập nguồn thông tin dạng số bằng phương pháp hay hình thức nào thì thực tế, phần lớn các thư viện vẫn chỉ khai thác độc lập mà chưa có hoặc ít có cơ chế, chính sách, công cụ để chia sẻ, liên kết với các đơn vị trong cùng hệ thống hay liên hệ thống. Mặt khác, dữ liệu, phần mềm nghiệp vụ của các thư viện không đồng nhất về chức năng, tính năng, không hỗ trợ hoặc không đạt chuẩn nghiệp vụ cũng gây khó khăn không nhỏ cho công tác liên thông.

Phó Giám đốc Thư viện TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Nhã nhận định, vấn đề liên thông thư viện hiện nay còn quá chậm và mang tính tự phát. Việc mượn sách in giữa các đơn vị chỉ dừng lại ở chỗ thấy tiện thì cho, không thì thôi; cũng như chưa có chính sách làm thẻ và mượn sách in liên thư viện. Đối với cơ sở dữ liệu số và tài liệu số hóa thì chỉ mới ở mức chia sẻ đường link, chưa có chính sách quản lý việc chia sẻ như thế nào để định hướng phục vụ dạng tài liệu này một cách bài bản.

Dẫn chứng cụ thể, Giám đốc Thư viện tỉnh Bắc Kạn Hoàng Văn Sơn cho biết, liên thông thư viện luôn là một trong những trăn trở của đơn vị. Hiện nay, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho thư viện còn rất hạn chế. Hạ tầng công nghệ thông tin thậm chí còn có dấu hiệu lỗi thời khiến việc triển khai liên thông gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, nếu đã có hạ tầng nhưng nguồn nhân lực vẫn không đảm bảo, thì việc tiếp nhận, quản trị, vận hành liên thông thư viện và các thiết bị số cũng rất khó thực hiện.

Tổ chức thực hiện liên thông thư viện: Vẫn đang mạnh ai nấy... chạy - Anh 2

 Liên thông thư viện mang lại nhiều tiện ích cho người dùng Ảnh: ĐỖ TÂM

Yêu cầu bắt buộc

TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh, một trong những quy định Luật Thư viện đã nêu rất rõ là thực hiện liên thông. Tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách nhà nước phải được liên thông, chia sẻ giữa các thư viện. Điều này có ý nghĩa lớn vì buộc các thư viện phải chủ động liên kết, hợp tác để sử dụng hợp lý; phát huy hiệu quả giá trị của các tài nguyên, tiện ích, sản phẩm, dịch vụ... Đối với các thư viện lớn, có vai trò quan trọng được nhà nước ưu tiên đầu tư như Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện tỉnh sẽ phải có trách nhiệm chia sẻ tài nguyên cho các thư viện khác nhằm phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp Trần Thị Mỹ Trinh nhận định, trong bối cảnh các thư viện đều gặp khó khăn như hiện nay thì cần chủ động tìm ra giải pháp, từng bước tháo gỡ và kết hợp huy động nguồn lực. Trong đó, các thư viện cần từng bước hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của các dịch vụ thư viện số theo hướng kết nối mạng lưới hiện đại. Đồng thời, chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho hệ thống thư viện nhằm thu thập, tổng hợp, lưu trữ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Qua đó phân tích, đưa ra quyết định trong việc chia sẻ dữ liệu giữa các thư viện trong và ngoài tỉnh; tiến tới hình thành dữ liệu mở phục vụ cho toàn xã hội thông qua cổng dữ liệu mở của toàn hệ thống.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Thanh Nhã cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, nói đến thư viện là phải nói đến cả mạng lưới thư viện chứ không nói đến một đơn vị riêng lẻ. Do đó ông đề nghị cần sớm xây dựng được hệ thống, phần mềm đóng vai trò trục trong liên thông; có cách thức vận hành giống với phần mềm trục liên thông của hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã triển khai cho hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, việc điều phối, liên thông tài liệu giữa các thư viện sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Cùng với đầu tư trang thiết bị, công nghệ, Thiếu tá Đỗ Thu Thơm, Phó trưởng Phòng Văn hóa, Văn nghệ và Thư viện Công an nhân dân (Bộ Công an) đề xuất, cần đặc biệt quan tâm, đào tạo đội ngũ cán bộ thư viện để đảm bảo vận hành, quản lý thư viện hiện đại; trong đó có vấn đề liên thông thư viện. Nhân lực luôn là yếu tố quan trọng quyết định việc duy trì hoạt động của các thư viện. Việc đào tạo, bồi dưỡng bao gồm tăng cường tổ chức các khóa đào tạo về mạng máy tính, trang thông tin điện tử, kỹ năng thực hiện các nghiệp vụ về liên thông thư viện, thậm chí là cả ngoại ngữ… Đội ngũ những người làm công tác thư viện cũng cần chủ động học hỏi, thích ứng với điều kiện và đòi hỏi mới trong hoạt động liên thông thư viện nói riêng và thư viện hiện đại nói chung. 

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc