Tết “Mìn Loóng Phạt” của đồng bào dân tộc Cống ở Nậm Nhùn

VHO - Dân tộc Cống ở xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) là một trong những dân tộc rất ít người có dân số dưới 10 nghìn người ở nước ta. Người Cống nơi đây còn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình thể hiện rõ nét ở phong tục tập quán, nghi lễ, lễ hội, canh tác nông nghiệp.

Tet “Min Loong Phat” cua dong bao dan toc Cong o Nam Nhun - Anh 1

Bản làng của đồng bào dân tộc Cống ở Tang Ngá, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn

Sinh sống lâu đời trên vùng đất Nậm Nhùn của tỉnh Lai Châu, đồng bào dân tộc Cống hình thành, lưu giữ một nền văn hoá phong phú đặc sắc, trong đó Tết “Mìn Loóng Phạt” là một nghi lễ phản ánh sinh động bản sắc văn hoá của người Cống. Đây là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Cống cần được bảo tồn và gìn giữ để thế hệ con cháu tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tết “Mìn Loóng Phạt” của người Cống xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn được tổ chức sau khi đã thu hoạch xong mùa vụ gắn liền với những sinh hoạt của tộc người mang tính cộng đồng. Phần nghi lễ còn giữ được nét văn hóa truyền thống của người Cống với lễ vật dâng cúng mang bản sắc riêng có.

Tết “Mìn Loóng Phạt” cũng là lễ hội cổ truyền lớn nhất trong năm của người Cống, vì thế không khí lễ hội náo nhiệt ngập tràn trong làng bản của người Cống nơi đây.

Tet “Min Loong Phat” cua dong bao dan toc Cong o Nam Nhun - Anh 2

Tết “Mìn Loóng Phạt” của người Cống được chuẩn bị rất chu đáo với không khí vui tươi, phấn khởi

Để đón Tết “Mìn Loóng Phạt” người Cống thường phải chuẩn bị trước 3 đến 4 ngày, không khí nhộn nhịp đến từng gia đình, dòng họ là một ngày trước khi ngày Tết chính diễn ra, tất cả các gia đình trong bản đều chuẩn bị cho ngày đón tết của gia đình và dòng họ của mình sao cho thật chu đáo và vui vẻ nhất. Người lớn trong gia đình sẽ lên rừng kiếm củ, lấy măng, xuống suối bắt cá, lên nương lấy hoa “Đoóc Lanh”, hái nấm, lấy quả bí, gừng ở trên nương chuẩn bị cho Tết “Mìn Loóng Phạt”. Rất nhều món ăn được chế biến từ các sản phẩm tự họ chăn nuôi và trồng cấy để dâng cúng tổ tiên của mình.

Tet “Min Loong Phat” cua dong bao dan toc Cong o Nam Nhun - Anh 3

Hoa “Đoóc Lanh”  là loại hoa không thể thiếu trong Tết “Mìn Loóng Phạt”

Hoa “Mìn Loóng Phạt” hay nói theo phiên âm tiếng Thái là “Đoóc Lanh” là loại hoa không thể thiếu trong Tết “Mìn Loóng Phạt”. Người Cống quan niệm là cây hoa này được ông bà tổ tiên và thần linh ban cho, để làm bạn với các loại cây trồng ở trên nương bảo vệ che chở cho các loại cây trồng khỏi sự phá hoại của sâu bệnh, chim chóc, chuột sóc, thú rừng phá hoại.

Đúng sáng sớm ngày đón Tết “Mìn Loóng Phạt” mọi thành viên trong gia đình, dòng họ ai cũng dậy sớm ra suối gần bản để tắm hoặc gội đầu vì người Cống quan niệm là làm như thế để gội đi những xui xẻo, bệnh tật, vất vả để chuẩn bị đón một ngày mới trong năm.

Mỗi thành viên mang về một ít nước sạch về nhà với hy vọng cầu mong cho sự may mắn, tiếp đó các thành viên người Cống chuẩn bị một mâm cơm để cúng tổ tiên kết thúc một mùa vụ. Khi dâng cúng tổ tiên tất cả mọi thành viên trong gia đình, dòng tộc phải có mặt đầy đủ, cúng tổ tiên xong thì các sản phẩm như lúa, ngô, khoai, sắn, gừng, bí mới được mang về sử dụng.

Tet “Min Loong Phat” cua dong bao dan toc Cong o Nam Nhun - Anh 4

Thầy cúng  thực hiện nghi thức cúng trong Tết “Mìn Loóng Phạt”

Tiến hành nghi lễ, chủ nhà hoặc người có uy tín trong dòng họ sẽ thực hiện nghi lễ cúng tất cả các lễ vật dâng cúng được bày lên mâm và đặt vào nơi thờ cúng tổ tiên, chủ lễ phải là nam giới mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, khi chủ lễ cúng tất cả con cháu trong gia đình phải có mặt và ngồi phía sau chủ lễ.

Đầu tiên chủ lễ đọc lời cúng "hôm nay là ngày lành tháng tốt, con cháu thu hoạch vụ mùa đã xong và chuẩn bị lễ vật thờ cúng cho ông bà, tổ tiên. Lễ vật gồm có hoa “Đoóc Lanh”, lợn, gà, hoa quả, bí xanh, bí đỏ, khoai sọ, gừng, khoai lang, củ đậu mời ông bà tổ tiên về cùng nhau ăn và phù hộ cho con cháu không bị ốm đau bệnh tật, sức khỏe dồi dào, vụ mùa no đủ ngày càng phát triển ổn định".

Lễ cúng kết thúc, chủ lễ cầm cả túm gừng gõ vào trống chiêng một hồi để báo hiệu cho tất cả mọi người tham gia nghi lễ cúng và cộng đồng biết. Mâm cúng được bày ra và các thành viên trong gia đình, dòng tộc và dân bản đến cùng chung vui chúc tụng nhau, cùng uống rượu và đánh trống, chiêng múa hát đón mừng Tết “Mìn Loóng Phạt”. Mọi người cùng nhau múa xòe, mỗi người đeo theo một túi gạo cầm từng nắm tung lên cao quá đầu, để cảm tạ ông bà tổ tiên và các thần linh đã ban cho họ một vụ mùa no đủ và bội thu.

Tet “Min Loong Phat” cua dong bao dan toc Cong o Nam Nhun - Anh 5

Mọi người trong bản cùng tham gia giao lưu vui chơi, múa hát sôi nổi

Vào sáng hôm sau, nghi lễ cúng trước bàn thờ tổ tiên đơn giản hơn, lễ vật dâng cúng gồm cá được cho vào ống nứa lam cùng với gừng, rượu cần đựng trong ống mới, hoa “Mìn Loóng Phạt” được dựng thành lên để mọi thành viên trong gia đình cùng dân bản tham gia vui chơi, múa hát, giải trí, gặp gỡ giao lưu và uống rượu.

Trong suốt thời gian tổ chức Tết “Mìn Loóng Phạt” tại bản làng người Cống tưng bừng tiếng trống, tiếng chiêng, các làn điệu dân ca, hát đối đáp giao duyên cùng với vòng Xòe đoàn kết. Kết hợp với tiếng trống là các nhạc cụ truyền thống bằng ống tre, ống nứa như hưu may, tăng bẳng, tăng bu... sôi động hòa cùng các hoạt động thể thao dân tộc như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ thể hiện sự đoàn kết chặt chẽ của cộng đồng.

Tet “Min Loong Phat” cua dong bao dan toc Cong o Nam Nhun - Anh 6

Vòng Xòe đoàn kết thể hiện sự gắn kết chặt chẽ của cộng đồng

Tết “Mìn Loóng Phạt” không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của người Cống mà còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, tạo thành sợi dây gắn kết cộng đồng người Cống trên khắp bản làng. Qua đó, người Cống thêm niềm tin vào cuộc sống, có tinh thần tương trợ gắn kết, giúp đỡ nhau trong cộng đồng, cùng nhau bảo tồn, phát huy kho tàng tri thức văn hóa dân gian phong phú, từng bước tạo thành sản phẩm hấp dẫn gắn với phát triển du lịch ở Nậm Nhùn.

Việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Tết “Mìn Loóng Phạt” là hoạt động cần thiết và quan trọng, nhằm khích lệ, động viên cộng đồng người Cống nơi đây luôn đoàn kết, hăng say lao động, sản xuất, xây dựng bản làng ngày càng giầu đẹp.

QUỲNH VY; ảnh: HÀ RUỆ

Ý kiến bạn đọc