Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc
VHO- Sáng ngày 9.6 tại Yên Bái, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội thảo phục vụ soạn thảo Đề án “Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo đó, nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1.8.2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10.2.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL xây dựng “Đề án xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045“.
Bên cạnh việc phục vụ xây dựng Đề án, Hội thảo đã thẳng thắn chỉ rõ bất cập trong phát triển thư viện ở một số địa phương thuộc khu vực trung du và miền núi
Khu vực trung du và miền núi phía Bắc bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ. Đây đều là những tỉnh giữ vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư phát triển khu vực trung du và miền núi phía Bắc, trong đó có phát triển văn hóa thông qua việc củng cố, kiện toàn và phát triển các thiết chế văn hóa; đặc biệt là thiết chế thư viện trên địa bàn. Tuy vậy, do điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội, mức độ đầu tư cho hoạt động thư viện tại hầu hết các tỉnh/thành khu vực trung du và miền núi phía Bắc hiện nay còn nhiều hạn chế. Thư viện cấp xã, thư viện cơ sở - một trong những loại hình thư viện gần với nhân dân, thiết thực phục vụ cho hoạt động của cộng đồng còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu đọc sách, tiếp cận tri thức của người dân.
Theo bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), thư viện là một trong những thiết chế văn hóa có từ lâu đời với chức năng nhiệm vụ truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại; phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí; góp phần hình thành và phát triển kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực của người sử dụng thư viện; góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Thư viện có sứ mệnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga phát biểu tại Hội thảo
Việc xây dựng và củng cố mạng lưới thư viện, hiện đại hóa, đổi mới, liên thông thư viện, tổ chức hoạt động thư viện tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được xem là một trong những chính sách quan trọng được thể chế hóa trong Luật Thư viện năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Từ đây, vai trò của thư viện cũng được khẳng định là một trong những lực lượng tiên phong để thúc đẩy xây dựng, phát triển con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Tuy vậy, do điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội, mức độ đầu tư cho hoạt động thư viện tại hầu hết các tỉnh/thành khu vực trung du và miền núi phía Bắc hiện nay còn nhiều hạn chế, thư viện cơ sở (bao gồm thư viện cấp xã và thư viện cộng đồng) - một trong những loại hình thư viện gần với nhân dân, thiết thực phục vụ cho hoạt động của cộng đồng còn chưa được quan tâm phát triển.
Việc phát triển văn hóa đọc những vùng này còn gặp nhiều khó khăn do các thư viện chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức
“Hầu hết các thư viện cấp xã ở những nơi này không có trụ sở độc lập, chủ yếu bố trí ghép trong khuôn viên nhà làm việc của UBND xã, hoặc trong Trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, Nhà Văn hóa xã... Cơ sở vật chất còn nghèo nàn. Đa số các thư viện cơ sở chưa được trang bị đầy đủ tủ sách, giá sách, bàn ghế còn thiếu, cũ, chưa đảm bảo các trang thiết bị thiết yếu cho hoạt động phục vụ bạn đọc. Nguồn tài nguyên thông tin của thư viện cơ sở được xây dựng và phát triển chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hóa và sự giúp đỡ ban đầu của thư viện tỉnh. Mỗi thư viện cơ sở, tủ sách khi được xây dựng có vốn sách ban đầu trung bình từ 100-150 bản. Nguồn sách báo bổ sung chủ yếu dựa vào sự thụ hưởng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia hằng năm và các nguồn xã hội hóa khác”, bà Kiều Thúy Nga thông tin.
Căn cứ tình hình thực tiễn, Hội thảo đã xác định những thuận lợi, khó khăn và rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức hoạt động của các thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc; hướng đến xây dựng các mô hình thư viện cơ sở phù hợp, thiết thực, hiệu quả, linh hoạt gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đồng thời đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sát với thực tế. Trên cơ sở đó, xây dựng Đề án “Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2023.
DUY KHÁNH