Tấm lòng của vị cung nữ cuối cùng với triều Nguyễn
VHO- Bà Lê Thị Dinh, cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn vừa qua đời ở tuổi 102 tại TP Huế. Từ khi bước vào Hoàng cung cho đến khi mất, bà luôn nặng lòng với việc bảo tồn, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn sâu sắc.
Bà Lê Thị Dinh (bìa trái) trong một lần hướng dẫn về cách ăn mặc trang phục trong cung đình xưa Ảnh tư liệu
Đặc biệt, trong nhiều năm liền, bà Lê Thị Dinh đã hỗ trợ thông tin cho các đơn vị nghiên cứu văn hóa, nhiều đoàn làm phim, các chuyên gia nghiên cứu văn hóa trong, ngoài nước khi tìm hiểu, nghiên cứu về Hoàng cung triều Nguyễn xưa.
Năm lên 8 tuổi, bà Lê Thị Dinh được vào cung hầu hạ cho Đức Thánh Cung (tức Khôn Nguyên Hoàng thái hậu, chính thất của vua Đồng Khánh) và Đức Từ Cung (tức Đoan Huy Hoàng thái hậu, vợ vua Khải Định). Sau tháng 8 năm 1945, bà Dinh tiếp tục theo hầu hạ Đức Từ Cung tại cung An Định, rồi chuyển về căn nhà ở địa chỉ 79B Phan Đình Phùng (nay là số nhà 147 Phan Đình Phùng) và chăm lo cho bà Từ Cung đến những ngày cuối đời. Sau khi bà Từ Cung - Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn mất, bà Lê Thị Dinh đến sinh sống tại phủ Kiên Thái Vương (số 179 Phan Đình Phùng) và cùng con trai lo hương khói cho các vị vua triều Nguyễn được thờ phụng tại đây. Ban đầu, bàn thờ phủ Kiên Thái Vương có thờ 4 vị vua: Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Khải Định; đến năm 1997 thì thờ thêm vua Bảo Đại.
Kiên Thái Vương là phủ thờ Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai, cha ruột của 3 vị vua Kiến Phúc, Đồng Khánh, Hàm Nghi. Đồng thời, đây cũng là nơi thờ quận công Ưng Quyến, một trong những người con trai Kiên Thái Vương. Bà Lê Thị Dinh chính là cháu ngoại của quận công Ưng Quyến, cũng là vị cung nữ cuối cùng và nhân chứng sống của Hoàng cung triều Nguyễn. Chồng bà là ông Nguyễn Như Đào, vốn là người lái xe cho vua Bảo Đại. Sau đó, ông Đào đi tập kết miền Bắc và có thêm vợ con, sau năm 1975 thì đưa vợ con trở về Huế. Bà Dinh cứ lặng lẽ một mình nuôi con, chăm cháu và giữ gìn, hương khói tại phủ Kiên Thái Vương. Sau này, gia đình bà xây dựng một căn nhà nằm ngay phía sau phủ để tiện sinh hoạt, trông giữ phủ.
Ông Nguyễn Như Trị (78 tuổi), con trai của bà Lê Thị Dinh thông tin, “khi mẹ tôi còn khỏe mạnh, bà rất nhiệt tình hỗ trợ, cung cấp thông tin đến các nhà nghiên cứu, các đoàn làm phim, phóng viên tìm hiểu về cuộc sống, sinh hoạt trong cung đình triều Nguyễn. Bà qua đời, tôi và con cháu thế hệ sau tiếp tục lo hương khói cho 5 vị vua đang thờ tại phủ Kiên Thái Vương, công việc lặng lẽ như chính cuộc đời của bà suốt mấy chục năm qua”.
Ngay sau khi nhận được thông tin vị cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn qua đời, đại diện chính quyền địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND TP Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các đoàn thể cũng đến chia buồn với gia đình. TS Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Bà Lê Thị Dinh là người hầu hạ Đức Từ Cung nên có nhiều thông tin về đời sống sinh hoạt trong Hoàng cung. Khi nghiên cứu về triều Nguyễn, chúng tôi đã phỏng vấn và nhận được sự giúp đỡ tích cực của bà, qua đó có thêm những thông tin hay về trang phục, cách trang điểm, sinh hoạt trong cung… Năm 2012, trước khi bắt tay thực hiện trùng tu di tích Tả Trà , thuộc cung Diên Thọ (Đại nội Huế), Trung tâm cũng từng có buổi phỏng vấn, tham khảo thông tin từ bà Lê Thị Dinh để đối chiếu các tư liệu, góp phần cho việc xây dựng phương án trùng tu chuẩn xác hơn”.
Thân nhân bà Lê Thị Dinh cho biết, dù đã tuổi cao sức yếu nhưng bà rất nặng lòng với việc hương khói, thờ tự các vị vua, các vị hoàng tộc triều Nguyễn. Gần đây, trong dịp lễ húy kỵ vua Bảo Đại, bà Dinh bị ngã và sức khỏe giảm sút cho đến khi mất. Lễ tang của bà được tổ chức theo phong tục truyền thống của người Huế.
SƠN THÙY