Quản lý minh bạch tiền công đức
VHO- Câu chuyện quản lý thu, chi tiền công đức không chỉ được đặt ra vào mỗi mùa lễ hội, nhưng thực sự lại “nóng” lên mỗi dịp đầu năm khi các lễ hội, di tích đền, chùa lại ngồn ngộn người, kéo theo “bài toán” khó là quản lý minh bạch, chặt chẽ thu, chi tiền công đức.
Người dân công đức tại một di tích
Liên quan vấn đề này, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 04/2023/ TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19.3.2023.
Quy trình tiếp nhận tiền công đức an toàn, minh bạch
Tại văn bản mới nhất được Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) ban hành cũng đã nhấn mạnh yêu cầu đối với các Sở VHTTDL; Sở VHTT; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung tăng cường các biện pháp quản lý việc đặt hòm công đức theo quy định, phân công lực lượng thu gom tránh để xảy ra tình trạng rải (đặt, cài) tiền lẻ, tiền công đức không đúng nơi quy định.
“Tổ chức thực hiện quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội theo quy định tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19.1.2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội”, Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh yêu cầu. Quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích, lễ hội không là chuyện mới nhưng luôn mang tính thời sự. Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN cho biết, lâu nay, GHPGVN cũng như GHPG các tỉnh, thành, các địa phương có lễ hội lớn, các chùa, các địa điểm di tích và lễ hội đều chú trọng tuyên truyền về vấn đề đặt, để tiền công đức của người dân, đặc biệt vào các mùa lễ hội. Qua nhiều năm, đến nay vẫn tồn tại phổ biến hiện tượng người đi lễ rải, rắc tiền lẻ tại các điểm thờ cúng, thậm chí gài tiền lên tay tượng Phật, tạo hình ảnh phản cảm và ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm nơi thờ Phật.
“Tuy nhiên, để khắc phục lại rất khó bởi đây là một thói quen, niềm tin tín ngưỡng của người dân. Chúng tôi vẫn nói rằng người dân nếu có tấm lòng hãy đưa tiền lễ vào hòm công đức để tránh phản cảm, nhưng rõ ràng chuyển biến nhận thức này không thể chóng vánh mà cần có thời gian, cần sự chung tay, vào cuộc và cùng tuyên truyền của toàn xã hội…”, theo Hòa thượng Thích Thanh Quyết. Về việc GHPGVN từng thí điểm cúng dường qua ví điện tử, Hòa thượng Thích Thanh Quyết cho biết, số tiền được chuyển qua kênh này không lớn, bởi người dân vẫn có tâm lý tận tay công đức để thể hiện sự thành tâm. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành, một số người bất đắc dĩ mới cúng dường qua ví điện tử, thế nhưng bối cảnh hiện tại không mấy ai còn dùng đến hình thức này nữa. Công đức khi đi lễ chùa hay tới các cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng là một thói quen từ xưa của người Việt. Công đức là tùy tâm, số tiền mỗi người ủng hộ dù không nhiều nhưng tất cả vẫn sẽ tạo nên một nguồn tiền lớn, đặt ra vấn đề cần quản lý chặt chẽ, công khai minh bạch. Thông tư vừa được Bộ Tài chính ban hành nhằm hướng dẫn quản lý, giám sát, làm minh bạch các khoản thu chi nguồn tiền này; từ đó hạn chế những bất cập nảy sinh.
Thông tư 04/2023/TT-BTC quy định rõ về tiếp nhận tiền công đức, tài trợ. Theo đó, đơn vị được giao thực hiện tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí cho di tích và công tác tổ chức lễ hội có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử. Đồng thời, cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền (tiền mặt) đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung. Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận. Đối với việc tiếp nhận giấy tờ có giá: Mở sổ ghi tên giấy tờ có giá, số tiền ghi trên giấy tờ có giá, tổ chức phát hành. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng giấy tờ có giá, bao gồm thanh toán trước hạn hoặc thanh toán khi đến hạn, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho (nếu có).
Tiếp nhận kim khí quý, đá quý: Mở sổ ghi tên kim khí quý, đá quý và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho cung cấp. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng kim khí quý, đá quý, bao gồm tổ chức bán đấu giá, bán cho ngân hàng thương mại hoặc đưa vào lưu giữ, trưng bày tại di tích, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho (nếu có).
Tránh gây thất thoát tiền công đức
Một số vụ việc gây thất thoát tiền công đức tại lễ hội, di tích đã từng xảy ra trong thời gian qua khiến dư luận xôn xao. Đại diện nhiều BQL di tích, BTC lễ hội cho rằng, một hành lang pháp lý mang tính ràng buộc, nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc quản lý, sử dụng nguồn tiền công đức, tài trợ cho các lễ hội, di tích trong bối cảnh hiện nay là điều cần thiết; tránh tình trạng gây thất thoát, lãng phí hoặc sử dụng thiếu hiệu quả đối với nguồn tiền không nhỏ này.
Thông tư đã đưa ra những quy định đối với việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích, lễ hội... Theo đó, Nhà nước sẽ không quản lý tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Các cơ sở này tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ. Cụ thể, đối với quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, người đại diện cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
Quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích thuộc sở hữu tư nhân, chủ sở hữu di tích tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan. Thông tư cũng quy định cụ thể về tỉ lệ phân bổ và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng; quy định quản lý, sử dụng tiền công đức tài trợ cho di tích giao cho BQL di tích kiêm nhiệm, sử dụng.
Nội dung chi, mức chi bảo vệ và phát huy giá trị di tích (với các khoản chi thường xuyên, chi đặc thù); Quản lý, sử dụng kinh phí tu bổ, phục hồi di tích… cũng được quy định chi tiết tại Thông tư này.
Những di tích trọng điểm ở Nghệ An nộp hơn 25 tỉ đồng tiền công đức |
PHƯƠNG ANH