Quan họ cổ giữa lòng Hà Nội

VHO - Nhóm bạn trẻ thuộc dự án Chèo 48H - Tôi chèo về quê hương đã tổ chức thành công Chương trình Quan họ 48H - Biểu diễn và tái hiện Không gian Văn hóa Quan họ truyền thống tại Văn chỉ làng Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội).

Quan họ cổ giữa lòng Hà Nội - Anh 1

Trải nghiệm với quan họ cổ giữa lòng Hà Nội

Chương trình Quan họ 48H diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn như tham quan gian hàng truyền thống, tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Quan họ, dâng lễ và tái hiện canh Quan họ cổ. Chương trình có các nghệ nhân Quan họ vùng Kinh Bắc đến từ Đoàn Văn hóa Quan họ Tri Âm Tri Kỉ, CLB Quan họ Truyền thống Nhị Hà, các khách mời, các cá nhân tổ chức và hơn 100 khán giả yêu thích văn hóa truyền thống.

Chủ nhiệm Dự án Chèo 48H - Tôi chèo về quê hương Nguyễn Hoàng Hiệp bày tỏ: “Với mong muốn tái dựng và chỉ xê dịch bối cảnh, chương trình có thể mang lại cho khán giả những trải nghiệm tương đối sát với nét văn hóa Quan họ của vùng Kinh Bắc về giữa lòng thủ đô Hà Nội. Tôi mong rằng sự kiện đã tạo ra nhiều điều thú vị và dấu ấn trong lòng khán giả”.

Chương trình tái hiện chân thật, sinh động những nét văn hóa của con người vùng Kinh Bắc. Những học viên của lớp Quan họ trình diễn bộ trang phục truyền thống. Liền anh mặc một cặp áo dài, trong là gấm, ngoài là áo the đen, dưới mặc quần trắng, đầu đội khăn xếp đen. Liền chị với áo mớ ba, khăn đen mỏ quạ đội đầu, chít khăn thành hình búp hoa sen, hai cái thắt lưng thắt khéo tạo hình cánh hoa phía trước.

Quan họ cổ giữa lòng Hà Nội - Anh 2

Khán giả cũng được trực tiếp trải nghiệm trang phục quan họ. Tham dự chương trình, chị Hoàng Linh Sa hào hứng: “Lần đầu tiên được trải nghiệm đội mấn Quan họ, tôi cảm thấy rất thú vị, thoải mái, chụp ảnh rất đẹp. Tôi cũng chưa biết nhiều về Quan họ và đây cũng là cơ hội để tôi trải nghiệm”.

Các nghệ nhân đến từ làng Diềm - ngôi làng nổi tiếng với những làn điệu dân ca Quan họ vùng Kinh Bắc đã khéo léo têm trầu cánh phượng trong sự chiêm ngưỡng thích thú của các bạn trẻ tham dự chương trình. Đặc biệt, chương trình đã tái hiện và biểu diễn những canh Quan họ cổ. Sự phối hợp giữa các bạn trẻ là học viên của lớp Quan họ 48H cùng với các nghệ nhân đã tái hiện đầy cuốn hút những canh hát đặc trưng trên vùng quê Kinh Bắc này. Bằng những nhịp điệu, lời ca cổ, kỹ thuật “vang, rền, nền, nảy”, các anh hai, chị hai quan họ đã lúng liếng, ngân nga những câu dân ca quan họ đằm thắm, thấm đẫm chất tình.

Quan họ cổ giữa lòng Hà Nội - Anh 3

U Hai Như Chính, người trực tiếp giảng dạy lớp học chia sẻ: “Chúng ta đang đứng giữa Hà Nội, tại Văn chỉ của đền Quan Nhân để lan tỏa Quan họ cổ vùng Kinh Bắc nói riêng cũng như văn hóa dân tộc truyền thống nói chung đến với mọi người”.

Các thế hệ trao truyền, tiếp nối

Chương trình Quan họ 48H - Biểu diễn và tái hiện Không gian Văn hóa Quan họ truyền thống là sự kiện tổng kết lớp Quan họ của các học viên trong suốt 15 buổi học do các nghệ nhân giàu kinh nghiệm truyền dạy. Chia sẻ về lý do xây dựng lớp học, anh Nguyễn Hoàng Hiệp bày tỏ: “Tiếp nối truyền thống tám năm, dự án Chèo 48H đã nghĩ ra các lớp học cho người không chuyên tiếp cận với văn hóa truyền thống và vì sự yêu thích, tôi tham gia phối hợp với các bên để tổ chức lớp học này.”

Hiện nay, phong trào đưa văn hóa truyền thống tới gần hơn với đại chúng xuất hiện nhiều trong giới trẻ. Đặc biệt, có nhiều bạn trẻ nỗ lực mang âm hưởng dân gian vào trong các sản phẩm đương đại. Các chất liệu như Xẩm, Chèo, Quan họ… trở thành cảm hứng sáng tác cho các nghệ sĩ. Bên cạnh đó, có những bạn trẻ mong muốn lưu giữ sát nhất những chất liệu cổ, tái hiện và làm sống lại nguyên vẹn những tinh thần mà từng loại hình văn hóa truyền thống để lại.

Quan họ cổ giữa lòng Hà Nội - Anh 4

 U Hai Như Chính chia sẻ: “Lớp trẻ bây giờ rất hào hứng phục hồi truyền thống cổ. Các bạn trẻ nghiêm túc, say mê khai thác văn hóa truyền thống và phục hồi lại lối cổ, tôn vinh những giá trị của nghệ thuật cổ truyền”.

NNƯT Nguyễn Thị Hài bày tỏ: “Chúng tôi rất mừng vì dân ca quan họ Bắc Ninh đã được lan tỏa rộng rãi, có nhiều bạn trẻ yêu thích, đặc biệt đã có những hình thức truyền dạy như các lớp học để tạo cơ hội thưởng thức, trải nghiệm Quan họ cổ. Đấy là điều đáng mừng”.

Để có thể gìn giữ trọn vẹn những giá trị cổ truyền, việc giảng dạy  và trao truyền kiến thức của văn hóa truyền thống nói chung và dân ca quan họ nói riêng vô cùng quan trọng.

Quan họ cổ giữa lòng Hà Nội - Anh 5

Ông Ngô Công Hiển (CLB Văn hóa làng Diềm, Hòa Long, Bắc Ninh) chia sẻ: “Các nghệ nhân cũng như các thế hệ đi trước đều có trách nhiệm gìn giữ, đào tạo các thế hệ trẻ trau dồi kiến thức để những giá trị không bị mai một. Chúng tôi cũng mang trọng trách truyền dạy các thế hệ ở địa phương, các sinh viên trong trường văn hóa nghệ thuật, ngoài ra còn lan tỏa đến 63 tỉnh thành. Làng Diềm là cái nôi quan họ, làng quan họ gốc, đủ khả năng, bài vở từ xưa để lại để có thể truyền đạt, kết nối các thế hệ tương lai, mai sau.”

BÙI TRÀ MY - TÂM VŨ

Ý kiến bạn đọc