Phát triển mô hình “liên hiệp thư viện tại Việt Nam: Muốn đi xa phải đi cùng nhau
VHO- Với sự phát triển mạnh mẽ của mô hình “liên hiệp thư viện” trên thế giới, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả thư viện và bạn đọc, việc phát triển mô hình này tại Việt Nam cũng được xem như một hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, hoạt động liên hiệp thư viện ở nước ta nhìn chung phát triển khá muộn, mờ nhạt và chưa đa dạng các hoạt động.
Việc liên hiệp thư viện sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả bạn đọc và thư viện
Hướng đi cho sự phát triển bền vững
Liên hiệp thư viện là mô hình phổ biến trong lĩnh vực thư viện từ những năm 1960 và phát triển mạnh mẽ với nhiều hoạt động khác nhau. Từ năm 2007, chỉ riêng tại Mỹ đã có khoảng 200 liên hiệp thư viện. Nhiều nước trên thế giới cũng tập trung phát triển mô hình này như Canada, Hy Lạp, Hàn Quốc…
Về mô hình, đây có thể hiểu là liên hiệp giữa các thư viện học thuật trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố hoặc giữa các thư viện công cộng ở một khu vực địa lý, hay giữa các thư viện trường THPT. Trong hoạt động liên hiệp, tùy theo sự thỏa thuận giữa các đơn vị, có thể bao gồm một hoặc nhiều các hoạt động phổ biến như chia sẻ biểu ghi thư mục mô tả tài liệu thống nhất, mượn liên thư viện, phát triển bộ sưu tập in ấn, mua quyền dùng chung các cơ sở dữ liệu tạp chí khoa học hoặc sách điện tử, tập huấn kiến thức nghề nghiệp và chia sẻ các dịch vụ thư viện.
Nhìn từ góc độ này có thể thấy, liên hiệp thư viện đã trở thành mô hình giúp phát triển nhanh, bền vững cho thư viện. Nếu hình thành nên những liên hiệp thư viện, bạn đọc có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tài nguyên thông tin phong phú; giúp các thư viện phát triển số lượng tài liệu trong bối cảnh nguồn kinh phí hoạt động còn hạn hẹp. Dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng theo các chuyên gia, mô hình liên hiệp thư viện tại Việt Nam nhìn chung phát triển chưa như kỳ vọng, vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Thậm chí, số lượng thư viện tham gia liên hiệp còn có dấu hiệu giảm, dẫn đến bạn đọc không được hưởng nhiều dịch vụ, tiện ích từ mô hình này.
Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Vương, Giám đốc Trung tâm học liệu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này là do vẫn còn tâm lý các thư viện lớn ngại liên hiệp với các thư viện nhỏ vì phải dành nhiều sự hỗ trợ hơn. Cùng với đó, các thư viện lớn thường cho rằng họ ít nhận được lợi ích từ các thư viện nhỏ khi tham gia liên hiệp. Ngân sách hoạt động quá eo hẹp cũng là một trở ngại khiến nhiều đơn vị không mặn mà trong quá trình thỏa thuận, liên hiệp với nhau.
Người sử dụng có thể truy cập đến bộ sưu tập của các thư viện thành viên nhờ mục lục liên hợp
Cần sự chủ động
Ông Vương cho hay, cần duy trì, phát triển các hoạt động của hình thức liên hiệp thư viện hiện có. Các hội nghề nghiệp và liên hiệp tiếp tục đa dạng hóa hoạt động để thu hút thêm nhiều đơn vị tham gia, thúc đẩy phát triển thư viện Việt Nam hội nhập với thế giới. Trong đó, tập trung triển khai, phát triển thư mục trực tuyến dùng chung, tổ chức mượn liên thư viện giữa các thư viện thành viên, trao đổi người làm thư viện làm việc ngắn hạn để học tập kinh nghiệm lẫn nhau…
Đặc biệt, cần phát triển liên hiệp thư viện đa dạng theo hướng mạnh dạn, chủ động thành lập hoặc tham gia liên hiệp giữa các thư viện trong và ngoài nước, tùy theo nhu cầu và mục tiêu phát triển của đơn vị mình. Các hội nghề nghiệp và các thư viện đầu ngành phải đóng vai trò quan trọng; chủ động đề xuất đến các Bộ, ngành liên quan để hỗ trợ tài chính, thành lập các mạng liên hiệp mua quyền truy cập tài liệu khoa học trực tuyến và phát triển các hoạt động liên hiệp.
Về quản trị mạng liên hiệp thư viện, các liên hiệp cần tính đến phương án thành lập Ban Điều hành để đội ngũ Giám đốc thư viện tìm được tiếng nói chung, nhằm tăng sức mạnh thương lượng với nhà cung cấp cũng như lập kế hoạch, điều hành và đánh giá toàn diện hoạt động của các liên hiệp. Vấn đề công nghệ quản trị thư viện cần được đầu tư bài bản, khoa học để đạt được sự đồng bộ. Bản thân các thư viện cũng nên chuẩn bị các ứng dụng công nghệ theo hướng chuẩn hóa và tích hợp.
Theo TS Đỗ Tiến Vượng (Trường ĐH Giao thông Vận tải), các thư viện, đặc biệt thư viện trường học cần chủ động, tăng cường hình thành các liên hiệp thư viện để tiến hành đàm phán với các NXB. Từ đó, mua được tài liệu với giá hợp lý và tiến hành chia sẻ thông qua việc cho mượn giữa các thư viện, giúp thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của người dùng dịch vụ thư viện. Như vậy, mục đích chính của liên kết, chia sẻ là nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí, nhằm giúp các thư viện, với một nguồn kinh phí cho phép, hoàn toàn có thể thỏa mãn tốt nhất nhu cầu thông tin của bạn đọc.
TS Đỗ Tiến Vượng chia sẻ, trong bối cảnh các thư viện lấy bạn đọc làm trung tâm, hoạt động liên hiệp thư viện sẽ giúp cải thiện chất lượng và đa dạng hóa các dịch vụ thông tin - thư viện nhờ việc chia sẻ nguồn lực thông tin, cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm quản lý dịch vụ. Người sử dụng có thể truy cập đến bộ sưu tập của các thư viện thành viên nhờ mục lục liên hợp. Mục lục này được xây dựng trên cơ sở cổng thông tin và tích hợp dịch vụ thông tin - thư viện của các thư viện thành viên.
ĐÌNH TOÁN