Nữ thủ thư khuyết tật giành giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI

VHO - Với nghị lực phi thường và niềm tin vào cuộc sống, Trần Thúy Nga đã vượt lên nghịch cảnh của bản thân, tạo dựng “gia tài đồ sộ” là không gian đọc sách miễn phí. Hành trình của cô gái bị khuyết tật đã chạm vào trái tim để truyền động lực cho mọi người.

Ngày 4.4, nữ thủ thư khuyết tật Trần Thúy Nga, người thành lập và quản lý “Thư viện miễn phí Thúy Nga” ở xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ đã vinh dự nhận được giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI do Bộ VHTTDL trao tặng trong Lễ Tổng kết và trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI và phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024.
Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc là giải thưởng được Bộ VHTTDL tổ chức hằng năm từ năm 2018, nhằm tôn vinh những đóng góp quý báu, động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực cho việc phát triển văn hóa đọc tại Bộ, ngành, địa phương, các vùng, miền và trong cộng đồng.

Nữ thủ thư khuyết tật giành giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga trao giải thưởng cho chị Trần Thúy Nga, người thành lập và quản lý Thư viện miễn phí Thúy Nga (xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ). Ảnh: NVCC

Bộ VHTTDL đã có văn bản hướng dẫn việc xét tặng Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc từ tháng 11.2023 và nhận được 78 hồ sơ của các tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng, trong đó có 36 hồ sơ tập thể và 42 hồ sơ cá nhân. Hội đồng xét tặng Giải thưởng đã công tâm lựa chọn và trình Bộ VHTTDL trao tặng giải thưởng cho 17 tập thể và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển văn hóa đọc. Trong đó, tỉnh Nghệ An có đại diện duy nhất được nhận giải thưởng này là chị Trần Thúy Nga sinh năm 1985 ở xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ). 

Nữ thủ thư khuyết tật giành giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI - Anh 2

Nữ thủ thư Thúy Nga chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo, cán bộ Vụ Thư viện Bộ VHTTDL và Thư viện Nghệ An. Ảnh: NVCC

Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, lên 14 tuổi căn bệnh viêm đa khớp quái ác, chân tay co cứng khiến chị Trần Thúy Nga phải gắn bó cả đời với chiếc xe lăn, chữa bệnh, việc học hành cũng dang dở vào năm lớp 7. Sinh ra không biết mặt cha, cuộc hôn nhân của mẹ đổ vỡ, người bố đã bỏ đi khi Nga chưa lọt lòng. Thúy Nga phải nghe những lời dị nghị, dèm pha ác ý khi lớn lên, đi học. Số phận lại thêm nghiệt ngã khi đẩy Nga vào căn bệnh hiểm nghèo. Ngày tháng tăm tối và bất lực từng nhấn chìm một cô bé tràn đầy năng lượng vào tuyệt vọng.
Thương cô em gái phải chịu cảnh tật nguyền, chị gái đã mua cho chị Nga nhiều cuốn sách để quên đi nỗi buồn. Những cuốn sách chính là “liều thuốc” giúp Nga hồi sinh. Đặc biệt, cuốn tự truyện “Không gục gã” của nhà văn Nguyễn Bích Lan đã truyền động lực cho Nga.
Từ số sách truyện của chị gái đang làm việc trong miền Nam gửi về, tháng 1.2004, Nga mở một cửa hàng cho thuê sách truyện nhỏ. Số tiền thu được từ cho thuê sách được chị dùng để mua sách mới. Khi số lượng đầu sách lớn dần, chị Nga không cho thuê sách nữa mà còn thuyết phục mọi người đến đọc, mượn sách miễn phí để khuyến khích mọi người đọc đa dạng hơn.

Nữ thủ thư khuyết tật giành giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI - Anh 3

Bạn đọc tại "Thư viện miễn phí Thúy Nga"

Từ một cửa hàng cho thuê sách nhỏ, một thư viện cộng đồng đã được dần được hình thành với hàng nghìn bản sách. Đến nay, thư viện của chị có hơn 8.000 bản sách. Hằng năm, số sách được mượn thường xuyên là gần 1.000 bản.
Trải qua gần 20 năm, thư viện Thúy Nga ngày càng phát triển, thu hút được nhiều độc giả, trở thành điểm đến quen thuộc của các em nhỏ. “Giờ đây, khi nhắc lại chuyện số phận ngày nào, tôi không còn ôm mặt khóc nữa mà đã biết học cách chấp nhận, vui vẻ với những gì đang có. Suốt chặng đường từ ngày mở thư viện đến nay, tôi đã đọc qua hàng nghìn cuốn sách, đối với chị đọc sách chính là duy trì nhựa sống hằng ngày. Chính những cuốn sách đã cứu rỗi chị trước vũng lầy tuyệt vọng sau khi gặp phải bạo bệnh làm mất khả năng đi lại. “Người phải sống, sách cũng phải sống. Giở sách ra đọc giúp tôi sống tốt hơn và cũng giúp quyển sách không bị giết chết”, chị Nga tâm sự.

Nữ thủ thư khuyết tật giành giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI - Anh 4

Chị Trần Thúy Nga cùng bạn đọc tại Thư viện

Không những thế, chị Nga còn tự học vẽ tranh, viết báo, học tiếng Anh thông qua internet.. những bức tranh của Nga mang đầy ánh sáng hy vọng, ước mơ về một ngày mai tươi đẹp hơn. Nhìn những bức tranh lấp lánh của Nga, không ai có thể tin được tác giả của nó là một cô gái có bàn tay co quắp, cầm cọ không chắc
Để có thu nhập, tự nuôi sống bản thân, Thúy Nga đã chăm chỉ bán hàng online là các sản phẩm tự nhiên của quê hương như mật ong, quế... số tiền lãi có được, chị lại tìm mua các đầu sách mà bạn đọc cần mà thư viện chưa có. Giá trị tiền sách Nga mua và sách được tặng gửi về mỗi tháng dao động từ 3 đến 5 triệu đồng. Số sách bạn đọc mượn thường xuyên khoảng trên dưới 1.000 cuốn.
Hành trình lan tỏa văn hóa đọc, chưa lúc nào chị cảm thấy “hụt hơi” và có ý định bỏ cuộc. Đã có nhiều bạn cùng cảnh ngộ nhờ chị tư vấn để mở thư viện cộng đồng, chị đều nhiệt tình hướng dẫn và gửi tặng sách để giúp thư viện bạn có những đầu sách khai trương.  Nga lại trở thành người đi chữa lành cho những phận đời. Giờ đây, cô gái có ý chí “thép” đã có một gia tài sách đồ sộ. Thúy Nga cũng được các đơn vị tài trợ, xây dựng thư viện mới gồm dãy nhà cấp 4 rộng rãi, khang trang chuẩn bị khánh thành.

Nữ thủ thư khuyết tật giành giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI - Anh 5

Biết được hoàn cảnh và thư viện của chị Nga, nhiều đơn vị đã đến tặng sách

Mỗi ngày, Nga vẫn cặm cụi ngồi trên xe lăn đóng gáy sách để giữ sách được bền hơn. Tay đau, khớp cứng, nhưng Nga vẫn cứ bận rộn như vậy, không còn thời gian để buồn nữa. Để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng tại nơi ở và nhiều địa phương lân cận, chị còn lập 1 fanpage trên mạng xã hội Facebook mang tên “Thư viện miễn phí Thúy Nga”, thường xuyên đăng tải hình ảnh bạn đọc đến mượn sách.

Với những nỗ lực trong duy trì hoạt động thư viện cộng đồng, năm 2021, chị Trần Thúy Nga được nhận Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào Thanh niên tình nguyện năm 2021 và là gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được vinh danh trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”.
Trong các năm 2022, 2023, chị được mời tham gia làm Ban giám khảo Cuộc thi chia sẻ câu chuyện “Tôi làm việc tốt” do Trung tâm Tình nguyện Quốc gia tổ chức. Năm 2023, chị được mời làm Đại sứ truyền thông cho Cuộc thi ảnh về người khuyết tật với chủ đề “Lăng kính yêu thương”.

PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc