Nữ đạo diễn “Xoè Thái- Tinh hoa miền di sản" làm “Sài Gòn- Dòng sông kể chuyện”
VHO- Mất hơn một năm nghiên cứu, xây dựng kịch bản chương trình lễ hội sông nước TP. HCM, nữ đạo diễn Lê Hải Yến mang đến cho công chúng nhiều kỳ vọng, xen lẫn sự tò mò. Lê Hải Yến cũng đã ghi dấu ấn thành công với chương trình “Xoè Thái- Tinh hoa miền di sản” tại lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Họp báo về chương trình lễ hội sông nước TP. HCM
“Sài Gòn- Dòng sông kể chuyện” là chương trình thực cảnh đồ sộ với quy mô hơn 600 diễn viên, lần đầu tiên được diễn ra trên chính mặt sông Sài Gòn - dòng sông hoài niệm gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Gia Định - Sài Gòn – TP. HCM, gắn với hình ảnh thương cảng quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, và là một biểu tượng sống động của lịch sử khẩn hoang, mở mang bờ cõi của người Việt.
Chương trình dự kiến gồm 5 chương: Khẩn hoang, Mở Cõi, Trên bến dưới thuyền, Hòn ngọc Viễn Đông, Rực rỡ thành phố bên sông… Lịch sử hình thành, phát triển của Sài Gòn sẽ dần hiện lên rõ nét, như những thước phim điện ảnh sống động, tinh tế và đặc sắc. Chương trình nghệ thuật thực cảnh được đầu tư công phu này do Newday Media thực hiện cùng sự tham gia của ekip các đạo diễn, chuyên gia, cố vấn, nghệ sĩ tên tuổi như: Tổng đạo diễn Lê Hải Yến, Cố vấn kỹ thuật - Đạo diễn ánh sáng Phạm Hoàng Nam, Tổng biên đạo múa: NSƯT Thanh Hằng, Đạo diễn âm nhạc - Nhạc sĩ Mạnh Tiến, Cố vấn trang phục - NTK Việt Hùng, Cố vấn văn học - Nhà báo Phạm Công Luận…
Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Sài Gòn – Dòng sông kể chuyện” sẽ gói trọn cả dòng chảy lịch sử vắt qua nhiều thế kỷ lẫn mạch nguồn văn hóa nghệ thuật truyền thống, tác động đến mọi giác quan của người xem, đưa những “hạt vàng ròng” tinh hoa bản nguyên, độc đáo của mảnh đất Gia Định – Sài Gòn – TP. HCM đến với du khách. Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cho biết, cô đã dành hẳn một năm trời để nghiên cứu về lịch sử của TP. HCM qua rất nhiều cuốn sách lịch sử, khảo cứu..., tìm gặp các chuyên gia, các nhà sử học nổi tiếng của thành phố như: PGS.TS. Nhà sử học Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Bàng; nhà báo Phạm Công Luận, mệnh danh là người lưu giữ ký ức phố thị của Sài Gòn...
Nữ đạo diễn Lê Hải Yến chia sẻ về những ý tưởng trong chương trình
“Trong gần một năm đó, tôi nghiên cứu, tìm hiểu, du khảo trong các không gian lịch sử, chìm đắm trong những ký ức rực rỡ của Gia Định - Sài Gòn – TP. HCM và xưa hơn nữa, cũng như để thấu hiểu được tận tường về mạch nguồn của dòng chảy và con nước tại sông Sài Gòn. Tôi muốn đây không chỉ là một chương trình nghệ thuật, mà là một thước phim sống động được kể trên một dòng sông thật, với bến cảng, con người, tàu thuyền thật, và những câu chuyện chân thật đầy cảm xúc được nâng tầm thành nghệ thuật. Tôi muốn để dòng sông tự kể nên câu chuyện của mình, về những dòng ký ức chuyển lưu qua nhiều thế hệ, nhiều cuộc tiếp biến văn hóa; về câu chuyện của một dòng sông đã góp phần giúp cho Sài Gòn từ một vùng đầm lầy chiêm chũng trở thành một thương cảng quốc tế sầm uất nhất khu vực; một dòng sông đã kết nối thành phố này với các nền văn hóa trên khắp các châu lục để tạo nên một bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng mà không nơi nào trên dải đất hình chữ S này có được...”, nữ đạo diễn chia sẻ.
Mong muốn mỗi người dân Sài Gòn sẽ thấy mình trong câu chuyện, sẽ thấy bóng dáng của cha ông và thế hệ tiền nhân trong câu chuyện, sẽ du ngoạn bằng mọi giác quan cùng câu chuyện, nữ đạo diễn Lê Hải Yến cho biết, công nghệ, thủ pháp nghệ thuật được sử dụng chỉ nhằm duy nhất một mục đích là đem lại cảm xúc và chạm đến trái tim của khán giả. Để rồi mỗi khán giả sẽ có được câu trả lời rằng chúng ta nên ứng xử thế nào với dòng sông này.
Lễ hội sông nước cùng chương trình nghệ thuật thực cảnh sông nước lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo chưa từng có, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch TP. HCM trên bản đồ điểm đến của du khách quốc tế. Đêm nghệ thuật thực cảnh sẽ sử dụng công nghệ 3D, mapping lên toàn bộ phần sàn của bối cảnh trên bờ; hệ thống nhạc nước lập trình theo âm nhạc; hệ thống ánh sáng được tính toán công phu, chi tiết theo từng tiết mục. Để tạo ra được những hình ảnh chân thật nhất, trong màn khẩn hoang, ekip đạo diễn phải đi lục tìm lại những chiếc ghe bầu cổ từ miền Trung, phục dựng lại những cánh buồm xưa. Tới màn chợ nổi, hơn 40 chiếc xuồng ba lá và tam bản được huy động để tái hiện khung cảnh chợ hoa bến Bình Đông ngày Tết. Màn diễu hành với hơn 30 tàu thuyền du lịch, từ cano, thuyền buồm, tàu nhà hàng, tàu du lịch, water bus… sẽ là hình ảnh ẩn dụ cho sự phát triển phồn thịnh mà ngành du lịch mang lại cho dòng sông Sài Gòn. Chương cuối là một bữa tiệc toàn bích của các công nghệ trình diễn hiện đại bậc nhất với hệ thống đèn lazer công suất lớn, màn trình diễn flyboard đặc sắc, kết hợp cùng phần trình diễn drone show và pháo hoa trên trời cùng ánh sáng từ hàng chục tàu thuyền lớn trên sông.
Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ 1 năm 2023 là dịp khơi dậy tình yêu quê hương và niềm tự hào của chính người dân thành phố về lịch sử ngàn đời của cha ông trên vùng đất này. Đem lại nguồn cảm hứng và những khám phám trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách về bản sắc văn hóa, về những điều đặc biệt nhất của TP.HCM qua các thời kỳ, lễ hội sẽ giúp phát huy tiềm năng vốn có và khai thác tối đa giá trị kinh tế, văn hóa, du lịch của dòng sông Sài Gòn; thúc đẩy truyền thông và quảng bá về các làng nghề truyền thống, các biểu tượng du lịch và điểm đến văn hóa, giải trí đặc trưng nhất của Thành phố, giúp định vị thương hiệu đô thị sông nước giàu bản sắc của TP.HCM.
"Tôi đã dành gần một năm để đi du ngoạn trên các dòng sông, gặp gỡ các nhà “Sài Gòn học” lắng nghe câu chuyện lịch sử của vùng đất này, từ đó, tên gọi “Sài Gòn - Dòng sông kể chuyện” ra đời. Đại thực cảnh được diễn ra trên một dòng sông thật, một thương cảng thật, những con thuyền thật, con người thật, bối cảnh thật và những câu chuyện thật cùng cảm xúc chân thật nhất được nâng tầm thành nghệ thuật. Tôi cũng không cố gắng để tạo ra một câu chuyện mà chính dòng sông ấy đã chứa trong mình rất nhiều những câu chuyện để kể. Tôi chỉ tạo ra một bối cảnh, không gian, tôi sắp đặt mọi thứ để dòng sông tự kể nên câu chuyện của mình…".
Đạo diễn Lê Hải Yến
NGÂN ANH