Những người “canh giữ” di tích xuyên Tết

VHO - Trong khi nhiều người được sum vầy bên gia đình đón năm mới thì những người bảo vệ ở các điểm di tích Huế lại tăng cường “canh giữ” di tích xuyên Tết. Với họ, đó không chỉ là trách nhiệm công việc mà đã trở thành một phần của cuộc sống; được góp phần bảo vệ và giữ gìn di sản là niềm tự hào…

Những người “canh giữ” di tích xuyên Tết - Anh 1

 Ông Hoàng Anh Cường hướng dẫn du khách tham quan tại di tích Thế Miếu, khu di sản Huế

Quần thể di tích Cố đô Huế với hàng chục di tích nằm ở khu vực Kinh thành và bên ngoài Kinh thành Huế, từ trung tâm TP Huế đến các khu vực phía Tây Nam, nơi xa nhất cũng đến hơn 20 cây số. Bảo vệ và giữ gìn di sản của thế giới, di tích cấp quốc gia đặc biệt là nhiệm vụ thường ngày, nhưng vào những kỳ nghỉ lễ, Tết là đặc biệt quan trọng.
Đón Tết ở di tích
Những ngày giáp Tết này, ông Hoàng Anh Cường, 58 tuổi, bảo vệ ở di tích Thế Miếu bên trong khu di sản Hoàng cung Huế thường xuyên chú ý canh trực, đón tiếp du khách tham quan và dâng hương; đồng thời, khảo sát quanh dọc khuôn viên di tích để kiểm tra những vấn đề bất thường, đảm bảo an toàn cho khu vực di tích. 
Suốt gần 30 năm làm công tác bảo vệ ở các di tích, ông Cường cảm thấy nhiệm vụ “canh giữ” di tích trong những ngày Tết đã trở thành công việc thường nhật. Tết Nguyên đán Giáp Thìn này, ông Hoàng Anh Cường sẽ đảm nhận ca trực bảo vệ di tích vào đúng ngày mồng Một, được nghỉ một ngày để ăn Tết cùng gia đình rồi lại tiếp tục ca trực. “Những năm đầu, khi nhận công việc và được phân công trực Tết ở di tích, bản thân tôi cũng có chút hụt hẫng nhưng sau đó thấy bình thường vì đó là nhiệm vụ của nhân viên bảo vệ cũng là nghĩa vụ bảo vệ di tích của công dân. Ai cũng muốn ngày Tết sum vầy bên gia đình, cùng đón Giao thừa với những người thân yêu. Nhưng công việc của mình rất đặc thù, nhiều anh em khác cũng phải tạm gác việc nhà để cùng bảo vệ, giữ gìn di tích ngày Tết”, ông Cường chia sẻ.
Tại di tích Thế Miếu có hai ca trực với 8 người, mỗi ca có 4 bảo vệ trực suốt 24 giờ, sau đó sẽ luân phiên thay đổi. Thế Miếu là nơi thờ các vị Vua triều Nguyễn, du khách không chỉ để đến tham quan di tích mà còn rất nhiều người đến dâng hương nên đội ngũ bảo vệ ở đây phải thường xuyên canh trực, hướng dẫn du khách lối đi lại và các vị trí để dâng hương, nhằm không ảnh hưởng đến không gian di tích và đảm bảo công tác an toàn PCCC. Khác với ông Cường bảo vệ trong khuôn viên di tích Thế Miếu, anh Phạm Đình Trí Mạnh (35 tuổi) hiện là nhân viên thuộc Tổ bảo vệ Kinh thành, với công việc trên phạm phi khá rộng tại khu vực quảng trường Ngọ Môn và di tích Kỳ Đài. Quê nhà ở Quảng Nam nhưng suốt 10 năm qua anh Mạnh đều xung phong ở lại tăng cường trực Tết ở khu di sản Huế. “Ai cũng có gia đình, cũng muốn về quê để sum vầy, nhưng nếu mình xin nghỉ để về thì các anh em khác sẽ phải tăng lịch trực nhiều hơn và cũng rất vất vả bởi những ngày Tết số lượng khách đến khu di sản Huế rất đông. Mình ở lại cũng sẽ góp phần đỡ “gánh nặng” cho các anh em bảo vệ khác. Thường trước hoặc sau Tết, mình mới tranh thủ xin nghỉ phép mấy ngày để về quê thăm người thân”, anh Mạnh cho biết.
Năm nay, anh Mạnh cũng trực bảo vệ từ ngày 30 đến mồng 4 (chỉ nghỉ ngày mồng 3). Đêm Giao thừa, sau khi hoạt động biểu diễn nghệ thuật và bắn pháo hoa kết thúc, mấy anh em tổ trực cùng nhau bày biện món bánh, mứt để cùng nhau chúc mừng năm mới và đón Tết rồi lại thực hiện công việc ở khu di sản Huế. 

Những người “canh giữ” di tích xuyên Tết - Anh 2

 Bảo vệ làm nhiệm vụ ở cổng Hiển Nhơn, cổng phía Tây của khu di sản Hoàng thành Huế

Tăng cường lực lượng trong dịp Tết
Điểm đặc biệt ở Quần thể di tích Huế là mở cửa đón khách tham quan xuyên Tết, trong đó ba ngày Tết Nguyên đán sẽ mở cửa miễn phí các điểm di tích. Cùng với đó là các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật, các hoạt động trải nghiệm vui xuân… để phục vụ nhu cầu của cộng đồng nhân dân và du khách dịp đầu năm mới. Theo thống kê của các năm trước, chỉ trong ba ngày mồng 1, 2, 3 di sản Huế đã đón hơn 50.000 lượt khách. Dự kiến năm nay, lượng du khách còn tăng cao nên công tác tổ chức các sự kiện cũng như nhiệm vụ bảo vệ di tích càng phải được chú trọng hơn.
Ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết công tác đón tiếp phục vụ du khách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 có nhiều điểm mới khi có thêm các công trình di tích trọng điểm vừa hoàn thành và mở cửa đón khách tham quan là điện Thái Hòa, điện Kiến Trung. Cùng với đó sẽ có nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật tổ chức ở các điểm di tích; đặc biệt, trong 3 ngày đầu năm, các điểm di tích sẽ đón khách tham quan miễn phí. Trung tâm đã xây dựng kế hoạch và tăng cường nhân lực làm việc trong những ngày Tết, kể cả các cán bộ quản lý, lực lượng nghệ sĩ, kỹ thuật, vệ sinh cảnh quan…; trong đó, đội ngũ bảo vệ làm việc 24/24h và tăng cường cảnh giác, đặc biệt là tại những di tích có không gian trưng bày cổ vật. 
Hiện nay, nhân viên bảo vệ của toàn bộ Quần thể di tích Cố đô Huế là 154 người. Dịp Tết năm nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ huy động khoảng 85-90% quân số để làm nhiệm vụ bảo vệ di tích, riêng tại khu vực Đại Nội sẽ huy động 100% với khoảng 80 bảo vệ. “So với những năm trước thì lực lượng phục vụ, làm việc trong dịp Tết Giáp Thìn sẽ tăng lên rất nhiều. Tăng ở đây không phải đơn thuần về quân số mà trung tâm vận dụng linh hoạt lực lượng trực những ngày Tết, sau đó sẽ thu xếp để nhân viên bảo vệ được nghỉ bù luân phiên sau đợt cao điểm này. Đối với những nhân viên bảo vệ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình ở xa, nhà neo người…, nếu có nguyện vọng thì đơn vị sẽ xem xét để có cách bố trí thời gian làm việc phù hợp. Thực ra, ai cũng mong muốn cùng người thân sum vầy đón năm mới nhưng đặc thù công việc nên cùng đón Tết ở các di tích. Lực lượng bảo vệ cũng thấu hiểu để cùng chung tay bảo vệ và gìn giữ di sản”, ông Lê Công Sơn thông tin với Báo Văn Hóa.
Ông Lê Công Sơn cũng cho biết, đối với các điểm di tích ở xa, Trung tâm cũng đã có các phương án, biện pháp để đảm bảo an ninh an toàn cho du khách. Đặc biệt là các điểm du lịch tâm linh như lăng Gia Long, đàn Nam Giao, điện Huệ Nam (điện Hòn Chén)…, du khách thường đến dâng hương nên đơn vị tăng cường lực lượng bảo vệ trực tối đa để đáp ứng yêu cầu du khách và đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Những ngày này, lực lượng bảo vệ ở các di tích đã khảo sát, kiểm tra lại hệ thống cổng, cửa, khóa… ở từng điểm. Công tác đảm bảo an toàn cho các cổ vật, hiện vật đang được trưng bày tại các không gian di tích cũng được triển khai chặt chẽ, nhất là những ngày trước Tết thường xảy ra tình trạng trộm cắp. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc