Những “cây đào tâm nguyện” từ Hà Nội
VHO- Hằng năm, cứ đến ngày 22 tháng Chạp, vợ chồng ông Nguyễn Nhân Đạo và bà Nguyễn Thanh Hà ở bãi Tân Bồi Lô Trôi, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội) thuê xe ô tô chở 2-3 cây đào đẹp nhất trong vườn đào hàng trăm cây của mình vào cung tiến để tưởng nhớ Bác Hồ tại Khu di tích Kim Liên, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An).
Cây đào cung tiến được đặt trang trọng trong Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Khu di tích Kim Liên Ảnh do Khu di tích Kim Liên cung cấp
Khi nhận được thông tin này từ bạn đọc, chúng tôi có trao đổi với Ban giám đốc Khu di tích Kim Liên và được xác nhận. Ngay sau đó, chúng tôi liên lạc với chủ nhân vườn hoa Phương Linh ở ngoài đê sông Hồng là bà Nguyễn Thanh Hà. Bà Hà (53 tuổi) kể chuyện này trong lúc chồng bà là ông Nguyễn Nhân Đạo (55 tuổi) đang tìm, chọn cây đào đẹp nhất ngoài vườn đào để chuẩn bị cho chuyến cung tiến cây đào đẹp nhất vào Khu di tích Kim Liên đúng ngày 22 tháng Chạp, như thường lệ.
Theo bà Hà, việc cung tiến cây hoa đào đẹp nhất này được thực hiện đã hơn mười năm nay. Sở dĩ, việc cung tiến vào ngày 22 tháng Chạp là bởi đây là mùa cây đào nở rộ và là ngày giỗ của bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ. Đây cũng là lúc không khí Tết Nguyên đán đang về trong Khu di tích Kim Liên, quê Bác. Những cây đào cung tiến được tuyển chọn kỹ lưỡng trong vườn đào hơn 500 cây mà du khách thường ghé vào chụp ảnh, trước khi hai vợ chồng ông Đạo đem bán phục vụ dịp Tết. Có năm, do thiên tai, bão lũ mùa trồng đào thất bát nên không có cây đào đẹp nhất thì vợ chồng ông Đạo đến những vườn hoa nổi tiếng khác để tìm mua cây đào thật ưng ý cho việc cung tiến.
Cây đào thứ hai được đặt trên thềm vào Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Khu di tích Kim Liên
Năm 2011, vợ chồng ông Đạo cung tiến một cây đào thế là “tác phẩm” đắt giá trong một cuộc thi cây cảnh ở Hà Nội. “Sở dĩ chúng tôi coi trọng việc cung tiến những cây đào đẹp nhất tại Khu di tích Kim Liên, nơi tưởng niệm cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác là để thỏa ước tâm nguyện đúng ngày 22 tháng Chạp hằng năm”, bà Hà xúc động nói. Trong lúc đó, ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Kim Liên cho hay: “Những cây đào cung tiến của gia đình ông Đạo, bà Hà được chúng tôi đặt tại vị trí trang trọng nhất trong Nhà tưởng niệm Bác tại Khu di tích và trong vườn cây quanh Khu di tích. Rất nhiều du khách trong, ngoài nước sau khi thắp nén hương viếng Bác đều ngắm và tấm tắc khen những cây đào này”.
Cây đào thứ ba được đặt gần Cây đa do Cố TBT Trường Chinh trồng lưu niệm, cạnh lối vào Nhà tưởng niệm Bác Hồ
Bà Hà cho biết thêm một chi tiết khá thú vị về việc cung tiến “cây đào tâm nguyện” này. Bà nói: “Trước đây, gia đình tôi từng cung tiến những cây đào đẹp nhất vào Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng khi cung tiến cần thiết phải có một số thủ tục theo quy định nên về sau chúng tôi nghĩ cách cung tiến vào Khu di tích Kim Liên, quê Bác cũng gửi gắm được tâm nguyện của chính mình”. Từ việc cung tiến cây đào, bà Hà kể về lý do thực hiện tâm nguyện này: “Đời ông cụ của chồng tôi đã làm nghề trồng đào. Sau ngày giải phóng Thủ đô, nghề trồng đào còn nhiều cực nhọc lắm. Do đất ít, cụ tôi phải trồng đào trong sọt tre, không như bây giờ mùa trồng nhiều hơn 500 cây, mùa ít khoảng 300 cây. Đó cũng là dịp các cụ trong xã có ước vọng là nhân dân làng hoa Nhật Tân kính dâng lên Bác Hồ một cành đào đẹp để nói thay tấm lòng của người dân Hà Nội đối với sự thanh cao, chí thiện của Bác”. Câu chuyện tiếp theo có nhiều chi tiết rất cảm động của Bác đối với người dân Nhật Tân và nghề trồng đào. Cũng theo lời bà Hà, bây giờ, chồng bà nối nghiệp trồng đào gia truyền nên mỗi khi nghĩ đến nghề trồng đào, nhìn thấy cây đào nở hoa giữa mùa Tết là gia đình nghĩ đến tâm nguyện cung tiến cây đào đẹp nhất để tưởng nhớ tình cảm thân thương của Bác Hồ đối với người dân quê Nhật Tân ở Hà Nội.
Khi chúng tôi viết những dòng này thì gia đình ông Đạo, bà Hà đã chuyển ba cây đào đẹp nhất, cung tiến vào Khu di tích Kim Liên, lần thứ 12, đúng ngày 22 tháng Chạp.
VŨ TOÀN