Người "nặng lòng" với nghề dệt thổ cẩm đồng bào Chăm

VHO - Suốt hơn 50 qua, nghệ nhân Long Thị Nhang, 71 tuổi, người Chăm, sống tại xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận thầm lặng bên khung dệt để tạo ra những thước vải quý, qua bàn tay chăm chỉ, khéo léo của mình.

Người

Nghệ nhân Long Thị Nhang

Nghệ nhân Long Thị Nhang cho biết: “Trước đây, nghề dệt thổ cẩm ở Bình Thuận khá phát triển, hầu hết phụ nữ Chăm ở đây ai cũng biết đến dệt thổ cẩm để may trang phục cho gia đình. Tuy nhiên, công nghệ dệt may ngày càng hiện đại, tạo ra vô số các loại vải, sản phẩm từ vải tràn ngập thị trường nên nghề dệt thổ cẩm trở nên lạc hậu. Cũng chính nghề dệt, may công nghiệp “lên ngôi” nên nhiều người Chăm tại Bình Thuận đã từ bỏ nghề dệt thổ cẩm vì không sống được với nghề”.

Nghệ nhân Long Thị Nhang bắt đầu học nghề dệt thổ cẩm từ năm hơn 10 tuổi từ cha mẹ, đến nay, đã hơn 50 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Trong suốt hơn 50 năm qua, bà đã trải qua với bao thăng trầm cùng nghề dệt và khó khăn trong cuộc sống nhưng chưa một ngày bà ngừng làm việc bên khung dệt của mình. Trong ngần ấy năm với nghề dệt, chính tay bà đã tạo ra hàng nghìn bộ trang phục truyền thống của đồng bào Chăm - trang phục không thể thiếu trong các lễ hội của người Chăm.

Người

Nghệ nhân Long Thị Nhang giới thiệu trang phục truyền thống đồng bào Chăm

Nghệ nhân Long Thị Nhang tâm sự: Hiện nay, sản phẩm dệt thổ cẩm rất khó bán ra thị trường nên thu nhập của nghệ nhân dệt mỗi ngày chỉ được 150.000 – 200.000/ngày công. Trước đây, xã Phan Hiệp (Bình Thuận) có rất nhiều nghệ nhân dệt thổ cẩm, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng vài chục nghệ nhân theo nghề. Lớp trẻ người Chăm bây giờ không chịu học nghề dệt vì thu nhập thấp là điều dễ hiểu, nhưng đây là điều đáng buồn”.

Nhận thấy nghề dệt đang dần mai một, nghệ nhân Long Thị Nhang càng cố gắng làm việc nhiều với nghề dệt thổ cẩm. Một mặt bà vận động con cháu trong xã không được từ bỏ nghề dệt, mặt khác bà thường xuyên chỉ dạy cho con cháu về các kỹ thuật dệt và sống được bằng nghề dệt. Theo đó, rất nhiều người nghe lời bà quay lại nghề dệt làm việc chăm chỉ và cũng đã có thu nhập, tuy là không cao.

Theo nghệ nhân Long Thị Nhang: “Dệt thổ cẩm là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm, nghề dệt thổ cẩm mai một là một phần văn hóa Chăm đang dân mất đi. Vì vậy, nếu không lưu giữ thì văn hóa Chăm ngày càng bị bào mòn”.

Bằng cách vận động của nghệ nhân Long Thị Nhang hiện nay, dòng họ, người thân của bà đã có trên 30 người quay lại với nghề dệt thổ cẩm.  Một số con em của bà đã tìm cách đa dạng hóa các sản phẩm từ dệt thổ cẩm như: may túi sách, túi đựng điện thoại, trang phục du lịch từ vải thổ cẩm để bán cho du khách. Qua đó, sản phẩm từ thổ cẩm đã được tiêu thụ nhiều hơn, thu nhập của nghệ nhân cũng được nâng lên.

Người

Các sản phẩm truyền thống người Chăm do chính nghệ nhân Long Thị Nhang làm ra

Nói về mong muốn của mình, nghệ nhân Long Thị Nhang cho biết: Trước mắt, tôi mong muốn các Sở, ngành, địa phương ở Bình Thuận quan tâm nhiều hơn nữa đến văn hóa đồng bào các dân tộc, đặc biệt là văn hóa Chăm. Cần có các chính sách hỗ trợ để đội ngũ nghệ nhân dệt có cuộc sống tốt hơn, tận tâm với nghề. Ngoài ra, cần hỗ trợ xây dựng làng nghề, trong đó có nghề dệt, tìm đầu ra và đa dạng hóa sản phẩm dệt thổ cẩm để nâng cao đời sống cho nghệ nhân và người lao động.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc