Người Mường ở Kon Tum vui Tết “Độc lập”
VHO - Cứ mỗi dịp Lễ Quốc khánh 2.9, người Mường ở thôn Hào Lý, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) lại rộn ràng tổ chức ngày hội. Đối với cộng đồng người Mường nơi đây, Tết Độc lập là Tết lớn thứ 2, sau Tết Nguyên đán cổ truyền.
Tết Độc lập 2.9 là dịp để người Mường ở thôn Hào Lý, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) trình diễn các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình
Đã 32 năm rời xa quê hương Hoà Bình vào vùng đất Sa Loong lập nghiệp theo diện đi kinh tế mới (năm 1991), người Mường ở thôn Hào Lý vẫn luôn duy trì phong tục tổ chức ngày Tết Độc lập chào mừng dịp lễ Quốc khánh 2.9.
Ông Bùi Thanh Xuân (75 tuổi) là người già nhất ở thôn Hào Lý cho biết, kể từ ngày Quốc khánh đầu tiên 2.9.1945, đến nay đã gần 80 năm trôi qua, cứ mội dịp lễ 2.9 hàng năm, cộng đồng người Mường ở cả nước nói chung và người Mường ở thôn xã Sa Loong đều duy trì phong tục tổ chức ăn mừng. Đối với họ, đây không chỉ là dịp để con cháu học tập, làm ăn xa trở về quay quần bên gia đình, bên thôn, làng mà hơn cả, đó là sự tri ân đối với Đảng và Bác Hồ.
“Vào ngày Tết Độc lập, từ người già đến trẻ nhỏ ai nấy đều phấn khởi, vui mừng đón chào. Thời khắc quây quần bên nhau, mọi người sẽ ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc. Dân làng cùng nhau tâm sự, sẻ chia sau một năm tất bật với nương rẫy và cùng tham gia các trò chơi dân gian. Không chỉ nâng cao đời sống tinh thần cho bà con, đây cũng là dịp để tình đoàn kết giữa các dân tộc keo sơn hơn. Việc tổ chức Tết Độc lập, thứ nhất, là vui cho làng xóm để tích cực sản xuất, thứ hai nữa là duy trì vấn đề truyền thống dân tộc Mường của chúng tôi để cho con cháu sau này lưu giữ truyền thống văn hoá của dân tộc Mường”, ông Xuân nói.
Các nam thanh, nữ tú biểu diễn điệu múa sạp truyền thống
Ngay từ sáng, Nhà văn hóa thôn Hào Lý đã rộn ràng những thanh âm của lễ hội, bởi bà con trong thôn đã tề tựu về đây để cùng chung vui Hội làng Mường. Trong bộ trang phục truyền thống, cộng đồng người Mường cùng tham gia biễu diễn tiết mục múa xòe, múa sạp, cùng với các trò chơi dân gian như xích đu, ném còn, bịt mắt bắt vịt… Hòa chung không khí tươi vui, rộn ràng là những hoạt động biểu diễn dân ca, dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương, lan tỏa bản sắc dân tộc. Tất cả đều được tái hiện tạo một không khí phấn khởi, đầm ấm, mang đậm nét truyền thống của dân tộc Mường.
Mọi người thích thú với trò chơi bịt mắt bắt vịt
Bà Đinh Thị Quý ở thôn Hào Lý phấn khởi cho hay: “Người Mường chỉ có 2 cái Tết chính thôi, tết to nhất là Tết cổ truyền, thứ hai là Tết độc lập. Chúng tôi làm thế này để tưởng nhớ tới Bác Hồ, cảm ơn Đảng, Chính phủ đã dành cho người dân cả nước, cũng như người dân tộc Mường chúng tôi là được ấm no, hạnh phúc”.
Còn đối với em Bùi Thị Kiều Loan, thôn Hòa Bình, xã Sa Loong, Tết Độc lập là dịp để thế hệ trẻ trải nghiệm với những giá trị văn hoá mà dân tộc Mường đã và đang giữ gìn. “Là người con sinh ra trên mảnh đất Mường em rất tự hào về bản sắc của dân tộc mình. Là thế hệ trẻ em rất mong là đến dịp Lễ này để em được tham gia hoạt động và trải nghiệm để biết nhiều hơn về bản sắc dân tộc mình và đó cũng là niền tự hào đối với em”, Loan nói.
Các chàng trai, cô gái trổ tài thi ném Còn
Ông Nguyễn Hữu Bảng, Chủ tịch UBND xã Sa Loong cho biết, thôn Hào Lý có 143 hộ với 576 nhân khẩu, trong đó toàn bộ đều là người Mường sinh sống. Người Mường ở thôn Hào Lý vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc như văn hóa cồng chiêng, hát ru, hát đối, hát bộ mẹng... Đây là tài sản văn hóa đặc biệt quý giá, góp phần quan trọng trong nền văn hóa đa sắc tộc vùng Tây nguyên nói chung, cộng đồng các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng.
Theo ông Nguyễn Chí Tường, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi, huyện hết sức ủng hộ các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung, dân tộc Mường nói riêng bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống. Đối với Tết Độc lập của người Mường ở thôn Hào Lý, xã Sa Loong thì đây là năm thứ hai tổ chức với quy mô lớn. UBND huyện đã hỗ trợ 20 triệu đồng cho bà con tổ chức ngày hội.
“Ngày hội trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, là nơi để người Mường và các dân tộc trên địa bàn gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi, huyện đã có kế hoạch và đang triển khai xây dựng thôn Hào Lý thành làng du lịch cộng đồng thứ 2, sau làng du lịch cộng đồng Đăk Răng, xã Đăk Dục. Từ năm 2023 - 2025 sẽ triển khai, kết hợp với các tour tại khu vực biên giới, cột mốc 3 biên và nghĩa trang các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn, cửa khẩu quốc tế Bờ Y… nhằm giới thiệu, quảng bá văn hoá truyền thống, điểm đến của địa phương đến gần hơn với du khách gần xa.
NGỌC HOÀ