Người giữ gìn bản sắc văn hóa nghệ thuật của đồng bào Khmer
VHO- Về huyện Gò Quao tỉnh Kiên Giang hỏi Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Danh Bê ai cũng biết đến ông trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa nghệ thuật của đồng bào Khmer. Du tuổi đã cao nhưng đến nay ông vẫn tích cực trao truyền những nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer cho con cháu của mình.
Ông bầu nghiệp dư
NNƯT Danh Bê đang hướng dẫn động tác múa cho các con cháu của mình
NNƯT Danh Bê sinh năm 1955, ở ấp Hòa Thiện, xã Định Hòa, huyện Gò Quao. Ông được biết đến là người sử dụng được nhiều loại nhạc cụ Khmer và sáng tác kịch bản, dạy múa Khmer. Sinh ra trong một gia đình vốn có truyền thống yêu nghệ thuật Khmer, từ ông nội và cha đều là những người sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ và trình diễn các điệu múa, bài hát Khmer.
Ở cái tuổi 66, các động tác của ông Danh Bê thị phạm cho con cháu, rất uyển chuyển, chuyên nghiệp mà ít ai biết được ông chưa qua khóa đào tạo nào mà chỉ từ đam mê và tự học. Từ nhỏ ông Danh Bê đã yêu nghệ thuật Khmer và tham gia vào những phong trào Phum, Sóc của chùa trong xã với những bài ca, điệu múa nhân dịp lễ, Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer. Năm 1965 ông tham gia với đoàn Dù kê của xã, đến năm 1976 tham gia đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang. Năm 1978 ông về địa phương thành lập đội văn nghệ ấp, và sáng tác kịch bản, dạy các điệu múa và tham gia các hội thi, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh.
Ông Danh Bê tâm sự: Ngay từ nhỏ, tôi đã thích những điệu múa Rô băm, hát kịch Dù kê. Niềm đam mê ca hát đã thôi thúc tôi tham gia vào các phong trào và cũng từ đây tôi đã đạt những giải thưởng và được nhiều người biết đến với bài hát "Tình Bác sáng mãi” đã để lại nhiều dấu ấn qua các kỳ hội thi, hội diễn…
NNƯT Danh Bê (đứng thứ nhất từ phải qua) đón nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú
Ngoài những kiến thức về nghệ thuật dân gian Khmer được cha ông truyền dạy, ông Danh Bê còn nghiên cứu, học hỏi tự làm được các loại nhạc cụ, các loại mặt nạ trong sân khấu Rôbăm, sáng tác kịch bản các bài múa dân gian truyền thống như: Múa áp sa ra, múa rô băm, múa sa dâm, múa gáo… Ông đang lưu giữ những di sản văn hóa phi vật thể như: Đờn cò, đờn gáo, đờn tranh, ống sáo, song lan, giàn trống, đầu khỉ, đầu chằng, đầu ngựa…
Cũng theo lời ông Danh Bê, xã hội phát triển kéo theo các loại hình nghệ thuật mới cũng xuất hiện nhiều. Thấy lớp trẻ không còn mặn mà với những điệu múa Rô băm, Dù kê ông đã tập hợp con cháu lại tham gia múa hát và thành lập đội văn nghệ Khmer sinh hoạt thường xuyên. Ông đã hướng dẫn từng động tác và dạy múa hát cho từng người con, sau đó có "đội quân” hùng mạnh ông thành lập “gánh hát” gia đình. Đây là gánh hát có một không hai trong tỉnh Kiên Giang. Ở Hội diễn Văn nghệ quần chúng tỉnh Kiên Giang năm nào cũng có gia đình, con cháu ông gần 20 người tham gia. Bài hát “Kiên Giang ngày mới” được ông dàn dựng kết hợp giữa 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer thể hiện tinh thần đoàn kết, do các con cháu của ông thể hiện tại Hội diễn năm 2018 đã mang lại ấn tượng tốt đẹp với khán giả.
Vào các kỳ hội thi, hội diễn là sân nhà ông mỗi buổi tối, lại rộn ràng tiếng nhạc lời ca. Ông tuyền dạy cho con cháu nghệ thuật hát Dù kê: diễn chằn ra sao, làm thế nào để lột tả được vai công chúa… Ông hướng dẫn rất kỹ cho các cô gái động tác của những điệu múa truyền thống dân tộc như Sarikakeo, Sa-vông… bà con trong ấp hằng đêm lại kéo đến nhà ông xem gia đình ông tập dượt. Tiếng đờn, lời ca của gánh hát gia đình ông, cộng thêm tiếng vỗ tay không ngớt của bà con làm một vùng quê nghèo thêm rộn ràng vui vẻ.
Năm 2011, gánh hát đội văn nghệ Khmer của ông được xã Định Hòa chọn tham dự tại Liên hoan văn nghệ quần chúng toàn quốc 11 xã điểm mô hình nông thôn mới được tổ chức tại Quảng Nam. Gánh hát gia đình của ông đã đạt 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc và xếp thứ 4 trong 11 xã tham dự. Cứ thế, bộ sưu tập thành tích của đội ngày càng dày thêm. Năm 2015, ông được Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tặng bằng khen về giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống.
NNƯT Danh Bê vẫn còn say mê với diệu múa Khmer
Lưu truyền nghệ thuật Khmer
Điều khiến NNƯT Danh Bê luôn suy nghĩ là làm sao lưu truyền những điệu múa Rô băm, vở kịch Dù kê cổ cho thế hệ sau này. Ông muốn truyền lại tất cả những gì tích lũy được, để con cháu sau này lưu giữ. Ông bắt đầu chọn những vở kịch Dù kê hay như: "Thạch Sanh chém chằn”, "Tấm Cám”, "Tam Tạng thỉnh kinh”… để phân vai cho các con diễn cùng. Đội văn nghệ Khmer của ông là nòng cốt cho phong trào xã, nhất là những dịp lễ Tết của đồng bào dân tộc Khmer như: lễ hội Chôl Chnăm Thmây, Ok-om-bok… hay Ngày hội văn hoá thể thao du lịch dân tộc Khmer của tỉnh tổ chức hàng năm tại huyện Gò Quao. Các đạo cụ để sử dụng trên sân khấu cũng do ông tự làm vì kinh phí còn hạn hẹp. Mong muốn của ông là thành lập được nhiều đội văn nghệ Khmer, được hỗ trợ về nhạc cụ, âm thanh để đội văn nghệ Khmer phục vụ tốt hơn và nhiều hơn nữa cho bà con. Sau mỗi vụ mùa ông lại tập hợp con, cháu trong Phum, Sóc lại nhà để truyền dạy những động tác, điệu múa Khmer diễn sao cho đúng và có hồn đúng với bản sắc của đồng bào Khmer.
Trong số những diễn viên hát hay có cô con gái của ông Thị Hai, ông luôn tin rằng, tre già thì măng mọc, con cháu phải gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật Khmer. Thị Hai tâm sự: Mỗi dịp được cha dạy hát, em đều chăm chú theo dõi sau đó bắt chước theo cho đúng động tác. Em mê nghệ thuật Khmer hồi nào cũng không hay. Không chỉ người thân trong gia đình, ai muốn học múa, hát Khmer cha em đều nhiệt tình truyền dạy.
Tiết mục “Kiên Giang ngày mới” do toàn con cháu gia đình NNƯT Danh Bê tham gia biểu diễn
Hiện nay, NNƯT Danh Bê vẫn tích cực tham gia dàn dựng các tiết mục hát múa Khmer cho các con cháu, cùng tham gia vào phong trào của xã, huyện. Số người ông đã truyền dạy trên 200 người, trong đó phần đông là con cháu ông sinh sống trong xã.
NNƯT Danh Bê chia sẻ: Được công nhân Nghệ nhân ưu tú tôi cảm thấy rất vinh dự, từ đó càng phải cố gắng hơn nữa trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, để truyền dạy lại cho thế hệ con cháu sau này để chúng yêu thích nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình.
Ông Nguyễn Chí Công, Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện Gò Quao cho biết: Đội văn nghệ Khmer của NNƯT Danh Bê và các con cháu của ông đã có nhiều đóng góp cho thành tích của xã, huyện, nhất là trong việc giữ gìn nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer. Mỗi khi có hội thi, liên hoan “gánh hát” gia đình của ông đều tham gia. Gánh hát gia đình NNƯT Danh Bê luôn "đắt sô" nhất là các dịp lễ hội Ok-om-bok, Dolta, Chôl Chnăm Thmây, hát đua ghe ngo… Ngoài diễn phục vụ bà con trong xã, gánh hát của gia đình ông còn lưu diễn các địa phương khác như huyện Giồng Riềng, Châu Thành…
Nhà nghiên cứu dân gian Đào Chuông, Phân hội Trưởng phân hội dân gian tỉnh Kiên Giang cho biết: Nghệ thuật Dù kê của đồng bào Khmer đang bị mai một nếu không có chính sách kịp thời sẽ khó bảo tồn được loại hình nghệ thuật này như: Sưu tầm nghiên cứu và quảng bá nghệ thuật Dù kê, tổ chức sáng tác kịch bản Dù kê mới; mở lớp truyền nghề cho thế hệ trẻ; có chế độ chính sách cho loại hình nghệ thuật Dù kê; thường xuyên tổ chức liên hoan, hội diễn... Gia đình NNƯT Danh Bê và các con cháu luôn phấn khởi, khi thấy việc múa hát của mình có ý nghĩa trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa của đồng bào Khmer. Chính sự say mê này đã góp phần làm phong phú thêm cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói chung.
THẾ HẠNH