Người đảng viên Cơ Tu đam mê bảo tồn văn hóa dân tộc

VHO- Với những cái tên mà bà con yêu mến đặt cho như: “Người Cơ Tu minh triết”, “Vua ba kích” và danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, già làng Bh’Ríu Pố là tấm gương sáng để mọi người học tập, kính trọng và tin yêu. Dù ở cương vị nào, người đảng viên ấy cũng không ngừng học tập và làm theo lời Bác, để bản thân, gia đình và dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Người đảng viên Cơ Tu đam mê bảo tồn văn hóa dân tộc - Anh 1

Già làng Bh’Ríu Pố đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu

 Kiên định theo lời Bác dạy

Già làng Bh’Ríu Pố (thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam) được khá nhiều người biết đến, bởi ông không chỉ là người Cơ Tu đầu tiên có bằng tốt nghiệp đại học mà còn nổi tiếng với biệt danh “Vua ba kích”. Sinh ra trên vùng núi cao Tây Giang, nhưng Bh’Ríu Pố đã sớm đến với con đường học hành. Năm 1977, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chuyên ngành Sinh vật học, sau đó về làm việc tại huyện Hiên (nay là huyện Tây Giang và Đông Giang). Trải qua nhiều vị trí công tác, từ giáo viên, cán bộ phòng Giáo dục huyện, đến Bí thư, Chủ tịch xã, năm 2005, ông Bh’Ríu Pố quyết định xin nghỉ chế độ, một phần để nhường cơ hội cho thế hệ trẻ phát triển, phần khác ông mong muốn dành thời gian nghiên cứu cách thoát nghèo cho gia đình mình và bà con thôn bản.

Tốt nghiệp Khoa Sinh vật, lại đam mê sưu tầm các bài thuốc hay, ông hiểu tường tận những vị thuốc dân gian truyền thống. Ngay từ khi còn đi dạy, ông đã mày mò lên núi tìm cây “thuốc giấu” của đồng bào Cơ Tu vốn đã thất truyền. Cơ duyên đến với ông vào năm 2003 khi ông gặp TS Ngô Văn Trại (Viện trưởng Viện Dược liệu) đang đi tìm một số cây thuốc quý. Ông đã hăng hái tham gia đoàn của TS Trại, lang thang trên dãy Trường Sơn, nơi vốn được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều loại dược liệu; trong đó, việc tìm ra cây ba kích tím là khởi đầu cho những thành công sau này của ông và bà con dân bản.

Tìm ra giống cây quý, nhưng làm thế nào để cây sinh sôi, nảy nở không phải là câu chuyện dễ dàng. Ông Bh’Ríu Pố tâm niệm, “mình không làm thì sao biết có thành công không, mà không thành công thì đồng bào làm sao tin lời mình nói? Thế nên, muốn diệt giặc đói để gia đình có cuộc sống ấm no, đồng bào có cuộc sống ấm no thì mình phải làm trước thì đồng bào mới nghe theo!”

Nghĩ sao làm vậy, ông bèn đưa ba kích rừng về gây giống. Ban đầu bà con cho rằng ông “điên” vì đây là cây của trời của đất, sao người có thể trồng. Ông nói với họ: “Nếu tôi trồng mà cây sống thì bà con điên như tôi nhé!”. Để thuyết phục bà con, vợ chồng ông ngày nào cũng lang thang trong rừng để tìm ba kích, củ thì mang bán còn dây thì ươm. Kiên trì trồng đi trồng lại, và rồi thành công cũng đến với ông. Không như ông nghĩ ban đầu, ba kích là loại cây dễ trồng, dễ sống, không phải bón phân, chăm sóc nhiều. Với giá 500.000 đồng/kg củ thu mua tại vườn, mỗi năm gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng. Ông trở thành người đầu tiên ở Quảng Nam làm giàu từ dược liệu này.

Tìm được hướng đi, ông bèn giúp người dân xung quanh thoát nghèo: “Bác Hồ khuyên chúng ta phải diệt giặc đói. Đói nghèo là khổ, là nhục, do đó phải thoát nghèo, phải làm giàu để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như lời Bác dạy”. Trước đây, bà con thôn bản chỉ làm rẫy, trồng ngô, sắn, lúa… Vì ba kích là cây ưa bóng râm, nên ông thuyết phục bà con cứ trồng sắn đến đâu thì trồng ba kích tới đó. Do được ưu ái về thổ nhưỡng, khí hậu nên sản phẩm ba kích nơi đây rất được ưa chuộng, trồng đến đâu được thu mua hết đến đó, thậm chí còn “cháy hàng” nên thu nhập của bà con ngày càng cao.

Với quan niệm thời gian là vàng bạc, ông luôn tận dụng mọi lúc mọi nơi để làm việc. Ngoài cây ba kích, gia đình ông còn mở rộng diện tích vườn đồi để xây dựng mô hình kinh tế trang trại, kết hợp trồng thêm nhiều loại cây ăn quả như bưởi, quýt, cam, tavak… Ông còn cải tạo khe suối làm ao nuôi cá, chăn nuôi bồ câu, bò và các loại gia cầm khác. Mỗi năm, thu hoạch từ trang trại mang đến cho gia đình ông nguồn thu khoảng 200-300 triệu.

Nhờ trồng ba kích kết hợp chăn nuôi gia súc, nuôi cá, trồng sắn, nên đời sống bà con xã Lăng ngày càng đầy đủ, ấm no. Anh Cơ Lâu Thái Ngọc, người dân địa phương cho biết, trước đây gia đình anh chỉ trông chờ vào mấy sào rẫy trồng ngô, thỉnh thoảng đi làm thuê theo mùa vụ, vì vậy nghèo đói cứ đeo bám quanh năm. Sau khi được sự giúp đỡ của ông Bh’Riu Pố, anh đã khởi nghiệp thành công từ mô hình trồng ba kích. Hiện gia đình anh đã có của ăn của để từ vườn ba kích rộng gần 5 ha, thu nhập bình quân 150-180 triệu đồng/năm.

Người đảng viên Cơ Tu đam mê bảo tồn văn hóa dân tộc - Anh 2

 Những tác phẩm điêu khắc sinh động trên bậu cửa Gươl

Đam mê bảo tồn văn hóa dân tộc

Không chỉ làm kinh tế giỏi, già làng Bh’Ríu Pố còn là một Nghệ nhân Ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc. Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà gỗ có rất nhiều tác phẩm điêu khắc, già làng Bh’Ríu Pố cho hay, bố ông là nghệ nhân điêu khắc dân gian, nên ngay từ bé, ông đã được sống giữa môi trường nghệ thuật sinh động. Cỏ cây, hoa lá, muông thú, cảnh sinh hoạt hằng ngày được khắc họa sinh động trên mái nhà, cột kèo, bậu cửa Gươl, trên nhà mồ, nương rẫy luôn có sức hút mãnh liệt với ông.

Những năm tuổi thơ, ông theo bố đi khắp các buôn làng, đục đẽo từng thân cây cho đến khi thành những tác phẩm hoàn chỉnh. Lớn lên, với “đôi tay vàng” và kỹ năng điêu khắc thuần thục, ông đã đến rất nhiều bản làng từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế đến các tỉnh Tây Nguyên để trạm khắc Gươl, nhà Rông, nhà mồ... Ông cũng từng đoạt nhiều giải thưởng về điêu khắc, trong đó có giải nhất với tác phẩm Mẹ rừng tại Hội trại sáng tác điêu khắc tượng gỗ người Cơ Tu được tổ chức tại Đà Nẵng năm 2019. Đến nay, ông đã có trong tay hàng trăm tác phẩm tượng, phù điêu, cột lễ… mang âm hưởng đời sống tâm linh và thể hiện tình yêu đại ngàn mãnh liệt của người Cơ Tu.

Không chỉ giữ gìn mà ông còn nỗ lực phát huy và truyền dạy những giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Mỗi khi lập làng, làm Gươl, ông thường dạy thanh niên trong làng điêu khắc và hướng dẫn họ vị trí cần đặt. Ông quan niệm: “Phải dạy trực tiếp, phải cầm tay chỉ việc thì người học mới thấm, mới ngấm, mới nhanh biết làm”.

Nhiều năm trong cương vị Chủ tịch UBND xã và Bí thư xã, ông đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó có việc truyền dạy cho lớp trẻ biểu diễn trống chiêng, các điệu dân ca, dân vũ, các nghề thủ công như đan lát, dệt thổ cẩm cùng các phong tục tập quán của dân tộc mình. Ông cùng các nghệ nhân, già làng và bà con phục dựng thành công nhà sàn truyền thống, nhà dài và Gươl, phục dựng cây nêu Cơ Tu nguyên bản tại “Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu” huyện Tây Giang.

Anh Bh’Ríu Tích (thôn Arớh, xã Lăng) cho biết, anh được già làng Bh’Ríu Pố truyền dạy cho nghề điêu khắc, đến nay đã có thể chạm trổ được một số hoa văn, họa tiết ở Gươl. Anh cũng đã học được những điệu dân vũ như múa Tung tung da dá để biểu diễn ở các lễ hội và phục vụ khách đến thăm các làng du lịch cộng đồng ở xã, huyện.

Nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đi đầu trong việc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, già làng Bh’Ríu Pố đã được tặng rất nhiều danh hiệu, bằng khen, giấy khen như danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, bằng khen: “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong 10 năm liền (2000-2010)”; “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam”…

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc