Nét hoa nghề Hội An

VHO- Tối qua 15.7, TP Hội An đã khai mạc sự kiện “Nét hoa nghề Hội An” tại Công viên Đồng Hiệp nhằm tôn vinh các nghề truyền thống, đồng thời giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước những tinh hoa, khả năng sáng tạo của người Hội An trong lĩnh vực nghề, sản phẩm thủ công và tiểu thủ công nghiệp.

Nét hoa nghề Hội An - Anh 1

Đêm khai mạc với các tiết mục ca ngợi nghề truyền thống Hội An

Chương trình nghệ thuật dân gian khai mạc được xây dựng với những tiết mục ca ngợi nghề truyền thống Hội An, trình diễn nghề, hát hò khoan đối đáp, điệu múa Tung tung da dá của người Cơ Tu...

Sự kiện được diễn ra từ ngày 15-17.7, trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng chương trình Năm du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam- Điểm đến du lịch xanh”. Với thông điệp tôn vinh giá trị văn hóa Nghề truyền thống, sáng tạo để hướng tới tương lai, sự kiện “Nét hoa Nghề Hội An” là dịp để trưng bày, giới thiệu quá trình sản xuất, chế tác các sản phẩm từ nghề, làng nghề truyền thống tại Hội An. Tôn vinh các nghệ nhân, thợ thủ công; Bảo tồn, sáng tạo và phát huy những giá trị truyền thống vào sự phát triển du lịch  “ngành công nghiệp không khói” tại Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An

Nét hoa nghề Hội An - Anh 2

Tôn vinh các nghề nhân, thợ thủ công tại các làng nghề 

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, TP Hội An hiện đang xây dựng hồ sơ ứng cử tham gia mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO, theo đó, đề xuất xây dựng “Hội An – Thành phố sáng tạo” trên lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian. Thông qua sự kiện “Nét hoa nghề Hội An”, thành phố càng khẳng định giá trị của các làng nghề truyền thống và tiếp tục thích ứng trên cơ sở đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực văn hóa, nguồn lực con người và các nguồn tài nguyên khác của địa phương. 

Nét hoa nghề Hội An - Anh 3

Làng gốm Thanh Hà

Sự kiện cũng là dịp để thành phố giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước những tài hoa, sự tinh tế, khả năng sáng tạo của người Hội An trong lĩnh vực nghề, sản phẩm thủ công và tiểu thủ công nghiệp. Từ đó, phát huy sức mạnh nội tại, tranh thủ những nguồn lực từ bên ngoài để bổ sung cho bề dày lịch sử văn hóa Hội An; cũng như vận dụng, sáng tạo các giá trị truyền thống trong thời cuộc mới. 
“Trong tương lai, thành phố sẽ hình thành các không gian sáng tạo, các khu trưng bày tập trung sản phẩm làng nghề, thu hút sự sáng tạo của các nghệ nhân trong quá trình tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng, tinh xảo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu”, ông Nguyễn Văn Lanh chia sẻ. 
Điểm nhấn của sự kiện là Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề diễn ra từ 16g- 21g30 ngày 15-17.7. Không gian sáng tạo mộc mạc, đậm chất làng quê Việt Nam được thiết kế với các gian nhà làm hoàn toàn từ chất liệu tre, gỗ, lụa… Ở đó, tất cả những nghề, làng nghề tại Hội An như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, lụa và thổ cẩm, nghề làm đầu lân, đầu thiên cẩu, nghề làm lồng đèn, nghề làm tranh tre, đan lưới, … được giới thiệu trong không gian hứa hẹn sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị, giúp người xem hiểu hơn về nét đẹp văn hóa lâu đời và sức sáng tạo, sự tài hoa của người Hội An.

Nét hoa nghề Hội An - Anh 4

Giới thiệu các món ẩm thực Hội An

Bên cạnh đó, Không gian ẩm thực Hội An với các món ăn đặc sản gắn với làng nghề, làng quê xứ Hội như rau Trà Quế, bánh ướt, cao lầu, mì Quảng và các loại bánh truyền thống như bánh đậu xanh, da lợn, bánh ram, bánh xoài… sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khi thưởng thức.  
Dịp này, thành phố tổ chức tọa đàm “Định hướng phát triển nghề truyền thống, văn nghệ dân gian hướng tới thành phố sáng tạo” để các nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi, đánh giá toàn diện về vai trò của các nghề truyền thống và văn nghệ dân gian trong con đường phát triển của Hội An; đề xuất các giải pháp giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, tài nguyên và con người Hội An ra thế giới. 

Nét hoa nghề Hội An - Anh 5

Người dân các làng nghề hưởng ứng sự kiện Nét hoa nghề Hội An

Tại các làng nghề tại Hội An cũng tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng như: Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Nghề trồng rau Trà Quế với các hoạt động văn hóa, thể thao như: đua ghe, hội thi trồng rau, ẩm thực, hô hát bài chòi, ... Thiếu nhi với các hoạt động trải nghiệm làng gốm Thanh Hà, tham quan, trải nghiệm tại Công viên Đất nung. 

Nét hoa nghề Hội An - Anh 6

Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Nghề trồng rau Trà Quế 

Nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm du lịch, các tour du lịch làng nghề truyền thống, xúc tiến kết nối du lịch-văn hóa giữa các địa phương cũng diễn ra tại các điểm đến du lịch nổi tiếng tại Hội An như: Giới thiệu lụa và thổ cẩm tại Làng lụa Hội An; Trưng bày sản phẩm từ vải vụn và củi lũ tại Coco Casa Collection, Đạp xe “Vì Di sản văn hóa thế giới Hội An”, Không gian giới thiệu sản phẩm và xúc tiến du lịch huyện Tây Giang, Giao lưu văn hóa vùng miền, Chợ phiên Hội An, … Đây là cơ hội để quảng bá, giới thiệu đến du khách trong ngoài nước những sản phẩm du lịch đặc biệt, thể hiện tài năng, sức sáng tạo và định hướng phát triển Hội An gắn với du lịch xanh, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Hiện nay, thành phố Hội An đã có 4 làng nghề gồm làng Mộc Kim Bồng, làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng nghề tre dừa Cẩm Thanh và 1 phố nghề đèn lồng Hội An. Ngoài ra, Hội An cũng rất nổi tiếng với nghề may mặc, theo cách đo may thủ công truyền thống, được du khách ưa thích và luôn lựa chọn các sản phẩm may mặc như một món quà lưu niệm khi tham quan phố cổ. Đây cũng là loại nghề thủ công mỹ nghệ đặc trưng mà ít có nơi nào phát triển mạnh mẽ như Hội An.

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc