Nâng cao chất lượng Giải thưởng phát triển văn hoá đọc

VHO – Sáng 4.4 tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Lễ tổng kết và trao tặng Giải thưởng phát triển văn hoá đọc lần thứ VI. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ dự và phát biểu tại buổi lễ.

Trình bày báo cáo công tác xét tặng giải thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện Đoàn Quỳnh Dung nhấn mạnh, Giải thưởng phát triển văn hoá đọc là giải thưởng có uy tín, ý nghĩa được trao cho tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng và phát triển văn hoá đọc. 

Nâng cao chất lượng Giải thưởng phát triển văn hoá đọc - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ

Từ năm 2018, giải thưởng đã được Bộ VHTTDL tổ chức hằng năm nhằm kịp thời tôn vinh những đóng góp quý báu; động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực cho việc phát triển văn hoá đọc tại bộ, ngành, địa phương, các vùng miền và trong cộng đồng. Sau 5 lần trao giải thưởng, Bộ VHTTDL đã tôn vinh được 121 tập thể, cá nhân tiêu biểu. Từ đó, tạo động lực để kết nối và lan toả rộng rãi văn hoá đọc trong cộng đồng.

Cũng theo bà Đoàn Quỳnh Dung, Giải thưởng phát triển văn hoá đọc lần thứ VI được thực hiện theo quy chế mới do Bộ VHTTDL ban hành năm 2023. Điểm mới của quy chế là các tập thể, cá nhân có thời gian tổ chức, tham gia tổ chức hoặc đóng góp cho phát triển văn hoá đọc tối thiểu 3 năm liên tục và chưa được xét tặng giải thưởng trong khoảng 3 năm tính đến năm đề nghị xét tặng; tổ chức được các mô hình hoạt động văn hoá đọc hiệu quả có sức lan toả sâu rộng trong cộng đồng.

Nâng cao chất lượng Giải thưởng phát triển văn hoá đọc - Anh 2

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ trao giải thưởng cho các tập thể

Bên cạnh đó, cá nhân đề nghị xét tặng giải thưởng phải có ít nhất 1 sáng kiến hoặc đề xuất mô hình, cách làm hay được triển khai áp dụng rộng rãi, có sức lan toả góp phần phát triển văn hoá đọc tại địa phương, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị.

Sau khi Bộ VHTTDL ban hành văn bản hướng dẫn việc xét tặng giải thưởng từ tháng 11.2023, đã có 78 hồ sơ của các tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng. Trong đó, có 36 hồ sơ tập thể và 42 hồ sơ cá nhân.

Nâng cao chất lượng Giải thưởng phát triển văn hoá đọc - Anh 3

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ trao giải thưởng cho các cá nhân

Bà Đoàn Quỳnh Dung đánh giá về cơ bản, các tập thể, cá nhân có hồ sơ xét tặng đã bám sát các tiêu chí của quy chế và hướng dẫn của Bộ VHTTDL; chú trọng đánh giá thành tích của tập thể, cá nhân thông qua các số liệu. Thông tin thể hiện tính hiệu quả, thiết thực của hoạt động khuyến đọc. Các sáng kiến đề xuất mô hình cũng được đánh giá thông qua kết quả triển khai thực tiễn. Các dịch vụ, sản phẩm thông tin – thư viện được minh chứng bằng hình ảnh, thước phim cụ thể.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, BTC nhận thấy vẫn còn một số tập thể, cá nhân chuẩn bị hồ sơ còn sơ sài. Số liệu báo cáo chung chung, định tính mà chưa có định lượng rõ ràng. Báo cáo cá nhân còn lẫn với thành tích hoạt động của đơn vị, không có sự so sánh các chỉ số đạt được của năm trước và năm sau.

Đối tượng đề nghị xét tặng còn thiếu vắng khối thư viện đại học, thư viện chuyên ngành - lực lượng tiên phong trong thời kỳ chuyển đổi số; vắng các NXB, tổ chức, doanh nghiệp, các liên hiệp, hội, các cá nhân, tập thể ngoài công lập vẫn âm thầm lặng lẽ đồng hành cùng sự nghiệp phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng.

Kết quả, Bộ VHTTDL quyết định trao tặng giải thưởng cho 30 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển văn hoá đọc nhằm kịp thời tôn vinh các tổ chức, các nhân có những đóng góp tích cực cho phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng; phát huy hiệu quả vốn tài liệu trong thư viện thông qua việc tổ chức các dịch vụ phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dân với nhiều cách làm hay, sáng tạo.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh, qua 5 năm tổ chức, Giải thưởng phát triển văn hoá đọc đã tôn vinh các tập thể, cá nhân có đóng góp quý báu cho sự phát triển văn hoá đọc; góp phần hình thành trí tuệ, nhân cách, đạo đức và lối sống lành mạnh; hướng đến xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Nâng cao chất lượng Giải thưởng phát triển văn hoá đọc - Anh 4

Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thuý Nga phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo

“Điểm đặc biệt có ý nghĩa và đáng trân trọng của giải thưởng là nhiều tập thể, cá nhân sau khi nhận giải vẫn tiếp tục bền bỉ, tâm huyết, luôn đổi mới, tìm tòi cách làm hay, sáng tạo để tiếp tục phục vụ bạn đọc, đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng. Giải thưởng cũng minh chứng cho việc không chỉ những người làm thư viện, văn hoá đọc đã được cộng đồng chung tay, góp sức phát triển, đóng góp vào xây dựng môi trường văn hoá cơ sở”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nêu rõ.

Cũng theo Thứ trưởng, Bộ VHTTDL đã rà soát, nghiên cứu, sửa đổi quy chế giải thưởng với những tiêu chí mới xét tặng, gắn với bối cảnh phát triển không ngừng của công nghệ và xu thế chuyển đổi số, hướng về cơ sở phục vụ trực tiếp cho người dân.

Thông qua báo cáo công tác tổ chức, xét tặng giải thưởng, Thứ trưởng đánh giá năm nay, số lượng hồ sơ đề xuất nhiều hơn so với các năm trước. Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ sức lan toả và sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài lĩnh vực thư viện đối với giải thưởng.

Đặc biệt qua phóng sự Phát triển văn hoá đọc hướng về cơ sở, Thứ trưởng thể hiện sự xúc động trước tình cảm, sự tâm huyết với văn hoá đọc của các tập thể, cá nhân trong suốt chặng đường vừa qua. Điều đó chứng tỏ không chỉ những nguời làm thư viện vẫn miệt mài, thầm lặng xây dựng văn hoá đọc mà cả cộng đồng đã chung tay, trực tiếp tham gia xây dựng môi trường văn hoá ở cơ sở.

Nâng cao chất lượng Giải thưởng phát triển văn hoá đọc - Anh 5

Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện Đoàn Quỳnh Dung trình bày báo cáo công tác xét tặng giải thưởng

Thứ trưởng nêu rõ, xây dựng, phát triển văn hoá đọc ngày càng trở thành nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng văn hoá, phát triển con người Việt Nam. Bối cảnh mới với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã, đang làm thay đổi thói quen đọc sách; hình thành thói quen mới cho độc giả hiện đại.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển văn hoá đọc trong bối cảnh mới, Thứ trưởng đề nghị các thư viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cần tiếp tục đưa sách đến với công chúng thông qua các hoạt động tổ chức hội sách, gia đình đọc sách, phục vụ đọc sách bằng xe tô tô lưu động và nhiều hoạt động thiết thực khác.

Bên canh việc tổ chức theo phương thức truyền thống, các thư viện cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng quản trị tri thức, quản trị dữ liệu, tổ chức các dịch vụ kết nối số đáp ứng nhu cầu tiếp cận, sử dụng thông tin của mọi người.

Đối với Giải thưởng phát triển văn hoá đọc, Thứ trưởng giao Vụ Thư viện với vai trò cơ quan thường trực phối hợp với các ban, bộ, ngành, tổ chức đoàn thể cùng chung tay xây dựng môi trường văn hoá cơ sở; tiếp tục đề xuất chính sách, chỉ đạo hệ thống thư viện công lập, nhất là thư viện công cộng có giải pháp hỗ trợ, duy trì bền vững các mô hình thư viện cơ sở. Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới công tác truyền thông nhằm lan toả ý nghĩa, giá trị của giải thưởng.

Cũng tại buổi lễ, Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thuý Nga đã phát động cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc năm 2024. Theo đó, cuộc thi sẽ được tổ chức qua 2 vòng. Vòng sơ khảo tổ chức tại Bộ Quốc phòng, các tỉnh/thành, Hội Người mù Việt Nam và các trường đại học/học viện, từ tháng 4.2024 đến ngày 30.6.2024. Vòng Chung kết do Bộ VHTTDL tổ chức. BTC nhận bài dự thi trước ngày 1.7.2024. Lễ tổng kết và trao giải chung kết toàn quốc cuộc thi, vinh danh Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 được tổ chức tại Thành phố Việt Trì (Phú Thọ), dự kiến vào cuối tháng 10.2024.

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc