Mùng 7 về Quảng Long xem hội cướp cù, đấu vật

VHO - Về Quảng Long xem hội cướp cù, đấu vật mới thấy được tinh thần thượng võ, rèn luyện sức khỏe của người dân nơi đây. Có lẽ, với người dân Quảng Long lễ hội cướp cù và đấu vật không chỉ để vui vẻ trong ngày Tết mà còn thỏa mãn lòng đam mê thấm sâu vào máu từ bao đời nay.

Mùng 7 về Quảng Long xem hội cướp cù, đấu vật - Anh 1

Hội cướp cù ở làng Tượng Sơn (Quảng Long) diễn ra vào ngày mồng 7 Tết

Ngày 16.2 (mồng 7 Tết Giáp Thìn 2024), phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ hội khai hạ làng Tượng Sơn. Từ bao đời nay, cứ vào dịp tết đến xuân về, người dân phường Quảng Long lại nô nức tham gia các lễ hội truyền thống của làng. Đặc biệt, lễ khai hạ được tổ chức tại đình làng Tượng Sơn từ sáng sớm ngày mồng 7 tháng giêng với những nghi lễ trang nghiêm, độc đáo với những màn múa quyền, múa roi, múa đao, kiếm do các cụ cao tuổi trong làng biểu diễn.

Đình làng Tượng Sơn là một trong những ngôi đình lớn trên đất Quảng Bình, được xây dựng vào năm Canh Ngọ 1750, là nơi thờ cúng thành hoàng làng và những người có công với quê hương, đất nước. Trải qua bao nhiêu năm lịch sử, năm 2003, đình Tượng Sơn được Bộ VHTTDL  công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. 

Mùng 7 về Quảng Long xem hội cướp cù, đấu vật - Anh 2

Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày mùng 7 về coi cướp cù

Sau phần nghi lễ tại đình Tượng Sơn, phần hội được tổ chức với các môn thể thao dân tộc truyền thống. Đó là lễ hội cướp cù nổi tiếng khắp vùng phía bắc sông Gianh được truyền tụng trong dân gian rằng: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày mùng 7 về coi cướp cù”. Cướp cù là một trong những lễ hội đặc sắc của phường Quảng Long, người dân ở đây thân thiết còn gọi là cướp cọn.

Cướp cù được diễn ra trên một sân cát có chiều dài khoảng 200m và chiều rộng khoảng 150m. Sân chia thành hai đội, hai đầu góc sân dựng hai cây tre cao chừng 10m, phía trên buộc thêm rổ tre để làm mục tiêu ném cù lên.

Mùng 7 về Quảng Long xem hội cướp cù, đấu vật - Anh 3

Người dân hào hứng tham gia ngày hội cướp cù với mong muốn năm mới gặp nhiều may mắn

Không giống như những trò chơi khác, hội cù ở đây hai đội cùng tranh nhau quả cù rồi ném vào rổ của mình, trong khi đó đội còn lại sẽ tìm mọi cách giành lại quả cù để về đội mình ném lên rổ. Điểm độc đáo của lễ hội này là số lượng người hai đội không hạn chế, không quy định già, trẻ, gái, trai. Đội nào giành chiến thắng sẽ được ghi vào lịch sử hội cù của làng Tượng Sơn.

Đấu thủ hai bên dùng sự nhanh nhẹn, khéo léo để tranh nhau ném quả cù vào rọ trong tiếng reo hò cổ vũ của người xem. Theo quan niệm của người dân địa phương, ai cướp được cù và tung được cù vào rọ là năm mới cả đội gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt.

Mùng 7 về Quảng Long xem hội cướp cù, đấu vật - Anh 4

Hội cướp cù diễn ra trong tiếng reo hò náo nhiệt của người cổ vũ

Sau khi kết thúc hội cướp cù trong tiếng reo hò náo nhiệt của người cổ vũ, trên bãi cát lúc này là một sới vật để các đô vật thử sức trong hội vật truyền thống đầu xuân ở phường Quảng Long. 

Mùng 7 về Quảng Long xem hội cướp cù, đấu vật - Anh 5

Sới vật diễn ra ngay trên triền cát trắng ở làng Tượng Sơn.

Giữa tiết trời mùa xuân, các đô vật ở các tổ dân phố Chính Trực, Tiền Phong, Trường Sơn, Thủy Sơn… trông thật vạm vỡ, khỏe mạnh. Khi ba hồi trống dài rộn ràng báo hiệu khai cuộc, hai đô vật bước lên sới vật với hai chiếc đai màu xanh đỏ để phân biệt. Mọi người đứng chen thành vòng tròn, háo hức đón xem những thế vật hay, khéo léo của các đô vật.

Mùng 7 về Quảng Long xem hội cướp cù, đấu vật - Anh 6

Các đô vật trông thật vạm vỡ, khỏe mạnh

Mùng 7 về Quảng Long xem hội cướp cù, đấu vật - Anh 7

Niềm vui ngày xuân

Lễ hội cướp cù, đấu vật tổ chức vào những ngày đầu xuân là nét văn hóa truyền thống thể hiện tinh thần đoàn kết của người dân Quảng Long, với mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người dân trong làng được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Đặc biệt thông qua hội vật, chính quyền địa phương đã tuyển chọn những đô vật xuất sắc để tham gia thi đấu giải vật truyền thống của thị xã.

TÂN BÌNH

Ý kiến bạn đọc